Có tàn nhẫn khi ly hôn người vợ đau ốm

Về đến nhà, nhìn vợ con cứ oặt ẹo khiến nhiều lúc tôi chán tới mức chỉ muốn bỏ nhà ra đi.

Tôi và vợ kết hôn 8 năm, có hai con gái. Hai con tôi không khỏe mạnh, thỉnh thoảng lại phải vào bệnh viện khám, chữa. Kinh tế gia đình bình thường, thu nhập tổng gần 20 triệu/tháng. Dù không phải thuê nhà nhưng chi tiêu trong gia đình cộng với tiền thuốc men hàng tháng của hai đứa con làm cho vợ chồng tôi chẳng tích lũy được khoản nào.

Vợ tôi là người cũng chu toàn, mọi việc con cái ốm đau hầu như cô ấy đều đảm nhiệm, bởi cô ấy làm ở cơ quan nhà nước có nhiều thời gian rảnh, còn tôi thì làm công ty tư nhân nên hạn chế hơn. Hơn một năm gần đây, vợ tôi sức khỏe rất có vấn đề, mắc bệnh về máu và đã phải vào viện nằm hai lần trong năm, mỗi lần 2 tuần. Trở về nhà mặt mũi cô ấy lúc nào cũng xanh rớt, người mệt mỏi và uống thuốc liên tục.

Hiện giờ mọi việc trong gia đình bỗng nhiên dồn hết vào tay tôi, cứ hết giờ đi làm về là tôi bắt đầu hành trình đón con, đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp rồi giục con học bài. Tôi không còn tí thời gian rảnh nào để đi uống cốc bia với bạn bè, cũng không có sự vui vẻ để đi chơi đâu đó nữa vì vừa bận vừa chán nản.

Cuộc sống của tôi gần như đảo lộn hết, tháng nào nhà tôi cũng âm tiền vì hết vợ bệnh đến con ốm. Hai vợ chồng tôi bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn cãi vã vì mệt mỏi. Cô ấy nói nếu sống thế này thì thà chia tay còn hơn. Tôi đang nghĩ có nên làm thế không bởi tôi đang rất chán nản, nhưng chia tay thì liệu mọi người có cho rằng tôi quá tàn nhẫn không? Tôi làm sao cho vẹn cả đôi đường? (Thành)

Ảnh minh họa: Heraldsun.

Trả lời

Chào anh,

Cuộc hôn nhân của anh chưa phải là quá dài để thử thách tình cảm và sự kiên nhẫn của cả hai, tôi nhận thấy lúc này anh đang lúng túng và mệt mỏi với sự đảo lộn trong gia đình khi hai con ốm, sức khỏe của vợ cũng bị suy kiệt. Nhưng anh có nghĩ rằng, chính những lúc này anh mới thấy được sự mệt mỏi vất vả và tầm quan trọng của vợ mình khi cô ấy gánh vác những công việc gia đình để anh tập trung cho công việc hay không?

Thông thường, hình ảnh người phụ nữ hay gắn liền với vai trò nội trợ, chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái… còn nam giới thường đảm trách các công việc ngoài xã hội. Chúng ta cũng rất quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ sau giờ làm việc tất bật đi đón con rồi đi chợ, còn nhiều nam giới ngồi thảnh thơi cạnh bạn bè bên những quán bia hơi. Với anh, trước đây dù con ốm đau, anh vẫn có thời gian tập trung cho công việc, tụ tập bạn bè. Nhưng đến giờ, khi vợ có vấn đề về sức khỏe, anh mới thấy những công việc ở gia đình mà cô ấy đang làm là không hề dễ dàng.

Trong hoàn cảnh này, tôi biết anh cũng đã rất cố gắng để vừa hoàn thành công việc cơ quan, vừa có thời gian chăm sóc vợ con, nhưng việc tiếp nhận nó quá đột ngột hoặc chưa chuẩn bị tinh thần sẽ khiến anh bị sốc và chán nản. Nhưng anh hãy hình dung, giả sử người ốm đau là anh, anh có muốn thấy vợ chán nản ruồng rẫy hay tỏ ra muốn buông bỏ gia đình chỉ vì mình ốm đau chứ?

Lúc này không khí trong gia đình anh đang căng thẳng, một mặt do anh mệt mỏi vì phải đảm nhiệm nhiều công việc, mặt khác tinh thần của vợ anh cũng bị suy sụp do mắc bệnh nên cả hai sẽ dễ cự cãi mâu thuẫn nhau, nếu cứ tiếp tục như thế này thì hạnh phúc gia đình sẽ ngày càng bị ảnh hưởng.

Ốm đau là điều không ai mong muốn, vợ anh cũng vậy, tôi nghĩ cô ấy còn lo lắng hơn nhiều bởi sức khỏe của mình đang giảm sút trong khi hai đứa con đang rất cần đến bàn tay chăm sóc của mẹ. Vì thế, nếu gây thêm áp lực với vợ anh trong lúc này, tôi e là sẽ càng ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của cô ấy. Cô ấy nói chia tay không phải vì không muốn chung sống với anh mà có thể đó là lúc cô ấy đang tuyệt vọng và không muốn mình sẽ tăng thêm gánh nặng cho chồng nữa. Nếu suy nghĩ một cách tích cực, anh thấy rằng điều gì xảy ra cũng có một ý nghĩa nhất định và anh sẽ tìm được hạnh phúc trong công việc của mình, đồng thời sẽ làm gắn kết thêm tình cảm vợ chồng.

Việc chiến đấu với bệnh tật cần thời gian và nghị lực, nếu như những công việc gia đình khiến anh quá tải và không thể kiêm nhiệm được hết, anh nên bàn bạc với người thân để nhận được sự trợ giúp từ họ hoặc sắp xếp để thuê thêm người giúp việc để giúp đỡ nội trợ nhà cửa.

Lúc này vợ và các con anh đang có chỗ dựa tinh thần rất lớn là anh, hy vọng anh sẽ có đủ suy nghĩ tích cực để hỗ trợ cho những người thân yêu bên cạnh anh trong lúc này.

Theo Chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết/VnExpress

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/co-tan-nhan-khi-ly-hon-nguoi-vo-dau-om-20150831160206861.htm