Cổ phiếu ngành dệt may - Triển vọng những tháng cuối năm

Chuyển biến tích cực của nền kinh tế thế giới cùng với mức tăng trưởng mạnh của GDP Việt Nam trong quý III/2009 đang mở ra triển vọng của hoạt động xuất khẩu nói chung cũng như các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam nói riêng trong thời gian tới…

Kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc và phục hồi, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3/2009 đến nay, nhiều cổ phiếu thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề đã có mức tăng giá ấn tượng. Tính đến cuối tháng 9/2009, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, năng lượng, khoáng sản, thực phẩm… đều có mức P/E khá cao. Có những ngành, được hưởng lợi từ gói kích cầu trong thời kỳ suy thoái , đã được các nhà đầu tư kỳ vọng đặc biệt và tập trung giao dịch. Bên cạnh các cổ phiếu có chỉ số P/E bình quân ngành ở mức cao như xây dựng, bất động sản, thì đến thời điểm hiện tại, vẫn có một số cổ phiếu thuộc những nhóm ngành được đánh giá là có nhiều triển vọng nhưng giá của phần lớn các cổ phiếu này cho đến nay vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng cũng như triển vọng của chúng. Những phân tích sau đây có thể mang đến một cái nhìn khác về những cổ phiếu thuộc ngành hàng dệt may khi nền kinh tế Việt Nam và thế giới lấy lại đà tăng trưởng sau thời kỳ suy thoái. So với nhiều quốc gia khác thì Việt Nam là nước có ngành sản xuất hàng dệt may vào loại trung bình. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, dệt may lại là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu khá lớn. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt trên 9.1 tỷ USD, chiếm 14.1% tổng kim ngạch xuất khẩu và con số trên tương đương với 11% GDP Việt Nam trong năm 2008. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2008 đã tăng trưởng 18% so với năm 2007. Nếu không có tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 thì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may VN trong năm 2008 sẽ không dừng ở con số 9.1 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ các mặt hàng dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu là Hoa Kỳ (chiếm 60%), kế đến là các nước EU và Nhật Bản. Do suy thoái kinh tế, hàng dệt may của Việt Nam vào các thị trường này giảm mạnh từ các tháng cuối năm 2008. 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục giảm, chỉ đạt 4 tỷ USD, giảm 4.7% so với cùng kỳ năm 2008. Nguồn: Tổng cục thống kê Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dệt may, kể cả các doanh nghiệp đã có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2009, có 5 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may và túi xách có cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn gồm CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (mck: GMC), CTCP Dệt May- Đầu tư-Thương mại Thành Công (mck: TCM), CTCP May Phú Thịnh Nhà Bè (mck: NPS), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mck: TNG) và CTCP SXKD XNK Bình Thạnh (mck: GIL). Do suy thoái kinh tế, các đơn hàng xuất khẩu ở các doanh nghiệp này giảm mạnh, dẫn đến doanh thu năm 2008 cũng như các tháng đầu năm 2009 không mấy khả quan. Cổ phiếu của các DN này đã bị đánh giá thấp trong suốt thời gian VN index đi từ đáy 235 điểm (24/02/2009) lên 512 điểm (09/06/2009). Từ giữa tháng 8/2009 đến cuối tháng 9/2009, do những chuyển biến tích cực của kinh tế Việt Nam và thế giới, TTCK Việt Nam có những bước tăng trưởng và ở giai đoạn này các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến một số mã cổ phiếu dệt may. So với mức phục hồi mạnh của các chỉ số chứng khoán trên 2 sàn cũng như mức tăng giá của cả cổ phiếu nhiều ngành khác thì cổ phiếu thuộc nhóm ngành hàng dệt may vẫn ở mức tăng giá khá thấp. Có thể nói, mức giá hiện tại chưa phản ánh đầy đủ giá trị của các cổ phiếu này. Ngoại trừ, cổ phiếu TCM (Dệt May Thành Công) có mức P/E khá cao, các cổ phiếu còn lại điều đang ỡ ngưỡng giá khá hấp dẫn so với mặt bằng giá chung trên 2 sàn. Xét về quy mô vốn và tài sản, Dệt May Thành Công được xem là doanh nghiệp lớn nhất so với các cổ phiếu dệt may đang niêm yết. Tuy nhiên, nếu xét về lợi nhuận trên vốn cổ phần thì GMC (May Sài Gòn) và NPS (May Phú Thịnh Nhà Bè) là 2 doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động khá nhất. Do đó, GMC được xem là cổ phiếu có mức giá khá hấp dẫn để đầu tư trong giai đoạn này. Theo Hiệp Hội Dệt may Việt Nam, từ cuối quý II/2009 đến nay, các đơn hàng xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản đang tăng lên. Hiện đã có hơn 80% số doanh nghiệp trong ngành có hợp đồng sản xuất đến cuối năm 2009, với tổng kim ngạch khoảng 1 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, với các ngưỡng giá khá hợp lý hiện tại, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào khả năng sinh lợi khi đầu tư vào các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này. Ngô Thanh Phát Trưởng Phòng Phân tích CTCK VISE

Nguồn StockBiz: http://stockbiz.vn/news/2009/10/1/59596/co-phieu-nganh-det-may-trien-vong-nhung-thang-cuoi-nam.aspx