Chuyện lạ ở Hang Tám Cô

Từ khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng có một tấm biển chỉ dẫn về hang Tám Cô. Từ Km 0 đến Km15, gặp một ngã tư mang tên Trạ Ang, nơi giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh nhánh tây và đường 20. Đi thêm chừng 2km nữa là đến hang Tám Cô.

Hang Tám Cô nằm trên đỉnh Trường Sơn, vốn là địa danh lịch sử nổi tiếng. Tuy nhiên, ẩn sau ngôi miếu thờ nơi cánh rừng già u tịch là những câu chuyện lạ kỳ, sự trùng hợp đến khó tin mà hiện giờ vẫn chưa thể lý giải

Chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy còn đọng mãi trong lòng mỗi người con đất Việt. Ngược dòng lịch sử, lật từng “trang ký ức” để trở về quá khư nghe câu chuyện về Hang Tám Cô.

Câu chuyện về hang Tám Cô có lẽ còn đau thương hơn ngã ba Đồng Lộc. Ngày 14 tháng 11 năm 1972, bom Mỹ đánh vào đường 20, nơi có một đội thanh niên xung phong và một tiểu đội pháo đang đóng.Đội thanh niên xung phong gồm 8 người, 4 nam 4 nữ. Anh lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20. Để tránh bom Mỹ, 8 người đã vào trong một hang núi ngay bên cạnh đường để trú. Lúc đó, bầu trời đường 20 như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt đường 20 bị cày nát mà ngay cả những khối núi chung quanh cũng rung chuyển bởi những đợt bom. Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi thì họ chỉ nghe thấy văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội phía sau tảng đá. Tảng đá đã ngăn cách bên ngoài với bên trong. Những người bên ngoài sau trận bom đã tìm thấy hang, nhưng không sao có thể mở được đường vào. Khối đá quá lớn. Họ chỉ biết lấy cây tre dài thông qua một chỗ hở để đưa nước uống và lương khô cho những người bị giam trong hang. Mỗi lần có xe qua, người ta lại tìm cách, kể cả dùng mìn phá đá, nhưng vô vọng.

Sau 9 ngày, những người bên ngoài không còn nghe thấy tiếng kêu khóc của đồng đội bên trong hang nữa..... Nơi này từ đó gọi là hang Tám Cô. Dù thực sự chỉ có 4 cô.

Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi cái hang oan nghiệt, và cùng được chôn cất với 5 chiến sĩ pháo cao xạ hi sinh trong cùng trận bom ngày 14/11/1972 đó.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những câu chuyện kể về hang Tám Cô thanh niên xung phong và đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng mang nặng yếu tố tâm linh và gắn liền với con số tám: Binh trạm 14 phụ trách đường 20 trong kháng chiến chống Mỹ có tám tập thể và tám cá nhân được tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân; tiểu đội nữ tám TNXP phụ trách đoạn đường qua trọng điểm km16 trước đây nay để lại địa danh hang Tám TNXP; tám liệt sỹ cùng chung quê quán Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nhập ngũ cùng đợt, tuy khác ngày sinh, tháng đẻ nhưng mất cùng nơi, cùng một lần.

Theo những người được chứng kiến kể lại: đúng vào dịp cả nước nô nức kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, có cây chuối rừng mọc ở cửa hang, điều đáng nói là giữa nơi toàn đá sỏi lổm nhổm nhưng cây chuối vẫn cực kỳ xanh tốt, chiều cao khoảng 8m và ra một buồng chuối 8 nải.

Buồng chuối ra 8 nải chưa hết làm mọi người hết ngạc nhiên thì liên tiếp có những sự trùng hợp về con số 8 như: chuyện tắc kè đẻ ra 8 trứng, kêu 8 tiếng và sau đó nở ra đúng 8 con mà không hề bị hư hỏng. đằng sau cây chuối, trên vách đá có một tổ chim với 8 quả trứng…

Những sự trùng lặp ngẫu nhiên đó đã làm rất nhiều khách tham quan và những người chứng kiến đặt ra câu hỏi: Liệu đó có phải là sự linh ứng hay mối liên kết nào đó đối với 8 thanh niên xung phong?

Hang Tám Cô nằm trong quần thể Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, gần đó có động Thiên Đường đẹp như tên gọi, được khám phá và mới đưa vào khai thác. Những địa danh: động Phong Nha, động Thiên Đường, Hang Tám Cô đã hình thành tuyến du lịch hấp dẫn du khách. Đến đây, du khách có dịp tri ân sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ cha anh vì một hoài vọng thiêng liêng: Thống nhất Tổ quốc.

.

Bảo Anh (thethaovietnam.vn)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/du-lich/201311/chuyen-la-o-hang-tam-co-305945/