Chuyện lạ: Nghi thức 'vay vốn' ở miếu Bà Chúa Xứ ?

Mỗi dịp Tết đến xuân về, dân kinh doanh buôn bán lại nườm nượp đổ về miếu Bà Chúa Xứ, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang để “vay vốn” Bà Chúa Xứ làm ăn.

Bà Chúa Xứ cho ‘vay vốn’ ngày Tết?

Ngay từ đêm giao thừa, miếu Bà Chúa Xứ đã là điểm đến của hàng ngàn người từ khắp mọi miền. Thanh niên, đôi lứa tìm đến để tham quan cầu duyên. Người già thì ước mong cầu bình an, sức khỏe. Nhưng cũng không ít người, nhất là giới làm ăn, buôn bán đến đây để “vay vốn” Bà Chúa Xứ.

Không biết chuyện này thực hư thế nào? nhưng lượng người hàng năm đổ về đây cứ ngày một tăng lên theo cấp số nhân. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm (72 tuổi, ngụ tại phường Núi Sam, TP.Châu Đốc) cho biết, vào đêm giao thừa, người dân muốn vào cúng lễ thì phải xếp hàng ngay từ tối, bởi lượng người tới đây là rất lớn.

Người dân tới viếng miếu Bà

“Những năm trước chỉ có người dân địa phương và các tỉnh lân cận tới viếng. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây xuất hiện nhiều lời đồn thổi rằng, miếu Bà Chúa Xứ rất linh thiêng, cầu gì được nấy khiến cho rất nhiều người sùng tín từ khắp nơi tìm về. Nhất là những người làm ăn kinh doanh. Họ tin rằng, muốn năm mới làm ăn phát đạt thì phải “vay vốn” của Bà Chúa Xứ và sẽ được bà phù hộ”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, lượng khách hành hương về miếu ngày một nhiều đã làm mất đi vẻ đẹp thanh tịnh vốn có. Các loại dịch vụ ăn theo dịp lễ như quay heo cúng Bà, cúng thuê mọc lên như nấm. Điều đáng nói, hầu hết những vị thầy cúng ở đây đều là tự phong. Những bài cúng cũng tự “sáng tác” nhưng lại được khách hành hương tin tưởng.

Để có được mâm cúng đầy đủ lễ vật như heo quay, hương hoa, trái cây… du khách phải bỏ ra ít nhất từ 1 - 2 triệu đồng. Ai cũng muốn có một mâm lễ vật “hoành tráng” để thể hiện lòng thành với Bà Chúa Xứ. Thậm chí, nhiều người còn thuê hẳn cho mình một vị thầy cúng để thỉnh nguyện với Bà, dù không biết vị thầy này sẽ thỉnh gì”, ông Lâm cho biết.

Còn theo ông Huỳnh Văn Sơn (62 tuổi, phường Núi Sam, TP.Châu Đốc), núi Sam là một trong “Thất Sơn huyền bí”. Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng ở khu vực này nên cũng hàm chứa nhiều bí ẩn với những câu chuyện đi vào truyền thuyết.

Theo các cụ cao niên, trước đây người Việt tới sống ở vùng này, phát hiện tượng Bà ở đỉnh núi, mới bàn nhau khiêng xuống lập Miếu thờ. Thế rồi Bà chúa Xứ hiển linh vào một người tu hành, bảo phải có 40 trinh nữ đến khiêng mới chịu đi. Dân làng làm theo và khiêng đến nơi thờ hiện nay thì Bà nặng trịch và chọn nơi này an ngự.

Du khách hành lễ

Nhiều người cho rằng, Bà Chúa Xứ từng “hiển linh” báo mộng vào một cô gái, Bà bảo phải có 9 cô gái đồng trinh khiêng kiệu Bà mới di tượng. Một truyền thuyết nói về công lao Ông Thoại Ngọc Hầu, khi Ông đi dẹp giặc ngoại xâm biên giới, Bà Châu Thị Tế khấn vái Bà Chúa Xứ phù hộ Ông dẹp yên giặc, gìn giữ xóm làng bình yên. Để tạ ơn những điều linh nghiệm, Ông Thoại Ngọc Hầu cho thỉnh Bà từ trên đỉnh núi Sam về xây miếu Bà khang trang tại chân núi và chọn ngày 24 tháng 4 làm ngày cúng lễ Bà.

Tuy chỉ là những truyền thuyết, nhưng vì lòng tin vào sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ, nhiều người dân luôn tỏ lòng sùng bái Bà. Một số người còn tin rằng, Bà Chúa Xứ có thể thực hiện mọi điều ước. Nào là có thể trị khỏi bệnh, ban phúc, cho vay vốn làm ăn, nhưng đó chỉ là niềm tin tâm linh, không ai có thể kiểm chứng. Còn nhìn vào thực tế, chỉ duy nhất những người làm dịch vụ ăn theo quanh khu vực là được cả vốn lẫn lời” ông Sơn cho hay.

Cúng lễ tối giản

Ông Đào Minh Tâm, phó ban quản trị miếu Bà Chúa Xứ cho biết, niềm tin tâm linh của người dân vốn là nét đẹp văn hóa ngàn xưa. Nhưng nếu quá đà, nó sẽ dễ sa vào mê tín, dị đoan.

Miếu Bà Chúa Xứ là địa điểm tâm linh của người dân địa phương. Mấy năm trở lại đây, miếu còn là nơi tìm đến của nhiều khách hành hương từ khắp mọi miền tổ quốc và cả nước ngoài.
Trong các dịp lễ, người dân thường đến đây với rất nhiều mục đích, người thì tham quan, người thì đi cầu cúng, xin lộc, xin được khỏi bệnh tật, vay vốn làm ăn… nhưng đó chỉ là niềm tin tâm linh của người dân, còn kết quả thế nào thì cũng không ai dám khẳng định”, ông Tâm cho biết.

Ban thờ chính của Miếu Bà

Cũng theo ông Tâm, tại khu vực miếu, việc cúng kiếng là tùy vào lòng thành của người dân đối với Bà. Với người địa phương trước đây, viếc lễ lạt cúng kiếng cũng rất đơn giản, tùy vào khả năng kinh tế của từng người. Điều quan trọng nhất là lòng thành tâm.

Theo tôi nếu có thần thánh thật thì các Ngài chắc chắn không quan trọng chuyện lễ lạt. Bởi vậy, người dân không nên bỏ nhiều tiền của để thể hiện lòng thành. Việc dâng quá nhiều đồ ăn thức uống vào chốn tâm linh sẽ làm mất đi ý nghĩa và không khí nơi đây”, ông Tâm cho hay.

Chia sẻ về cách cúng lễ sao cho hợp lý và không vướng vào chuyện mê tín dị đoan, ông Tâm cho biết, miếu Bà Chúa Xứ chỉ có một ban thờ chính nên việc tối giản trong cúng lễ là điều người dân nên làm, vừa tiết kiệm, vừa không làm ảnh hưởng tới mỹ quan của miếu.

Việc đến cầu cúng lễ là do niềm tin tâm linh của người dân, vì thế không nên chạy theo phong trào phải có mâm cao cỗ đầy, tiền vàng làm ảnh hưởng tới kinh tế và rơi vào chuyện mê tín dị đoan.

Ông Tâm chia sẻ với người viết

Chuyện tới viếng Bà là do thành tâm, người dân không nên quá cả tin vào lời chèo kéo của những người ăn theo quanh khu vực miếu. Nhất là với người từ nơi khác tìm tới, họ đặt niềm tin một cách mù quáng khi thuê hẳn người vào cúng lễ nhằm xin lộc, vay vốn làm ăn. Tuy rằng đó là niềm tin của họ nhưng nó vô tình trở thành mê tín dị đoan. Việc cúng lễ không hề có sách vở hay quy định gì mà chủ yếu là do lòng thành, họ ước nguyện gì là tùy ý” ông Tâm chia sẻ.

Còn theo bà Nguyễn Kim Hoa (67 tuổi, một người ngụ tại địa phương) chia sẻ: “Việc hàng năm lượng người hành hương về đây ngày một tăng lên cho thấy niềm tin của người dân vào Bà Chúa Xứ là rất lớn. Bản thân tôi cũng thường tới viếng Bà vào những dịp lễ nhưng cảm thấy rất bức xúc trước hiện tượng cực đoan. Nào là việc chèo kéo của những người bán hàng rong, bói toán, xin xăm, nhất là niềm tin thái quá của người dân vào những chuyện không hề có thực như vay vốn của Bà Chúa, xin chữa bệnh tật. Mong rằng tình trạng này thời gian tới sẽ được khắc phục, trả lại cảnh quan, vẻ đẹp cho khu vực miếu Bà Chúa Xứ”.

T.H

Xem thêm >>> Sửng sốt với cây Bonsai ‘thần kỳ’ biết bay của người Nhật

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/chuyen-la-nghi-thuc-vay-von-o-mieu-ba-chua-xu-211721.html