Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế

Những thập niên gần đây, tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc của cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức đã dẫn tới sự phát triển mang tính nhảy vọt trong xã hội; trong lực lượng sản xuất; thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa kinh tế phát triển và trở thành một xu thế tất yếu của thời đại. Trong bối cảnh đó nước ta đã tham gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nhờ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với tinh thần chủ động, tích cực mà nước ta có thêm nhiều thời cơ và điều kiện thuận lợi như:

- Mở rộng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường thế giới, nhất là vào thị trường các thành viên khác của WTO với tư cách là một đối tác bình đẳng, từ đó khai thác được những tiềm năng, lợi thế của đất nước. - Đẩy nhanh quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch. Các yếu tố này cùng với khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo ra triển vọng và động lực mới cho đầu tư trong và ngoài nước gia tăng. Nhờ đó nhiều tiềm năng, lợi thế kinh tế của nước ta được phát huy. - Thúc đẩy công cuộc đổi mới tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ ở trong nước và học tập, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm công nghệ, tri thức từ bên ngoài và sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế để xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, công khai, minh bạch cũng như trong chính sách kinh tế và cơ chế quản lý. Tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân được khởi dậy mạnh mẽ; ... - Tham gia vào các quá trình và thực hiện vai trò của một thành viên có địa vị bình đẳng như các thành viên khác. Thông qua đó Việt Nam được tham gia hoạch định chính sách thương mại toàn cầu theo hướng trật tự và công bằng hơn; bảo vệ tốt hơn lợi ích kinh tế của đất nước, của doanh nghiệp và người lao động. - Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy vai trò ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Từ Đại hội toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã đề ra chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhưng thực tế triển khai thực hiện chủ trương đó trong 10 năm qua còn chưa quán triệt và chưa thể hiện tốt tinh thần đó, nên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và năng lực nội sinh cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nếu không kịp thời khắc phục thực trạng đó thì nước ta sẽ gặp phải nhiều bất lợi, thua thiệt và những tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế như: - Nước ta phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn, gay gắt hơn trên cả ba cấp độ: sản phẩm với sản phẩm; doanh nghiệp với doanh nghiệp; Nhà nước với Nhà nước. - Một bộ phận dân cư bị tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế, thất nghiệp sẽ tăng lên, khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch mức sống gia tăng... - Những biến động của thị trường thế giới sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nếu không kiểm soát và xử lý đúng đắn có thể dẫn đến rối loạn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước. - Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp... chưa đáp ứng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. - Xuất hiện những thách thức mới trong lĩnh vực bảo đảm an ninh chính trị, tư tưởng, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có nội dung rất rộng. Đó là chủ trương, chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng; nắm vững quy luật, sự vận động tất yếu của kinh tế quốc tế nói riêng; nắm vững quy luật, sự vận động tất yếu của kinh tế khu vực và toàn cầu, phát huy đầy đủ năng lực nội sinh, xác định chiến lược, lộ trình, nội dung, quy mô, bước đi phù hợp, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế... Đó là việc chuẩn bị các điều kiện, thực lực, kịp thời nhanh nhạy điều chỉnh, đổi mới bên trong từ đường lối, chiến lược hội nhập đến phương thức lãnh đạo, quản lý và hoạt động thực tiễn; từ trung ương đến địa phương, cơ sở và doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược, cơ chế, chính sách, xây dựng lộ trình, kế hoạch, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với xu hướng cấu trúc lại nền kinh tế thế giới và tiềm năng, lợi thế của nước ta; không duy trì những chính sách bảo hộ nay không cần thiết và phá bỏ triệt để những trợ cấp phi lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp..., làm cho chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế thực sự trở thành sự nghiệp, quyết tâm của Đảng và Nhà nước, của mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và của toàn xã hội. Để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta cần thực hiện những yêu cầu cơ bản như sau: - Phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. - Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân; mọi tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, của mọi người dân, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. - Cần linh hoạt trong xử lý tính hai mặt của quá trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tùy theo đối tác, tùy theo vấn đề, trường hợp và thời điểm cụ thể; vừa phải đề phòng tư tưởng chần chừ, do dự, thụ động, vừa phải chống tư tưởng giản đơn, nôn nóng, thiếu sự cân nhắc cẩn trọng. - Không ngừng bổ sung, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, lộ trình, đảm bảo vừa phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập theo quy định của các tổ chức kinh tế quốc tế mà nước ta tham gia; tranh thủ những ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường hiện đại. - Kết hợp chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng; thông qua chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế để tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước; nhằm củng cố chủ quyền và an ninh quốc gia, cảnh giác với những mưu toan của các thế lực thù địch thông qua quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta để thực hiện ý đồ “diễn biến hòa bình”. GS,TS HOÀNG NGỌC HÒA

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=21126&menu=1427&style=1