Chủ động nguồn nước cho sản xuất vụ xuân

Trong những ngày qua, các hồ thủy điện dừng xả nước đợt 2, nhưng các trạm bơm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn được vận hành liên tục phục vụ nhân dân làm đất.

Người dân xã Tự Lập, huyện Mê Linh tích cực lấy nước làm đất

Đến ngày 5-2, nhiều địa phương diện tích có nước đạt cao, tuy nhiên Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo các địa phương cần chuyển diện tích cấy trà xuân sớm, xuân trung sang trà lúa xuân muộn để tránh các đợt rét đậm, rét hại đầu vụ.

Ruộng đồng no nước

Trên cánh đồng các xã Tự Lập, Tam Đồng (Mê Linh) những ngày này, bà con nông dân đang rất khẩn trương lấy nước, làm đất đổ ải. Bà Trần Thị Lập (xã Tự Lập) cho biết, gia đình có hơn bốn sào ruộng, đến thời điểm này đã cơ bản đủ nước, tranh thủ thời tiết ấm lên đã huy động toàn bộ nhân lực ra đồng làm đất đổ ải. Theo bà Lập, năm nay nguồn nước rất thuận lợi nên chỉ sau 3 ngày xả nước phần lớn diện tích đất nông nghiệp của xã Tự Lập đã đủ nước. Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại đầu vụ nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nên hơn bốn sào ruộng của gia đình bà Lập cũng như các hộ dân trong xã đã chuyển sang cấy sau Tết Nguyên đán.

Anh Trần Văn Vững, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Điềm cho biết, vụ xuân 2016, Xí nghiệp xây dựng phương án chống hạn rất chi tiết và gắn trách nhiệm đến từng công nhân, tổ máy trực dã chiến nên ngay ngày đầu tiên xả nước (21-1-2016) đã phân công 3 ca, ứng trực 24/24h vận hành liên tục 16 tổ máy bơm dã chiến có công suất 1.100m3/h/máy để tiếp nước vào kênh mương nội đồng phục vụ nhân dân đổ ải, làm đất. Thống kê của huyện Mê Linh cho thấy, đến thời điểm này, toàn huyện đã cơ bản đủ nước cho sản xuất vụ xuân, trong đó đã làm đất được hơn 2.500 ha, đạt gần 50% diện tích.

Tương tự huyện Mê Linh, nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội diện tích đổ ải đạt cao như: Phú Xuyên 8.600 ha, đạt 100% diện tích; Thanh Oai hơn 6.300 ha, đạt 98%; Thường Tín hơn 5.000ha, đạt 95%; Ứng Hòa 9.100ha, đạt 91%... Ông Lê Xuân Uyên, Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, năm nay nguồn nước đổ ải rất thuận lợi, không khí lạnh tăng cường đợt cuối tháng 1-2016 đã mang đến những trận mưa rào trên diện rộng, với lượng mưa đo được lên tới 30-50mm giúp giải hạn cho các địa phương sản xuất. Theo thống kê, tính đến ngày 5-2, các địa phương trên địa bàn thành phố đã đổ ải được khoảng 65% diện tích và làm đất được 45% diện tích. Sở NN&PTNT cũng lưu ý một số địa phương tỷ lệ lấy nước ạt thấp như Quốc Oai, Long Biên, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Hoài Đức... cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ra đồng sản xuất, tích trữ nước bảo đảm theo kế hoạch.

Tập trung cấy trà xuân muộn

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) Hà Nội cho biết, vụ xuân 2016, toàn thành phố sẽ gieo cấy hơn 99.700 hécta lúa, năng suất dự kiến trung bình đạt 63tạ/ha. Thực hiện kế hoạch nay, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung tối đa cấy trà xuân muộn (chiếm 90% diện tích; trong đó tập trung vào một số giống lúa thuần chủ lực như: Khang dân 18, Hương Thơm số 1, Bắc Thơm số 7, Nàng xuân, Nhị ưu, ĐB6... Sở cũng khuyến cáo đối với những khu vực đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn tập trung sản xuất cùng một loại giống lúa theo hướng hàng hóa nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng lúa.

Ngoài ra, để giành vụ xuân thắng lợi, Sở đã yêu cầu các huyện tuyên truyền cho nhân dân xuống đồng cấy lúa xuân sau tiết lập xuân và không khuyến khích cấy trà xuân sớm. Đối với diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết do đợt rét đậm vừa qua, Sở cũng đã yêu cầu các địa phương chuyển sang cấy trà xuân muộn. Dự báo, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, rét đậm, rét hại vẫn xảy ra, nhiệt độ dao động từ 11-14 độ C, nhân dân cần tập trung làm đất, giữ nước trong ruộng và giữ ấm cho mạ bằng các biện pháp che phủ ni-long, bón tro bếp, giữ nước trong chân ruộng mạ... Sau Tết, khi thời tiết ấm lên sẽ phát động nhân dân đồng loạt ra quân sản xuất, bảo đảm cấy gọn diện tích lúa xuân trong tháng 2-2016.

Hoàng Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/824352/chu-dong-nguon-nuoc-cho-san-xuat-vu-xuan