Chống tham nhũng: "Dân làm được, tại sao cán bộ không?"

- Chưa bao giờ việc phòng chống tham nhũng lại được nói đến nhiều như hiện nay: Từ các hội nghị T.ư Đảng, trong Quốc hội, các cấp, các ngành, trong nhân dân... đâu đâu cũng bàn, cũng kỳ vọng vào một sự chuyển biến tích cực. Kienthuc,net.vn đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hòa, một trong 88 người chống tham nhũng tiêu biểu được tuyên dương năm 2010, xung quanh vấn đề này.

Có ai bảo vệ tôi đâu
Sau khi được tuyên dương người chống tham nhũng tiêu biểu, cuộc sống và công việc của bà có dễ dàng hơn không?
Không hề đỡ tí nào mà lại còn ác liệt hơn. Bọn chúng dùng những thủ đoạn bỉ ổi hơn, đánh vụng đánh trộm, chửi bới, đe dọa bằng nhiều hình thức. Khi biết tôi được tuyên dương, chúng đã đánh tôi một trận thập tử nhất sinh: Trên người, trên mặt... đầy vết thương để mình không đi dự được. Hôm đến dự lễ tuyên dương, mặt tôi còn sưng tướng, tím bầm lên. Bác Nguyễn Phú Trọng thấy thế gọi lại hỏi thăm. Mọi người cũng động viên tôi, chúng ta phải vui lên đi, chúng ta sẽ chiến thắng.
Tôi luôn khâm phục những người chống tham nhũng, họ thật dũng cảm.
Đúng là để làm được phải có nghị lực, có niềm tin, phải dũng cảm, kiên trì và cũng phải có tiền nữa. Tôi đã phải bán một căn nhà để lấy tiền phục vụ cho công việc này. Đã chống tham nhũng là xác định phải hy sinh chính bản thân mình. Hôm vừa rồi họp tiếp xúc cử tri Quốc hội tôi có nói, nếu tố cáo sai tôi chấp nhận ngồi tù, còn tôi tố cáo đúng thì các anh phải vào tù chứ không thể nào nhởn nhơ được.

Tại sao người dân ăn cắp một chiếc xe đạp là bị bắt ngay, còn có kẻ ăn cắp hàng trăm tỷ đồng tại sao các anh không bắt, lại còn để cho lên chức lên quyền. Tôi thấy thật đáng sợ! Tôi đi tố cáo thì vừa bị nhốt ở đồn công an, bị hắt nước, bị đổ phân, ném mìn, ném gạch, bị đánh đập, đi cấp cứu lại còn bắt bác sĩ không được nhận tôi vào bệnh viện... Có ai bảo vệ tôi đâu!
Pháp luật phải bảo vệ người chống tham nhũng chứ?
Tôi muốn kiến nghị với Nhà nước, những người nào chống tham nhũng hoàn toàn vì việc chung thì nên cấp cho người ta cái thẻ để còn được bảo vệ. Chứ như tôi bị đánh, hỏi công an thì họ bảo đã có quy chế bảo vệ chị đâu. Báo chí hỏi ủy ban thì họ bảo chúng tôi chả được biết bà ấy là ai, chỉ gây rối thôi. Nhưng tôi sẽ làm đến cùng. Còn cái nhà này rồi cũng bán nốt. Trước đây tôi nói chỉ cần 2m vuông đất, nhưng giờ chả cần nữa, chỉ một lọ gio đổ xuống sông Hồng. Đất là vàng là bạc với những người tham nhũng nhưng với tôi không là cái gì cả.

Bà Nguyễn Thị Hòa - người chống tham nhũng tiêu biểu 2010.

Tôi làm được thì mọi người cũng phải làm được
Mình làm việc chung mà phải chịu cảnh đơn thương độc mã như vậy, bà có buồn không?
Tôi biết còn có rất nhiều người tốt, nhưng họ không dám đứng ra bảo vệ mình. Chỉ cần có một lời nói hay hành động gì ủng hộ là lập tức hôm sau họ bị trù dập, thậm chí đe dọa, đánh đập. Bạn thân của tôi là Bí thư Đảng ủy phường, rất tốt, rất thương tôi, nhưng không làm cách nào giúp được. Chính bản thân cô ấy còn nói: Khó lắm chị Hòa ơi, thôi bỏ cuộc đi. Nhưng tôi bảo: Mày bỏ thì bỏ tao không bỏ. Rất nhiều người gàn, nhưng tôi nghĩ đất nước này bao nhiêu thế hệ hy sinh xương máu mới giành lại được, dứt khoát không thể để như thế này được. Việc mình làm biết là cũng chỉ như muối bỏ bể nhưng vẫn cứ phải làm.
Khi mới làm bà có nghĩ sẽ gian khổ như thế không?
Lúc đầu không nghĩ khó khăn như thế này đâu. Tôi cứ nghĩ chính quyền chắc chắn sẽ nhìn thấy sự thật, chắc chắn phải có thanh tra. Ngờ đâu thanh tra lúc đầu thì trả lời là có sai phạm, rồi sau đó lại kết luận là tôi sai chứ không phải bọn chúng sai. Đồng tiền đổi trắng thay đen như thế đấy. Tham nhũng quá lớn, quá mạnh.
Còn tôi, như họ nói: Bà Hòa chả là cái gì cả, không bằng cấp, không phải dân cử ra, bà ấy đi kiện lắm cũng chỉ thế thôi. Mà đúng thế thật, tôi chỉ là người dân bình thường. Nếu tôi làm được mọi người cũng phải làm được chứ. Người dân làm được, tại sao cán bộ không làm được?
Họ rất sợ tôi nói lên sự thật
Sao bà không hướng dẫn để có nhiều người làm được như bà?
Khó nhân lên lắm. Làm việc này phải bình tĩnh và tỉnh táo. Có khi họ còn xui mình: nó chửi chị thế sao không đánh lại? Tôi biết chứ, nó đánh mình thì không sao, mình đánh lại là bị bắt ngay. Mình không nhịn được mà khùng lên là bị khép vào tội chống đối người thi hành công vụ, gây mất trật tự là bị bắt ngay. Những việc này tôi trải qua quá nhiều rồi.
Tôi không thể tưởng tượng được lại nhiều sức ép đến thế?
Bước chân ra đường là có sức ép rồi, là có người theo dõi rồi. Thời gian đầu tôi bị sụt từ 92kg xuống 52kg. Nhiều lúc rất cô độc. 2 con trai, 1 con gái, tôi đều cho ở riêng hết. Tôi không muốn chúng nó dính líu đến vì dính đến là bị đe dọa đủ đường. Phải chấp nhận cả sự cô độc đó. Có hôm đọc tài liệu nhiều, mệt quá chỉ biết khóc, rồi vào thắp nén hương cầu Trời, Phật, xin Bác linh thiêng soi xét cho Đảng và Nhà nước luôn nhìn nhận đúng. Tôi tin chúng ta sẽ làm được.
Điều gì khiến bà giữ được niềm tin như thế?
Phải giữ được niềm tin chứ. Gia đình tôi là gia đình cách mạng, 7 người trong quân đội, 3 anh tôi là liệt sĩ. Bản thân tôi cũng là bộ đội. Tôi luôn tin rằng không thể để đất nước như thế này, chúng ta phải tự giữ.
Rất nhiều người tốt, họ không ra mặt nhưng họ gửi tài liệu cho tôi. Không có họ làm sao tôi làm được. Các anh trên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng cũng nói chúng mua chuộc chúng tôi, nhưng chúng tôi không bán chị. Chứng tỏ là người ta cũng rất bảo vệ mình và đi cùng mình. Những việc tôi làm cũng là để chứng minh rằng vẫn còn người tốt và để nhân dân tin vào những cái tốt đẹp. Còn tất cả những gì họ làm với tôi chứng tỏ họ rất sợ tôi nói lên sự thật. Mà tôi chỉ nói lên sự thật thôi.
Cảm ơn bà!

11 năm chống tham nhũng, tôi không nhớ đã phanh phui bao nhiêu vụ tiêu cực, đòi được bao nhiêu tiền cho Nhà nước, bị đánh bao nhiêu lần. Nhiều lắm, không nhớ nổi nữa. Người dân đến đây bảo chị giúp chúng tôi với, chỉ trông chờ vào chị thôi. Có người ở mãi trong miền Nam cũng gửi thư ra, tự tôi vào tìm hiểu sự việc, đủ tài liệu thì tôi đứng tên mình gửi đơn kiện. Chỉ cần thấy có dấu hiệu tham nhũng, có đủ chứng cứ là tôi làm ngay. Không cần biết họ là ai, một khi đã tham nhũng thì không thể để cho họ tiếp tục được. Tôi nghĩ ai cũng có sai lầm, bản thân tôi cũng thế thôi. Nhưng đã sai thì phải sửa, tay đã nhúng chàm thì phải rửa. Anh làm sai hãy nhận sai và làm lại đi. Anh không nhận, thì tôi sẽ làm đến cùng, đến khi anh nhận thì thôi, ra pháp luật thì thôi, cho dù anh là cán bộ cao cấp.

Nhật Minh (Thực hiện)

:

Mức phạt không sang tên cao: Cho luôn CSGT xe!

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/dien-dan/ban-doc/201211/Chong-tham-nhung-dan-lam-duoc-tai-sao-can-bo-khong-1861657/