Chết vì lo sợ lợn 5 móng, đẻ con 1 bề là điểm gở, có cơ sở không?

Mới đây, thông tin 1 trưởng thôn ở Quảng Nam tự tử do lợn nái đẻ toàn lợn đực khiến dư luận chấn động, trong quan niệm nhiều nơi, lợn 5 móng cũng là điềm xấu, là thành tinh báo oán..

Từ câu chuyện trưởng thôn tự tử vì lợn nái đẻ toàn con đực...(?!)

Vietnamnet mới đây đưa tin, anh Xuân Ngọc Lanh (31 tuổi, trưởng thôn 2, xã Trà Dơn, Nam Trà My, Quảng Nam) tự tử vì lợn nái nhà anh đẻ toàn lợn đực.

Theo tập tục của người Ca Dong, mỗi khi nhà nào có lợn nái đẻ ra toàn con đực hoặc toàn con cái thì gia chủ phải giết ngay lập tức, nếu không sẽ gặp rủi ro (?!). Ngoài ra, do chăn nuôi thả rông nên nhà nào có lợn đến kỳ sinh nở không về nhà mà qua hàng xóm lót ổ đẻ cũng bị xem là điều cấm kỵ.

Được biết, lần đẻ thứ nhất, con lợn nái - tài sản lớn nhất của gia đình anh Lanh đẻ ra 4 con lợn đực. Theo tập tục thì phải giết thịt rồi làm lễ cúng bái, tuy nhiên, sau nhiều đem suy nghĩ, anh Lanh đã giữ lại đàn lợn.

Tuy nhiên, vợ anh Lanh và 2 đứa con liên tục đau ốm. Lần đẻ thứ 2, con lợn nái của gia đình anh Lanh lại chạy sang nhà hàng xóm lót ổ, biết tin, anh Lanh đã đem lợn nái về nhưng mãi không thấy đẻ. Sau đó, mọi người phát hiện anh Lanh đã tự tử vào đêm 11/11.

Vợ anh Lanh hồn nhiên cho rằng, anh Lanh nghĩ vợ con mình bị bệnh do "con ma rừng" làm vì anh không giết đàn lợn nên anh tìm đến cái chết để nhận hậu quả thay gia đình.

Phó thôn Trần Minh Vũ (thôn 2, xã Trà Dơn) cho rằng con lợn nhà anh Lanh không chịu về nhà mà lại đến hàng xóm lót ổ là điều cực kỳ xấu, trước sau gì cũng phải nhận điều rủi ro (?!) Ảnh: Tiến Hùng/VnExpress

Mới đây, trả lời trên báo Dân trí, Chủ tịch xã Trà Dơn, ông Lê Minh Thắng xác nhận việc anh Lanh tự tử và tiết lộ, vị trưởng thôn này đã 2 lần tự tử trước đó.

“Ngay sau khi nhận được tin báo của thôn, tôi đã chỉ đạo cán bộ xã và công an xuống ngay để xác minh cụ thể. Anh Lanh cũng là người bình thường thôi nhưng anh đã hai lần tự tử vì lý do bệnh tật” - ông Thắng cho biết.

Đồng thời, Chủ tịch xã Trà Dơn cũng cho rằng, việc trưởng thôn 2 tự tử là do bệnh tật: "Anh Lanh tự tử không liên quan gì đến việc heo nái nhà anh đẻ toàn heo đực".

Cũng theo báo này, chia sẻ về thông tin một trưởng thôn tự tử do lợn nái đẻ toàn lợn đực, ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch huyện Nam Trà My – cũng xác nhận vụ việc và cho biết: "Tôi có nghe thông tin về vụ việc nhưng sự thật không đúng như thông tin một số báo đưa. Công an huyện đã xác minh vụ việc rồi".

Cũng theo lãnh đạo xã Trà Dơn thì tập tục này của người Cà Dong đã có từ lâu, xã đã rất nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng dân không chịu nghe. Theo thống kê, tại huyện Nam Trà My, từ đầu năm đến nay trên địa bàn vùng cao này có gần 20 trường hợp tự tử, đa số bắt nguồn từ những nguyên nhân nhỏ nhặt, từ hủ tục.

Thậm chí, cho rằng cái chết do tự tử của anh Lanh là cái chết xấu, vợ anh Lanh và dân làng dự tính sẽ dỡ ngôi nhà chuyển đến nơi ở mới.

Nhiều người quan niệm lợn 5 móng là xấu.

Khoa học lý giải lợn 5 móng và đẻ toàn

Trao đổi với PV báo Người đưa tin xung quanh câu chuyện lợn nái sinh toàn lợn đực, PGS.TS Vũ Đình Tôn, Trưởng khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nếu theo quy luật tự nhiên thông thường thì một lứa sinh của lợn sẽ có một nửa con đực và một nửa con cái. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tùy thuộc vào con đực, tùy thuộc vào con cái mà tỉ lệ của nó có thể thay đổi, có thể tỉ lệ con đực cao hơn hoặc con cái cao hơn, đó là điều hoàn toàn bình thường.

Theo PGS Tôn, hiện nay khoa học phát triển, thậm chí người ta có thể can thiệp vào để có được tỉ lệ theo ý muốn như toàn con đực hoặc toàn con cái trong một lứa sinh của động vật tùy theo nhu cầu...

Nếu trong trường hợp lợn sinh bình thường, không có sự can thiệp của khoa học và đàn lợn sinh tới 11, 12 con và hoàn toàn là con đực hay hoàn toàn là con cái thì quả là hiếm. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể ở Quảng Nam, lợn nái của gia đình anh Lanh chỉ sinh 4 con và toàn bộ là con đực, thực tế số lượng lợn con quá ít nên việc đây là trường hợp rất bình thường, PGS Tôn khẳng định.

Nói về trường hợp lần sinh thứ 2 đàn lợn nhà anh Lanh không làm ổ đẻ ở nhà mà lại sang hàng xóm làm ổ, PGS Tôn cho biết, ở vùng đồng bào dân tộc, hay ngay như ở vùng Hòa Bình, thậm chí lợn đến kỳ sinh còn lên đồi làm ổ đẻ cả tuần mới đem về. Theo PGS Tôn, trường hợp này có thể là do hàng xóm nhà anh Lanh có điều kiện tốt hơn để lợn đẻ. Một số nơi có tập tục nuôi lợn thả rông thì cứ chỗ nào phù hợp, kín, dễ làm ổ lợn sẽ tới làm ổ đẻ, đây là do bản năng bảo vệ con cái của lợn mẹ. Do đó, có thể do gia đình chủ nhân của lợn nái đất chật hoặc không có chỗ kín bằng nhà hàng xóm nên lợn không làm ổ ở nhà mà di chuyển sang hàng xóm làm ổ, đây là điều rất bình thường, thuận theo bản năng tự nhiên chứ không phải điềm báo xấu.

Chia sẻ về câu chuyện heo ngũ trảo ( 5 móng -PV), PGS Tôn cười bảo: "Thế trường hợp con người có 6 ngón thì thế nào". Theo lý giải của PGS Tôn, lợn bình thường có 4 móng, trường hợp lợn có thêm móng thứ 5 tất nhiên là điều hiếm, có thể vì một lý do nào đó, một sai lệch nào đó nhưng đó là điều hoàn toàn bình thường, cũng giống như người có 6 ngón vậy, không cần thiết phải quá quan tâm về điều này...

Lê Hường

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chet-vi-lo-so-lon-5-mong-de-con-1-be-la-diem-go-co-co-so-khong-a215859.html