Chăn, ga, đệm Trát Cầu: Giá rẻ nhưng chất lượng tốt

(CL)- Khi thời tiết bắt đầu se lạnh, những hoạt động sản xuất ở làng nghề Trát Cầu nhộn nhịp hẳn lên…

Một cơ sở sản xuất chăn, ga, đệm ở làng nghề Trát Cầu

Mùa cưới cũng là khi thời tiết chuyển dần sang se lạnh, cùng với đó, thị trường chăn đệm cũng ấm dần lên. Ở làng nghề Trát Cầu (Thường Tín, Hà Nội), nơi tập trung hàng chục công ty, cơ sở sản xuất chăn ga, gối, đệm lớn nhỏ cũng trở lên sôi động hẳn. Các xưởng sản xuất hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, từ chủ cơ sở đến công nhân đều tất bật, đầu làng hàng chục chiếc xe tải lớn nhỏ chờ bốc hàng, dỡ hàng, đường thôn có lúc ùn tắc vì người và hàng hóa lưu thông.

Sản phẩm có sức cạnh tranh cao

Dẫn chúng tôi đi thực tế tại một số cơ sở sản xuất, anh Vũ Văn Khuông, Giám đốc Công ty TNHH làng nghề Trát Cầu phấn khởi cho biết: mấy năm nay, làng nghề Trát Cầu ăn nên làm ra, sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên khắp cả nước, mặc dù làng nghề chưa có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. "Hữu xạ tự nhiên hương”- được người tiêu dùng tin dùng, chứng tỏ hàng hóa Trát Cầu làm ra có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của số đông người dân.

Qua thực tế ở làng nghề Trát Cầu, chúng tôi- những người cũng được coi là có đôi chút hiểu biết do đi nhiều, gặp gỡ lắm- cũng vỡ vạc ra được thêm nhiều điều. Không phải ngẫu nhiên hay gặp may mà những cơ sở sản xuất ở Trát Cầu phát triển nhanh, mạnh như vậy mà bí mật của họ nằm ở chỗ sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Yếu tố quan trọng đầu tiên để làm nên sức cạnh tranh đó là chất lượng sản phẩm. Làng nghề Trát Cầu có truyền thống hàng trăm năm, hiện nay vẫn có nhiều người thợ tài hoa, có cả những nghệ nhân mà tuổi đời còn rất trẻ. Nguồn nhân lực có chất lượng dồi dào, đó là một ưu thế mà không một công ty lớn nào có thể có được. Ưu thế đó lại được bổ sung bằng những máy móc, công nghệ hiện đại, cách tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp khiến cho hiệu suất lao động cao, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện. Theo ông Lê Văn Tược, Giám đốc Công ty TNHH XNK Duy Khánh- một doanh nghiệp kinh doanh, phân phối máy làm chăn, ga các loại của làng nghề Trát Cầu- thì công nghệ làm chăn ga, đệm… tương đối đơn giản, yêu cầu về mặt bằng, nhà xưởng không quá lớn, đầu tư máy móc cũng không quá nhiều tiền. Giá một dây chuyền làm chăn mới 100%, có nhiều công việc đã tự động hóa chỉ vào khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, các loại máy thêu, máy trần… giá khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng. Vì vậy, tại Trát Cầu đã có hơn 40 công ty, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, nhà xưởng đồng bộ, hiện đại để sản xuất. Công ty của ông Tược đã hoạt động được 5 năm, làm ăn khá phát đạt, cung cấp và lắp đặt trên 80% số lượng máy trong xã, đồng thời bán máy cho cả những đơn vị khác như Everon, Sông Hồng, Sochi… Ông Tược khẳng định, so với các nhà máy ở nơi khác, máy móc, công nghệ làm chăn, ga, đệm của các công ty, cơ sở sản xuất ở làng nghề Trát Cầu là tương đương, không có nhiều khác biệt, thậm chí những cơ sở đầu tư sau, máy móc còn có những cải tiến, ưu việt hơn trước.

Ở Trát Cầu đã hình thành một hệ thống khép kín để cho ra đời những sản phẩm chăn ga, đệm có chất lượng tốt nhất. Có doanh nghiệp bán máy, doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, dịch vụ sửa chữa, vận tải, phân phối… Công ty TNHH làng nghề Trát Cầu của anh Vũ Văn Khuông là doanh nghiệp chuyên cung ứng các loại bông polyester, vải các loại có sản lượng bán hàng lên đến hàng trăm tấn, thế nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của người dân làng nghề. Anh Khuông cho biết, nguyên liệu do công ty nhập hoàn toàn là sản phẩm mới nguyên đai, nguyên kiện, do công ty nhập theo đường chính ngạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, dấu hải quan… Nguyên liệu mà làng nghề Trát Cầu sử dụng để sản xuất chăn, ga, gối, đệm đều là hàng Hàn Quốc, Đài Loan mới nguyên chứ không có chuyện sử dụng nguyên liệu cũ. Công ty của anh Khuông cũng cung ứng cả nguyên liệu cho nhiều nhà máy sản xuất chăn, đệm ở cụm công nghiệp Thường Tín và một số nơi khác.

Các công ty ở Trát Cầu giảm được nhiều chi phí
do tận dụng được lao động theo thời vụ

Yếu tố thứ hai làm nên sức cạnh tranh mạnh mẽ của sản phẩm làng nghề Trát Cầu là giá cả hợp lý, sản phẩm đa dạng, mẫu mã bắt mắt. Một đặc điểm của nghề làm chăn là hầu như chỉ sản xuất 6 tháng trong một năm. Với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp làng nghề có thể tiết kiệm tối đa chi phí về nhân công trong thời gian tạm ngừng sản xuất, trong khi điều này là rất khó, hầu như không thể thực hiện được đối với những cơ sở sản xuất lớn. Ngoài ra, với cách quản lý linh hoạt, không có bộ máy cồng kềnh, không có nhiều lao động gián tiếp đã khiến các doanh nghiệp ở Trát Cầu có thể làm ra sản phẩm với giá thành thấp tối đa. Ông Lê Văn Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Vang cho biết, với một sản phẩm cùng chủng loại, kích thước, mẫu mã, chất liệu giống nhau thì sản phẩm của các doanh nghiệp ở Trát Cầu có giá bán rẻ hơn so với các hãng lớn khoảng 30- 40%- một con số rất sốc, đủ sức thuyết phục đối với bất kỳ người tiêu dùng nào.

Quan tâm xây dựng thương hiệu

Có một thực tế là, từ trước đến nay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề thường chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Nói đến sản phẩm làng nghề, người ta thường đánh đồng với loại hàng chợ, hàng “no name”. Điều đó cũng đúng với Trát Cầu, tuy nhiên đó chỉ là chuyện từ vài năm trước. Hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp ở Trát Cầu đã bắt đầu quan tâm đến xây dựng cho cơ sở của mình những thương hiệu riêng. Như doanh nghiệp của anh Khuông đã đăng ký thương hiệu Happyness, tất cả những sản phẩm chăn ga, đệm mang thương hiệu này đã được Chi cục TCĐLCL Hà Nội kiểm định về các tiêu chuẩn: chất lượng sử dụng, an toàn, không độc hại. Ngoài ra một số thương hiệu khác của làng nghề Trát Cầu như Kaikyo, Cosyhan, Vikosan, Vihako, Hakosan, Kosami, Evako… cũng được người tiêu dùng tin cậy và sử dụng nhiều.

Một giám đốc ở Trát Cầu chia sẻ rất thật rằng, khi đã làm ăn bài bản, có tư cách pháp nhân rồi thì việc phải có một thương hiệu là lẽ tất nhiên. Bởi lẽ, trong những giao dịch hàng ngày, bạn hàng cũng đòi hỏi công ty phải có sản phẩm có thương hiệu, nó như một cái name card của doanh nghiệp vậy. Trong chiến lược phát triển của mình, nhiều công ty của làng nghề Trát Cầu sắp tới cũng có kế hoạch cho ra thêm một số thương hiệu mới, đồng thời củng cố những thương hiệu đã có bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, làm các thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng.

Một điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, đó là tất cả các công ty ở làng nghề Trát Cầu hiện nay hầu như không còn sản xuất loại hàng nhái theo mẫu mã “ăn khách” trên thị trường. Việc gia công sản xuất hàng chăn, đệm cho các nhà máy, công ty cũng chỉ còn rất ít đơn vị làm. Theo anh Nguyễn Đức Khuyến, Giám đốc Công ty CP Nhân đạo Havico thì các công ty, các hộ gia đình làm hàng gia công đều có ký hợp đồng rõ ràng, nhãn mác và nguyên phụ liệu do chủ hàng cung cấp, sau đó họ nghiệm thu sản phẩm. “Hàng do Trát Cầu làm ra còn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường thì việc gì phải đi làm thuê cho người ta”- anh Khuyến chia sẻ.

Hiện nay, các công ty ở Trát Cầu đều sở hữu bản quyền hàng chục mẫu mã chăn, ga đệm, đồng thời liên tục cho ra đời những mẫu mã mới. Những mẫu mã này đều do những người thợ có tay nghề cao sáng tạo ra hoặc công ty thuê người thiết kế. Trung bình mỗi năm, một cơ sở cho ra đời khoảng 15- 20 mẫu mới.

Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý mà sản phẩm của làng nghề Trát Cầu được tiêu thụ rất mạnh. Theo anh Khuông, hàng hóa Việt Nam thường khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc nhưng điều này không đúng với mặt hàng chăn, ga, gối, đệm. Cách đây vài năm, tiểu thương còn nhập chăn, đệm Trung Quốc về bán nhưng nay thì tình trạng này đã chấm dứt. Ngay cả hàng sản xuất trong nước cũng khó cạnh tranh vì hàng của Trát Cầu thường có giá rẻ hơn nhưng chất lượng vẫn bảo đảm. Điều đó đã được minh chứng bởi thực tế trên thị trường.

Thế Vũ- Tây Hà

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/2011/10/DB415FD0E20FD9A4/