Cha con 'người rừng' ăn Tết thế nào? – Kỳ 1: Người của… công chúng

Tết cận kề và cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh, Hồ Văn Lang (H. Tây Trà, Quảng Ngãi) cũng đang chuẩn bị đón tết. Những câu chuyện thú vị được “người rừng” ăn Tết lần đầu được tiết lộ.

Anh Hồ Văn Lang, “người rừng” con đã về với bản làng được 3 năm - Ảnh: Trác Rin

>> Ly kỳ giải cứu "người rừng" sau 40 năm
>> Cha con "người rừng" bây giờ ra sao?

Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ cha con anh "người rừng" này khi từ nhỏ đã được cha đem vào rừng sâu sống suốt 40 năm, tiếng người không biết. Năm nay, là cái tết thứ 3, kể từ ngày hai cha con rời núi rừng, trở về cuộc sống với bản làng.

Tết đến, bữa cúng cơm ông bà, thần linh… trên những bản làng vùng cao kéo dài tận mấy ngày trời. Đó cũng là ngần ấy ngày, “người rừng” Hồ Văn Lang (44 tuổi) đến từng nhà, lọ mọ từ sáng đến tối, ai nhờ gì thì làm nấy. Khi cúng xong xuôi mới trở về nhà mình.

Ông Hồ Văn Thanh, “người rừng” cha phải sưởi ấm đôi tay bên bếp lửa, bởi bản làng vùng cao lạnh tê buốt - Ảnh: Trác Rin

Thức sáng đêm giúp… hàng xóm

“Ảnh cứ ở nhà người ta miết. Ai cúng là tới đó ở phụ làm luôn,

Tháng 8.2013, lực lượng chức năng huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) vượt khoảng 40 km đường rừng mới phát hiện, giải cứu hai “ người rừng ”. Theo xác định ban đầu của cơ quan chức năng, hai “người rừng” là ông Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và con ruột Hồ Văn Lang (khoảng 41 tuổi, ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, H.Tây Trà).

Năm 1971, sau khi ngôi nhà bị trúng bom trong chiến tranh làm 3 người thân trong gia đình chết, ông Thanh quá hoảng loạn nên bỏ làng, ôm con trai Hồ Văn Lang trốn biệt vào rừng sâu. Suốt 40 năm sống biệt lập với cộng đồng, ông Thanh và anh Lang không biết nói tiếng Kinh mà chỉ nói đuợc một ít tiếng Cor. Để đề phòng thú dữ, cha con ông Thanh làm “nhà” giống như tổ chim treo trên thân cây cổ thụ, cách mặt đất khoảng 6 m, để trú ngụ vào ban đêm. Họ còn dùng vỏ cây khô làm khố che thân, tự chế ra các vật dụng như rìu, dao và hằng ngày ăn củ mì, bắp và lá rừng.

khi hết mới chịu trở về nhà”, anh Hồ Văn Tri, em trai “người rừng” cho hay khi tôi đến và hôm đó không thấy anh Lang ở đâu cả.

Trong bóng đêm lạnh tê tái da thịt, sương mù dày đặc tạo thành những cơn mưa lớt phớt rơi trên tóc.

Ở nơi nhà hàng xóm, anh Lang vẫn ngồi trên dốc đồi thoai thoải, vừa giơ đôi bàn tay sưởi ấm, vừa đun nồi nước chè phục vụ khách khứa tới nhà… hàng xóm. Họ ăn cúng, uống thêm chén chè nóng cho ấm bụng.

Anh Lang cứ kiên trì đun. Phía dưới, cách vài bước chân là hình ảnh nói cười vui vẻ của đám trẻ con, đám trai làng cũng ngồi quanh, chuyền tay nhau hớp từng ngụm rượu. Lửa sắp tàn, anh Lang dùng cây rựa tách khúc lồ ô chụm vào. Trong tích tắc, lửa lại bùng cháy,thắp sáng bản làng và xua tan bớt cơn lạnh vùng cao.

Đêm khuya, khi mọi người đã say khất, mấy đứa nhỏ và người già cũng đã chìm vào giấc ngủ, riêng anh Lang vẫn thức. Cái đầu con heo rừng người dân mới bẫy được, họ cúng và ăn mừng suốt 3 ngày. Anh Lang phải thức chụm củi, coi khi nào đầu heo chín rụp để kêu già làng thức dậy vớt ra.

Trưa ngày hôm sau, bữa tiệc tối hôm rồi còn sót lại những cái chén, cái soong dính đầy lọ than, đồ ăn thừa. Anh Lang lại lủi thủi kì cọ, rửa sạch bong mấy thứ ấy. Phụ nữ trong làng thì lo cắt nhỏ cây chuối rừng, nấu một nồi canh to tướng chiêu đãi mấy người hàng xóm và bà con xa đến chơi.

Trong làng, ai cũng yêu mến anh Lang. Anh giống như người của… công chúng vậy, nhà nào có việc là anh tới giúp ngay - Ảnh: Trác Rin

Anh thích sắm áo quần như trẻ con

Nói về người hàng xóm đặc biệt này, anh Hồ Văn Út (32 tuổi) kể: “Anh Lang làm siêng lắm. Đám trai làng mình rủ đi làm gì ảnh cũng đi hết. Hôm bữa, cả đám giả vờ hỏi ảnh giờ đi… đánh nhau , anh Lang có đi hông? Vậy là lần đầu tiên ảnh từ chối lời rủ rê của đám trai làng. Bảo không đi đánh nhau đâu, họ là người, mình cũng là người, đánh lỡ họ chết thì tội lắm…”. Nói rồi anh còn khuyên chúng tôi nữa, thế là cả đám có một trận cười vang cả góc rừng, anh Út hồ hởi nói.

Những ngày cận tết, dân trong bản làng không đi rẫy. Họ đợi qua đợt lạnh, ăn tết xong rồi đi chặt đót kiếm tiền. Vậy mà anh Lang đã chặt được chừng 50 kg, phơi dựng đứng trong nhà, đợi khô rồi đem đi bán.

Dưới góc bếp, “người rừng” cha Hồ Văn Thanh (85 tuổi) vẫn nhìn chăm chú vào bếp lửa hồng, sưởi ấm và uống nước chè. Dạo này ông Thanh có vẻ tươi tắn, khỏe mạnh hơn lúc trước.

Anh siêng năng, từ việc rửa chén, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa của… hàng xóm đều tươm tất - Ảnh Trác Rin

Mấy dụng cụ bẫy thú rừng do chính “người rừng” con làm đã được ông đem về, sấy gần bếp lửa. Ăn tết xong sẽ mang lên rừng bẫy thú cải thiện bữa ăn.

“Khoảng 2 ngày mình đi thăm bẫy một lần. Mà thú rừng dạo này cũng không nhiều lắm đâu. Cỡ một tuần, anh Lang lại xách con chuột lách (loài chuột sống trên đồi núi – NV), con chim rừng về nhà ăn. Thịt này đem nấu cháo, hay kho xả ớt ngon lắm…”, anh Tri nhớ về những ngày trời còn nắng, anh trai vẫn hay đem chiến lợi phẩm từ rừng trở về.

Sau mùa đót, cả gia đình anh Lang sẽ lên rẫy tỉa đậu xanh, mè (hạt vừng – NV), bắp… Mỗi loại thu hoạch bán cũng được vài ba trăm ngàn.

Khi được hỏi về việc sắm sửa đồ tết, anh Tri cười bảo: “Anh Lang thấy trẻ nhỏ trong làng sắm đồ tết. Anh nói tết này phải sắm cho anh đồ mới, ngày mùng 1 mặc đồ mới đi chơi như đám trẻ. Tuy hơi giống con nít nhưng anh Lang chỉ chơi, nói chuyệnvới đám thanh niên, người già trong bản thôi”.

“Tết mấy năm trước. Anh Lang đi chơi tết suốt mấy ngày. Ảnh cứ đi chứ không biết đường về, mình phải đi mấy chục cây số qua nhà bà con xa chở về. Như năm ngoái, đến tận mùng 7 tết mà chưa thấy anh Lang về, khi qua làng khác thì thấy đang ngồi ăn cơm chung với… người dưng”, anh Tri chia sẻ về cái tết năm trước của anh trai.

Về với dân làng được 3 cái tết, tuy còn rụt rè, ít nói những anh Hồ Văn Lang đã cởi mở hơn. Trong một lần “hứng” chuyện trò hiếm hoi, tôi được anh Lang tiết lộ nhiều câu chuyện về những năm tháng trong rừng sâu…

(còn tiếp)

Trác Rin

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/cha-con-nguoi-rung-an-tet-the-nao-ky-1-nguoi-cua-cong-chung-665725.html