Cây gạo 'khổng lồ' hùng vĩ bậc nhất Việt Nam

Đó là cây gạo khổng lồ, gốc xù sì năm sáu người ôm không xuể, có tuổi hơn 500 năm ở Phú Thọ- một làng bên bờ sông Chu, thuộc xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Đây cũng là cây cổ thụ đầu tiên của huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa được vinh danh, nên Lễ đón bằng công nhận cây Di sản Việt Nam cho “cụ Gạo” được các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương tổ chức rất trọng thể, với đông đảo các vị lãnh đạo và chức sắc tôn giáo đến dự, tặng quà cùng hoa chúc mừng.

Dự buổi lễ trọng thể này, có bà Lê Thị Lan, thường vụ huyện Ủy, Trưởng Ban dân vận huyện Thọ Xuân; ông Đỗ Văn Tám, huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin; Ni sư Thích Đàm Hòa, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, cùng một số Tăng ni, đông đảo các nhà hoạt động môi trường, cán bộ lãnh đạo địa phương và hàng trăm cư dân, giáo viên, học sinh.

Sau khi trao Quyết định và Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho các vị lãnh đạo địa phương, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam đã phát biểu và cho biết: Đây là một trong những cây cổ thụ khổng lồ, quý hiếm được công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam. Giáo sư cũng bày tỏ xúc động trước sự hưởng ứng rất nhiệt tình của cộng đồng trong cả nước, trong đó có cán bộ, nhân dân xã Phú Yên và đặc biệt là các vị là con em địa phương đang sinh sống ở các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Thanh Hóa; có sự ủng hộ khích lệ của đại diện Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, các cơ qun truyền thông.

Trong diễn văn khai mạc của Chủ tịch UBND xã Phu Yên và bài Giới thiệu lịch sử về cây gạo của một nhà giáo, đại diện Mặt trận Tổ quốc địa phương đều khẳng định: sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam cho “cụ” Gạo đại thụ là một hoạt động rất hữu ích. Đây không chỉ là hoạt động trực tiếp bảo vệ sự đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, mà nó còn hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như giáo dục truyền thống yêu nước, biết trân trọng quá khứ và tự hào về truyền thống quê hương. Bởi nơi có cây Gạo này chính là An Lãng Trang và cách đây gần 600 năm cũng là nơi dừng chân của Lê Lợi, khi dẫn quân từ vùng núi Thanh Hóa tiến về đồng bằng, đuổi giặc Minh xâm lược. Dưới gốc cây Gạo này, năm 1967 đã diễn ra Lễ truy điệu sống của Trung đội nữ dân quân, trước giờ đi tháo bom nổ chậm của máy bay Mỹ ném xuống phá đê sông Chu.

Tại buổi lễ trọng thể này, Chủ tịch UBND xã Trịnh Đình Bình và các cụ: Nguyễn Đỗ Ngọc Ngạn, Nguyễn Đình Vấn, Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên tại Vũng Tàu và khu vực Hà Nội đều bày tỏ sự tự hào về cây Di sản của quê hương, với quyết tâm vận động mọi người cùng chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn những cây cổ thụ.

Mở màn Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam có một chương trình văn nghệ quần chúng rất đặc sắc, với nhiều tiết mục tự biên tự diễn do các nghệ sỹ không chuyên của địa phương thể hiện, đặc biệt là các diễn viên nhí thu hút rất đông bà con tới xem ./.

Nguồn: Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cay-gao-khong-lo-hung-vi-bac-nhat-viet-nam-post183936.info