Cần thêm đòn bẩy làm động lực phát triển nông thôn mới ở Bến Tre

Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Bến Tre không chỉ làm chuyển biến trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, mà còn làm thay đổi cách làm và cách nhìn, cùng với một tư duy khoa học. Bên cạnh những thành công bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách, mỗi xã cần xác định trong bộ tiêu chí ít nhất là một công việc mang tính đòn bẩy cho riêng mình.

Giàn sấy hạt ca-cao ở cơ sở của gia đình anh Bình ở xã An Phước (Châu Thành, Bến Tre).

Từ những thành công bước đầu

Giáp thành phố Bến Tre, nhưng Hữu Định, huyện Châu Thành vẫn là xã thuần nông. Mấy năm gần đây, quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp Hữu Định thay da đổi thịt, với diện mạo mới là những nhà máy, xí nghiệp, hộ kinh doanh, kho bãi, bệnh viện... Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: "Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa đem lại nhiều đổi thay về kinh tế và xã hội. Cho nên trước khi bắt tay vào thực hiện NTM, xã đã đạt ba tiêu chí, đó là điện, văn hóa và an ninh trật tự; các tiêu chí còn lại đạt 70 - 80%. Kinh nghiệm vận động người dân thực hiện các công trình công cộng giúp xã đạt thêm hai tiêu chí về công tác quy hoạch và tỷ lệ hộ nghèo". Khó nhất ở Hữu Định là vốn, trình độ cán bộ và cơ chế. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, kinh phí cần cho việc thực hiện 19 tiêu chí quốc gia tại đây là 136 tỷ đồng, trong đó Trung ương 59 tỷ đồng, địa phương 7,8 tỷ đồng, doanh nghiệp - hợp tác xã 23 tỷ đồng, tín dụng 25 tỷ đồng, người dân đóng góp 21 tỷ đồng. Sau một năm thực hiện, vốn được giải ngân chưa đến hai tỷ đồng, trong đó Trung ương chi một tỷ đồng cho quy hoạch, ngân sách xã là 400 triệu đồng, dân đóng góp gần 400 triệu đồng,...

Đến xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, xã hai lần anh hùng và cũng là vùng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đào Minh Huệ cho biết: "Châu Bình trước đây có "sáu không": không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không có nhà kê và dĩ nhiên là không có xe đạp. Vậy mà cho đến nay, cũng nhờ cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mà tính tiền phong gương mẫu trong từng cán bộ, đảng viên, tinh thần xung kích của đội ngũ đoàn viên, hội viên các đoàn thể đã tạo điều kiện phát triển NTM". Đó là lý do để giải thích tại sao trong một thời gian ngắn, mà Châu Bình nhanh chóng đạt được 12 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí quốc gia, chỉ còn bảy tiêu chí nữa là hoàn thành sứ mạng của mình trong nhiệm vụ xây dựng NTM.

Xã Quới Sơn, huyện Châu Thành giàu truyền thống cách mạng lại đang gặp khó khăn về việc xây dựng, mở rộng quỹ đất công. Chủ tịch UBND xã Quới Sơn Lê Thanh Tùng cho biết: việc mở rộng trường, trạm y tế, và điểm văn hóa cộng đồng rất khó đạt chuẩn về quy mô. Điển hình như trường mẫu giáo của xã nay còn thiếu 500 m2 đất mới đúng chuẩn quy định. Giữ nguyên cái cũ để mở rộng thì không có đất, vận động nhân dân hiến thì được, nhưng các vật dụng trên đất như nhà, cây ăn trái phải bồi thường thì giá quá cao, có khi còn cao hơn việc mua đất. Còn đổi trường đi chỗ khác, bỏ cái hiện tại lại quá lãng phí.

Đòn bẩy làm động lực phát triển nông thôn mới

Nhìn vào bảng thông kê tiến độ 25 xã trong tỉnh Bến Tre đạt từng tiêu chí đến năm 2015, nếu tất cả đều "xuôi chèo mát mái", thì đến hết năm 2013 có năm xã đạt bộ tiêu chí quốc gia, kết thúc năm 2015 toàn tỉnh có được 25 xã và đến năm 2020, tỉnh sẽ công bố hoàn thành 19 tiêu chí trên thực tế 124 xã, kết thúc việc xây dựng NTM trong toàn tỉnh.

Xã Châu Bình có kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, đó là tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và gia đình chính sách trong xóm, ấp. Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình Đào Văn Hội, cho biết: "Việc sinh hoạt định kỳ của chi bộ đều gắn với nội dung xây dựng NTM, phân công, kiểm điểm và giám sát, thậm chí có phê bình mỗi khi công việc chậm tiến độ".

Sự chuyển mình ở Quới Sơn mấy năm gần đây cũng cho thấy nhiều điều. Từ một xã thuần nông, đến nay kinh tế xã phát triển nhờ mở rộng các hoạt động du lịch xanh. Trình độ cán bộ ở xã Hữu Định cho thấy một khía cạnh khác. Số cán bộ xã có trình độ bao quát hết tất cả các hoạt động, nhất là hoạt động xây dựng NTM còn rất thiếu. Sản xuất nông nghiệp vẫn phải được quan tâm phát triển để tăng thu nhập cho người dân, cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu của việc thực hiện bộ tiêu chí quốc gia này, luôn đòi hỏi phải có cán bộ chuyên môn phụ trách. Không có người hiểu biết về nông nghiệp xứng tầm thì không thể hướng dẫn người dân áp dụng phương pháp canh tác mới, giống mới để tạo năng suất, chất lượng hơn, chưa nói đến chuyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả. Ngay cả những việc đã hoàn thành, khi sử dụng đòi hỏi con người thực hiện có trình độ, nếu không sẽ khó phát huy hiệu quả.

Xây dựng nông thôn mới không thể nóng vội mà làm lướt, làm cho xong trong một thời hạn nhất định. Quyết tâm phấn đấu, nhưng còn cần sự đồng lòng và đoàn kết để hoàn thành thực hiện xây dựng NTM đúng thời gian đã định.

Bài và ảnh: LÊ QUANG NHUNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20272602-.html