Cảm động với bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa giữa đảo Mắt thiêng liêng

Cách đất liền Nghệ An gần 20 hải lý, đảo Mắt được ví như mắt biển ngày đêm canh giữ biển trời xứ Nghệ. Điều đặc biệt, giữa hòn đảo này có một tấm bản đồ hình chữ S với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được khắc nổi trên phiến đá quét màu sơn đỏ chói.

Đó là công trình do các chiến sỹ trên đảo Mắt tự thiết kế như lời khẳng định hào hùng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa luôn trong lòng mỗi người chiến sỹ trên đảo Mắt, cũng như mọi người dân cả nước.

Tấm bản đồ của chủ quyền biển, đảo

Dịp cuối năm, chúng tôi có cơ hội theo cán bộ chiến sỹ vượt khơi ra thăm đảo Mắt (thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Những ngày cận Tết, trong khi người người, nhà nhà đang rộn ràng sắm Tết, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn ngày ngày bám đảo, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Men theo những bậc thang, chúng tôi đến thăm nơi làm việc, ăn nghỉ của cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Được cán bộ dẫn đến một phiến đá lớn nằm ngay ở đường từ bến lên trung tâm đảo, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước hình ảnh bản đồ chữ S và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được khắc nổi trên phiến đá.

Được biết, đây là công trình các chiến sỹ đã dày công làm để chào mừng 51 năm thành lập Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt. Theo các chiến sỹ, công trình này là ý tưởng của Thiếu úy Nguyễn Việt Dũng – Chính trị viên Phó tiểu đoàn.

Nhưng chuyến thăm đảo lần này, chúng tôi không có cơ duyên gặp Thiếu úy Dũng do anh đã chuyển công tác. Để hiểu rõ hơn về tấm bản đồ đặc biệt trên, chúng tôi được giới thiệu gặp anh lính quân y Bùi Hữu Đức (SN 1982, quê ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Anh Đức chính là người trực tiếp thực hiện công trình này.

Thiếu úy Đức cho biết: “Công trình này do anh Dũng đưa ra ý tưởng. Khi có ý tưởng rồi, chúng tôi tìm vị trí thích hợp để khắc bản đồ lên. Nghe qua tưởng đơn giản, nhưng để hiện thực hóa ý tưởng trên là cả một quá trình lao động cật lực của tất cả các chiến sỹ trên đảo”.

Sau khi khảo sát khắp đảo, cuối cùng tảng đá lớn nằm ở lối đi vào trung tâm được lựa chọn. Mặt đá lúc đó hơi gồ ghề, các chiến sỹ đã ngày đêm ra sức mài mặt phẳng tảng đá để làm nền cho tấm bản đồ.

Vật liệu cũng được các chiến sỹ chọn lựa và nghiên cứu kỹ càng. “Lúc đó, chúng tôi vô cùng băn khoăn về vấn đề chọn vật liệu. Bởi, lúc này nguyên vật liệu từ đất liền vận chuyển ra đảo rất khó khăn. Không phải loại cát nào cũng có thể kết lên mặt phẳng đá được.

Chúng tôi phải sàng lọc lấy loại cát mịn nhất. Thậm chí, phải dùng khoan tạo lỗ để kết dính bản đồ”, Thiếu úy Đức cho biết. Ngày 15/1/2014, công trình chính thức được khởi công. Ban đầu, các chiến sỹ trên đảo Mắt ai cũng sợ không thành công vì Thiếu úy Đức không phải “kiến trúc sư” chuyên nghiệp.

Với sự nỗ lực của các chiến sỹ, công trình cuối cùng cũng thành công sau ba tuần miệt mài thi công. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội, những mốc son lịch sử chói lọi của đất nước như Điện Biên Phủ, Dinh Độc Lập, đặc biệt nhất là hình ảnh Hoàng Sa và Trường Sa được đắp nổi như một lời tuyên bố hào hùng về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Công trình này ra đời càng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt, là phần không thể tách rời của đất nước Việt Nam. “Khó khăn nhất là công đoạn hoàn thiện, bởi tấm bản đồ có nhiều chi tiết nhỏ. Riêng việc tạo hình ngôi sao 5 cánh nổi đã tốn rất nhiều thời gian. Có những ngày, ngồi kiên trì khiến tôi cứng cả lưng”, Thiếu úy Đức cho biết thêm.

Lời thề với đảo thiêng

Trong chiến tranh, đảo Mắt là đơn vị anh hùng, thành lũy bất khả xâm phạm khiến cho quân thù phải khiếp sợ. Trong cuộc chiến chống Mỹ, đảo Mắt là nơi bị bắn phá ác liệt nhưng cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã anh dũng chiến đấu, chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển phía đông của tỉnh Nghệ An.

Trong cuộc chiến đó, nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Bộ đội trên đảo Mắt đã đánh 297 lượt máy bay, 64 trận với tàu chiến, bắn cháy 10 khu trục hạm, 2 tàu tuần dương hạm, 1 tàu biệt kích, giải vây cho 3.210 lượt thuyền, cứu vớt 172 người bị nạn. Từ năm1973, đảo được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, ngày nay, các chiến sỹ Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt càng vinh dự và tự hào khi được chiến đấu, tập luyện trên hòn đảo anh hùng.

Giữa trùng khơi bão tố, những người lính luôn hăng say tập luyện, sẵn sàng chiến đấu, vững chắc tay súng canh giữ biển trời, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Nhớ lại thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta, do yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ, bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã gửi thông báo về các đơn vị để bổ sung lực lượng cho vùng, trong đó có quân y.

Không chần chừ, một chiến sỹ đã viết đơn tình nguyện tham gia. Đó là Thiếu úy Bùi Hữu Đức. “Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển nước ta, đó là hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Chỉ cần Tổ quốc gọi tôi sẵn sàng lên đường. Hoàng Sa và Trường Sa luôn ở trong tâm trí những người chiến sỹ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để bảo vệ đảo Mắt thiêng liêng”, Thiếu úy Đức bộc bạch.

Tết năm nay cũng giống như các năm khác, các chiến sỹ lại xa gia đình để làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Anh Đức tâm sự: “Năm hết Tết đến, ai chẳng muốn ở gần vợ con, người thân nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo nên các chiến sỹ luôn động viên nhau.

Tết trên đảo cũng ấm cúng lắm, anh em chuẩn bị mâm cỗ, đón Giao thừa như ở trên đất liền. Trước thời khắc Giao thừa, toàn đơn vị tập trung về đài tưởng niệm thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã từng chiến đấu và hy sinh bảo vệ đảo. Được bảo vệ đảo Mắt là điều chúng tôi luôn tự hào và càng yêu biển đảo quê hương hơn”.

HÀ HẰNG

Xem thêm video tin tức:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/ban-do-hoang-sa-truong-sa-giua-dao-mat-thieng-lieng-a132261.html