Cải cách hành chính: trọng tâm là cải cách con người

SGTT.VN - “Cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm phải là cải cách con người, bởi thể chế có hoàn thiện đến mấy mà người triển khai không đủ năng lực, phẩm chất thì cũng khó đạt kết quả tích cực”, đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu trong phiên thảo luận hôm qua (9.11), về cải cách thủ tục hành chính.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa Ý kiến của ông Huỳnh Nghĩa nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu, bởi đã đề cập đến nhân tố cốt lõi – gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hầu hết các thủ tục hành chính (TTHC) nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong phân tích về nguyên nhân cũng như trong đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục cải cách hành chính, của cả Chính phủ cũng như báo cáo giám sát của Quốc hội, nhân tố con người chưa được đề cập đúng tầm. “Dù công tác cải cách TTHC đã đạt được một số kết quả nhất định, song người dân, doanh nghiệp rất khổ, rất sợ khi đến các cơ quan nhà nước thực hiện các TTHC, vì phải đi lại quá nhiều, chờ đợi quá lâu”, đại biểu Phạm Thị Hằng (Đồng Nai) khái quát về tình hình thực hiện hầu hết các TTHC hiện nay. Đại biểu Trần Thị Lộc (Thanh Hóa), nhận xét: người dân nhiều khi cũng chủ động hối lộ các cán bộ, công chức khi thực hiện các TTHC để “được việc”. Nhiều cán bộ cố tình lợi dụng những kẻ hở của pháp luật, tìm mọi cách để thu lợi. Theo đại biểu, có chuyện này là do chế độ tiền lương cho cán bộ công chức chưa đủ để họ đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó, các cơ quan giám sát cũng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đại biểu Lộc kiến nghị: “Cải cách hành chính, không chỉ là cải cách các thể chế, mà trọng tâm phải là cải cách con người: cải cách chế độ tiền lương; sửa đổi Luật cán bộ công chức theo hướng tạo cơ chế cạnh tranh, giám sát lẫn nhau trong đội ngũ này. Đồng thời, cần xử lý triệt để hành vi đưa hối lộ; xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân”. Ghi nhận từ thực tế này của các đại biểu cũng thể hiện trong kết quả giám sát của Quốc hội đối với một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp, như đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan: “Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến; tình trạng để doanh nghiệp, công dân phải đi lại nhiều lần chưa được khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao”. Tình trạng này, cũng đã được thừa nhận trong báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2010 của Chính phủ. Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước đó chia sẻ: “Ở Việt Nam, người ta nói tham nhũng của chúng ta không nghiêm trọng như ở nhiều nước, tức là “ruỗng” từ trên xuống, mà chính là “tham nhũng vặt”. Tức là hối lộ cho người thi hành công vụ, ví dụ ở lĩnh vực y tế, giáo dục, có khi dăm ba chục ngàn cũng làm, để giải quyết công việc của mình”. Theo đánh giá ông Truyền, đây là một trong hai vấn đề người dân bận tâm, lo ngại nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) phân tích: một trong những nguyên nhân làm hạn chế để án cải cách TTHC do một bộ phận cán bộ không làm tròn trách nhiệm của mình là “đầy tớ của nhân dân”. Xâu xa hơn, là do quá trình lựa chọn, theo dõi cán bộ chưa tốt, đặc biệt chưa lý nghiêm với những người vi phạm, tham nhũng, hối lộ. “Chừng nào còn tình trạng “mua quan bán chức”, “thị trường quan chức” thì chưa giải quyết triệt để được tình trạng này”, ông Dũng nêu ý kiến. Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Một số kết quả đạt được về cải cách hành chính mới chỉ là bước đầu. Ông Phúc cũng mong muốn các bộ, ngành, các cấp cùng với các doanh nghiệp, người dân tiếp tục quan tâm, triển khai, giám sát để công tác cải cách TTHC đi vào chiều sâu”. Cũng theo ông Phúc, để tiếp tục thực hiện đề án cải cách hành chính, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa gần 5.000 TTHC còn lại thuộc phạm vi chưc năng quản lý của 24 bộ, ngành làm cơ sở để thực thi các phương án đơn giản hóa các TTHC này (giai đoạn 3 của đề án 30). Theo tính toán sơ bộ của Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng, sẽ đơn giản hóa 4.818 TTHC (bãi bỏ 480 TTHC, sử đổi 4.146 TTHC, thay thế 192 TTHC) trên tổng số 5.421 TTHC được rà soát. Nếu phương án này được thực thi, trên thực tế sẽ cắt giảm 37,31% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp, ước đạt gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Theo đó, dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, các cơ quan trung ương đăng sẽ phải sử đổi 1.016 văn bản; địa phương phải sửa đổi khoảng 3.000 văn bản. Chẳng hạn, chỉ riêng trong lĩnh vực thuế, các thủ tục về hóa đơn đã được cải cách theo hướng doanh nghiệp được tự in hóa đơn thay vì đăng ký, doanh nghiệp chỉ phải thông báo cho bộ Tài chính khi phát hành và sử dụng mẫu hóa đơn tự in, giúp tiết kiệm gần 400 tỷ đồng/năm. Đối với các thủ tục về kê khai thuế, nộp thuế GTGT, việc phân loại đối tượng để giảm tần suất kê khai thuế cho phù hợp giúp tiết kiệm 1.068 tỷ đồng. Hay trong lĩnh vực tư pháp, việc bãi bỏ yêu cầu công chứng, chứng thực bắt buộc với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản giúp tiết kiệm 2.708 tỉ đồng/năm và giúp hoàn tất các giao dịch về bất động sản. Tương tự, tiết kiệm nhờ việc cải cách TTHC đối với lĩnh vực hải quan khoảng 656 tỉ đồng/năm; lĩnh vực xây dựng khoảng 1.400 tỉ đồng/năm; lĩnh vực bảo hiểm xã hội khoảng 319 tỷ đồng/năm; lĩnh vực lao động – thương binh – xã hội khoảng 163 tỉ đồng/năm… Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) nêu ý kiến, thủ tục hành chính chỉ là một bộ phận trong đề án tổng thể về cải cách hành chính. “Chính bộ máy chúng ta đẻ ra TTHC. Tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan chức năng khiến thủ tục đẻ ra càng nhiều”, đại biểu nói một cách hình ảnh và đồng tình việc QH có nghị quyết chuyên đề giám sát về lĩnh vực cải cách TTHC. “Chúng ta phải quyết tâm chuyển nền hành chính từ quản lý sang nền hành chính phục vụ”, đại biểu nhấn mạnh. Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực cắt giảm TTHC, đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) cho rằng: “Cải cách TTHC không đơn giảm chỉ là bao nhiêu TTHC được cắt giảm, mà phải đo đếm được mức độ hài lòng của người dân”.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/132638/cai-cach-hanh-chinh-trong-tam-la-cai-cach-con-nguoi.html