Cách hành xử không đẹp của fan "Biển đen im lặng"

Hậu chung kết The Voice 2015, trên các diễn đàn mạng liên tiếp nổ ra những cuộc tranh cãi về thái độ và cách hành xử được cho là không đẹp bởi một số fan của Mỹ Tâm, khi hầu hết các tiết mục của những nghệ sĩ khác biểu diễn trong đêm chung kết đều không được lượng fan này đón nhận. Sự im lặng càng trở nên đỉnh điểm với phần trình diễn rất sôi động của Hồ Ngọc Hà.

Không chỉ tiết mục của Hà Hồ mà các tiết mục khác trong đêm chung kết cũng bị các fan của Mỹ Tâm ngồi ở vị trí bên trái sân khấu “chào đón” bằng “biển đen im lặng” (black ocean). Đây là hiện tượng thường xuyên xuất hiện ở làng giải trí Hàn Quốc, khi fan của nghệ sĩ này không ưa nghệ sĩ kia. Các nhóm nhạc nổi tiếng như SNSD, T – ara,… cũng đã nhiều lần rơi vào tình thế “dở khóc, dở cười” này. Sự việc này lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam và được bắt đầu bởi các fan của ca sĩ Mỹ Tâm. Trong khi các fan của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng rất nhiệt tình cổ vũ cho tất cả các tiết mục thần tượng mình và các nghệ sĩ khác thì fan của Mỹ Tâm sẵn sàng dừng tất cả các hoạt động cổ vũ như tắt lightstick (que sáng), ngừng reo hò, cổ vũ,… để tạo nên một không gian im lặng, đen kịt ở một góc khán đài.

Quan hệ giữa Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà vẫn rất tốt đẹp

Nói đến fan Mỹ Tâm là nói đến một lực lượng fan “khủng” cả về lượng và chất. Họ quan tâm, ủng hộ thần tượng một cách tuyệt đối nhưng cũng chính sự tuyệt đối thái quá ấy mà một lượng fan không nhỏ của “học mi tóc nâu” đã nhiều lần khiến các nghệ sĩ khác bị tổn thương ngay trên sân khấu. Năm 2006, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương từng bị khủng hoảng tinh thần khi nhận được bức thư bôi nhọ từ người tự nhận mình là fan Mỹ Tâm. Năm 2012, khi Hồ Ngọc Hà vượt qua Mỹ Tâm để nhận giải HTV Awards thì ngay lập tức các fan của Mỹ Tâm phía dưới có những hành động không đẹp như la hét, ném chai lọ lên sân khấu. Sau đó, Mỹ Tâm đã phải viết tâm thư khá dài, nhắn nhủ các fan dừng những hành động quá khích đó lại. Rồi các fan của nghệ sĩ khác có lỡ lời chê bai Mỹ Tâm, hay chê fanclub Mỹ Tâm là ngay lập tức sẽ phải hứng chịu những lời nói nặng nề, thậm chí là thóa mạ từ fanclub này. Nhận được nhiều chỉ trích của dư luận sau đêm thi 21-9, fan Mỹ Tâm liền đáp trả rằng họ có quyền không ủng hộ những gì mình không thích nên dường như sự việc này chưa có dấu hiệu lắng xuống. Sau chuyện này, Hồ Ngọc Hà chia sẻ có phần khéo léo rằng: “Có vẻ như mọi người đang tập trung quá đà vào câu chuyện của tôi và chị Mỹ Tâm. Đồng ý khi mình đã quá yêu ai đó một cách chung thủy, mình chẳng có lý do gì để yêu thêm người khác. Tôi cũng không trách chuyện ấy”.

Khán giả là một trong những nhân tố quan trọng tạo ra không khí sôi nổi cho các buổi biểu diễn bởi họ là những người cổ vũ, động viên tinh thần cho các nghệ sĩ trình diễn tự tin, thăng hoa hơn trên sân khấu. Trong một buổi biểu diễn có nhiều nghệ sĩ tham gia đồng nghĩa sẽ có nhiều fanclub có mặt để ủng hộ thần tượng của mình và tất nhiên sự nhiệt tình sẽ nghiêng về thần tượng mình yêu mến. Tuy nhiên sẽ là thiếu văn minh và lịch sự tối thiểu nếu như sau các phần biểu diễn của các nghệ sĩ khác, khán giả lại cố tình “lặng im”, bởi không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước khác trên thế giới, văn hóa vỗ tay là văn hóa tối thiếu cần phải có thể hiện sự tôn trọng mà người nghe, người thưởng thức,… dành cho người phát biểu, người biểu diễn,…

Đối với thành công của một người nghệ sĩ, sự ủng hộ của lực lượng fan hùng hậu có ý nghĩa vô cùng lớn. Ở Việt Nam hiện nay, dường như nghệ sĩ nào nổi tiếng đồng nghĩa là fanclub của nghệ sĩ ấy sẽ rất “khủng” về cả lượng và chất. Nhưng cái “chất” của fan ở đây hoàn toàn khác với thái độ chỉ “yêu” một mình thần tượng của mình mà thờ ơ, lạnh nhạt với các nghệ sĩ khác. Có thể các fan cuồng ấy của Mỹ Tâm cho rằng tình yêu “chung thủy” ấy là cách thể hiện tốt nhất tình cảm với thần tượng, là cái riêng chỉ có ở fanclub này nhưng họ đã thật sự nhầm, bởi tình yêu chung thủy với thần tượng đến đâu cũng phải bắt nguồn từ sự tôn trọng không chỉ thần tượng của mình mà còn là sự tôn trọng thần tượng của người khác. Hãy đặt mình vào địa vị fan của những nghệ sĩ khác được chào đón bởi “biển đen im lặng” ấy sẽ cảm thấy bị tổn thương ghê gớm như thế nào. Mỹ Tâm đã rất nhiều lần viết tâm thư với nội dung xoay quanh chuyện đối xử với các nghệ sĩ khác của các fan, chứng tỏ Mỹ Tâm luôn có thái độ tôn trọng, yêu mến với đồng nghiệp. Vậy thì cớ sao các fan của cô lại không thể sống trong hòa bình với các nghệ sĩ khác, fanclub khác. Những hành động đi ngược lại với mong muốn của thần tượng chẳng khác nào làm giảm tình cảm và sự tôn trọng với chính thần tượng của mình, là nguyên nhân gây ra rạn nứt tình cảm của nghệ sĩ mình yêu mến với các đồng nghiệp.

Fanclub xuất hiện vì tình yêu thương với một nghệ sĩ nào đó nhưng khởi nguồn của tình yêu ấy chính là tình yêu với nghệ thuật. Chính nghệ thuật là chiếc cầu kết nối những người nổi tiếng đến với người hâm mộ. Nghệ thuật luôn mang trong mình những giá trị chân thiện mỹ mà đỉnh cao trong đó là giá trị đẹp đẽ của tình người. Vậy thì cớ gì chúng ta lại cố tình dập tắt đi những tình cảm tốt đẹp ấy? Hơn nữa, một nghệ sĩ không thể tự mình tạo ra nghệ thuật mà đó là sự cộng hưởng của nhiều người, nhiều yếu tố. Sự hợp tác, học hỏi, giúp đỡ nhau giữa các nghệ sĩ là việc làm vô cùng cần thiết và ý nghĩa. Bên cạnh tình yêu của khán giả thì thành công của các đồng nghiệp chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự cố gắng, vươn mình trong thần tượng của mỗi người. Vậy gì cớ gì chúng ta có thể yêu sâu sắc một ai đó lại không thể yêu mến thêm, tôn trọng thêm thần tượng của người khác?

Chất của fan thể hiện rõ nhất ở tinh thần, nhận thức, sự tôn trọng của họ đối với thần tượng của mình. Nhưng tinh thần ấy sẽ đáng để tự hào hơn khi họ biết san sẻ lòng nhiệt thành đến các nghệ sĩ khác, các fanclub khác bởi đó mới là cách chơi đẹp nhất, cách thần tượng một ai đó hiệu quả và lâu dài nhất.

Hồng Giang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/cach-hanh-xu-khong-dep-cua-fan-bien-den-im-lang-98876