Buôn Ma Thuột - Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Ngày 10-3 tới đây, tại Lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975), tỉnh Đắc Lắc công bố Quyết định số 288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại một, trực thuộc tỉnh. Với sự phát triển nhanh, vững chắc như hiện nay, Buôn Ma Thuột sẽ vươn tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Nằm ở trung tâm Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên 377,18km2, dân số hơn 330.000 người, Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng-an ninh. Trong hai cuộc kháng chiến, Buôn Ma Thuột là địa bàn tranh chấp chiến lược, nơi đây diễn ra những trận chiến đấu lịch sử, mà oanh liệt nhất là Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975), mở màn thắng lợi cho Đại thắng mùa xuân 1975. Với những đóng góp to lớn về sức người sức của cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, năm 2005, quân và dân Thành phố Buôn Ma Thuột vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào các dân tộc Buôn Ma Thuột đã vươn lên từng bước chiến thắng đói nghèo, đẩy lùi lạc hậu, tạo được những bước phát triển vượt bậc, nhanh chóng trở thành đô thị phát triển năng động nhất vùng Tây Nguyên. Sau ngày giải phóng (3-1975), Buôn Ma Thuột là một thị xã nghèo, cơ sở hạ tầng do bị bom đạn tàn phá, kinh tế manh mún, lạc hậu, đời sống của gần 13 vạn dân vô cùng thiếu thốn, dịch bệnh hoành hành, tỷ lệ người mù chữ cao. Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắc Lắc cũng như cả Tây Nguyên nói chung còn phải đối mặt với sự phá hoại thâm độc, dai dẳng của bọn phản động Phun-rô. Nhưng, với tinh thần của “Chiến thắng Buôn Ma Thuột”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, nỗ lực không mệt mỏi của quân và dân các dân tộc, cùng nguồn lực đầu tư lớn của tỉnh và Trung ương, Buôn Ma Thuột đã đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND Thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định: Chặng đường 10 năm, từ năm 2001 đến nay, Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo ra những đổi thay nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng thu nhập nội địa (GDP) giai đoạn (2001-2005) đạt bình quân 11,38%, giai đoạn (2006-2010) là 17,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông –lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Năm 2009 vừa qua, Buôn Ma Thuột đạt được những con số hết sức ấn tượng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 20,09%, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3.067 tỉ đồng, tổng thu ngân sách theo phân cấp đạt 747 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người 24,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,3%; trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chỉ còn 11%, các ngành công nghiệp - thương mại - dịch vụ chiếm 89%... Thành phố cũng hết sức quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm tốt công tác quy hoạch cho cả trước mắt và lâu dài. Chỉ tính giai đoạn 2006-2010, Buôn Ma Thuột huy động khoảng 12.000 tỉ đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trên địa bàn đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp và các công trình quan trọng. Mạng lưới giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc phát triển nhanh và từng bước hiện đại hóa. Nhờ vậy, đến nay thành phố đã nhựa hóa hơn 96% đường nội thành, 100% đường liên xã và 70% đường liên thôn buôn, khối phố; 100% khu dân cư và 80% ngõ hẻm có điện chiếu sáng; hệ thống cung cấp nước sạch đã bảo đảm được bình quân 137 lít/người/ngày đêm. Trở thành đô thị loại một thuộc tỉnh Đắc Lắc là dấu mốc quan trọng để thành phố Buôn Ma Thuột phát triển nhanh và vững chắc theo hướng xây dựng thành phố hiện đại văn minh, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Vì vậy, những việc mà Buôn Ma Thuột cần làm trong thời gian tới là rất nhiều, rất khẩn trương. Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Luân, để thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị ngày 3-11-2009, tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc về định hướng phát triển Buôn Ma Thuột giai đoạn 2010-2020, thì Buôn Ma Thuột cần làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm cho mở mang đô thị nhanh và vững chắc; tranh thủ tối đa nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhằm đáp ứng kịp sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắc Lắc và cả vùng Tây Nguyên. Dự kiến nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Buôn Ma Thuột giai đoạn (2010-2015) là 21.000 tỉ đồng và giai đoạn (2015-2020) là 42.000 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn (2010-2015) đạt từ 15 đến 17%/năm, tỷ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng- dịch vụ chiếm 95%, nông-lâm nghiệp còn 5%. Riêng năm 2010, phấn đấu GDP tăng 17%; đến 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Trước mắt, trong những năm tới đây, Buôn Ma Thuột xác định tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đô thị thực sự văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được những nét đẹp về văn hóa truyền thống của Tây Nguyên, thực sự xứng tầm là đầu mối giao lưu kinh tế giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và trong quan hệ quốc tế. Bài và ảnh: Kiều Bình Định

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/105394/Default.aspx