Bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 4,8% GDP

QĐND Online – Chiều 20-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Theo đó bội chi NSNN năm 2012 là 140.200 tỷ đồng…

Khả năng thu NSNN năm 2011 cao hơn dự kiến của Chính phủ

Sau khi nghe báo cáo về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Qua làm việc với các bộ, ngành và giám sát ở một số địa phương cho thấy, khả năng thu của năm 2011 vẫn sẽ cao hơn dự kiến của Chính phủ. Nhận định này dựa trên những căn cứ có thể tăng thu hơn nữa trong thu nội địa và thu cân đối xuất, nhập khẩu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Internet

Về thu nội địa, qua giám sát, Ủy ban TCNS thấy, tình trạng gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở một số thành phố lớn; vẫn có thể khai thác nguồn thu từ đất đai, kinh doanh bất động sản, từ khai thác tài nguyên khoáng sản. Cùng với các biện pháp tăng cường, quyết liệt hơn trong việc quản lý thu thuế và truy thu số thuế nợ đọng, sẽ góp phần làm tăng thu cho NSNN.

Về mặt thu cân đối xuất, nhập khẩu, theo báo cáo của Chính phủ đánh giá có thể tăng 3,8% so với dự toán. Ủy ban TCNS lại thấy, trên cơ sở tình hình thực hiện 9 tháng và theo chu kỳ hoạt động xuất, nhập khẩu vào những tháng cuối năm, số thu xuất, nhập khẩu có thể tăng hơn.

Về dự toán chi, mặc dù Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (ngoài phần tiết kiệm 10% dự toán từ đầu năm), nhưng tổng số chi NSNN vẫn vượt dự toán 9,7% (70.400 tỷ đồng). Đây là mức tăng khá lớn. Nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, mức tăng chi trên chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ dự kiến bố trí 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương để giảm bội chi NSNN năm 2011, đưa xuống mức 111.500 tỷ đồng, tương đương 4,9% GDP, giảm 0,4% so với dự toán đầu năm. Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội có nhiều biến động, việc Chính phủ phấn đấu giảm bội chi thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong quản lý và điều hành NSNN. Đây là mức giảm khá, tạo cơ sở cho việc giảm bội chi theo lộ trình và hạ dần mức nợ công. Mặt khác, việc bố trí tăng chi trả nợ năm 2011 (15.000 tỷ đồng) cũng có thể coi như gián tiếp giảm bội chi.

Quyết liệt giảm bội chi NSNN

Ủy ban TCNS nhất trí với Chính phủ về việc phải tái cơ cấu lại chi NSNN theo hướng: ưu tiên đầu tư cho con người và thực hiện chính sách an sinh xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; nâng cao chất lượng và hiệu quả của chi đầu tư phát triển; tiếp tục thực hiện giảm chi tiêu công ở mức hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát, phấn đấu đưa lạm phát về mức một con số như mục tiêu đề ra.

Ủy ban TCNS cho rằng, trên cơ sở đánh giá dự toán thu NSNN năm 2012 đã được Chính phủ xây dựng tích cực, chi NSNN năm 2012 phải được nỗ lực cân đối để thực hiện những nhiệm vụ trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Do vậy, việc cắt giảm bội chi, giảm đầu tư công đột ngột có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết chinh sách xã hội. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với Chính phủ mức bội chi NSNN là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.

Tuy nhiên, có ý kiến chỉ ra, nếu tính thêm phần vốn trái phiếu Chính phủ (45.000 tỷ đồng) vào bội chi NSNN thì tỷ lệ bội chi NSNN năm 2012 là 6,3%GDP, theo phương án tăng trưởng bình quân 6,5% trong kế hoạch tài chính 5 năm Chính phủ trình, bội chi NSNN năm 2015 dự kiến là 202.500 tỷ đồng, nếu tính cả trái phiếu chính phủ năm 2015 (45.000 tỷ đồng) thì bội chi là 247.500 tỷ đồng, bằng 5,5%GDP (dự kiến GDP đến năm 2015 là 4.500 ngàn tỷ đồng). Do đó, để thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chính phủ cần có lộ trình giảm bội chi quyết liệt hơn.

Theo Ủy ban TCNS, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu chưa đáp ứng nhu cầu chi, việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2012 phải được sắp xếp theo một trật tự ưu tiên: Một là, ưu tiên chi đầu tư cho con người, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội; Hai là, quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp; các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ; Ba là, bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách; Bốn là, quan tâm đầu tư cho vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn; ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các tỉnh có khả năng bứt phá để tự cân đối ngân sách.

Xuân Dũng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/50/50/164258/Default.aspx