Bỏ tư duy kinh tế chạn bếp

Nói đến cái bếp là nói đến gia đình. Và kinh tế gia đình là phần quan trọng của kinh tế tư nhân. Một thời do say mê “tập thể”, “làm ăn lớn” người ta đã triệt tiêu tư duy kinh tế tư nhân và chạn bếp trống không, nhân dân điêu đứng.

Tinh thần kinh doanh, tinh thần nghiệp chủ ở Việt Nam khá cao và được thế là nhờ mọi người luôn lo cho cái bếp ấm cúng của nhà mình. Khi quyền kinh doanh tư nhân ấy không còn bị cấm đoán, khi dân lấy lại quyền đó của mình, chính nó đã tạo ra thành công của thời kỳ đổi mới. Đó là mặt rất rất tốt.

Tuy nhiên, nếu chỉ có tư duy kinh tế nhìn từ chạn bếp thì dù chúng ta chỉ có thể kiếm đủ sống qua ngày nhưng không thể phát triển được. Đặc trưng của tư duy kinh tế từ chạn bếp là chỉ chăm chú đến lợi ích gia đình - một tổ chức kinh tế cơ bản hết sức quan trọng. Nó ít chú ý đến sự hợp tác với những người bên ngoài mà sự hợp tác có thể làm cho cái chạn bếp nhà minh đầy hơn, nhiều thực phẩm ngon và phong phú hơn.

Làm sao có môi trường pháp lý tốt để một mặt khuyến khích người dân chăm chú cho lợi ích của chính mình, của gia đình mình, nhưng mặt khác khi người dân chăm chú lo cho riêng mình như thế mà cũng khuyến khích sự hợp tác và đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các tổ chức lớn hơn khác (các công ty vượt tầm gia đình cho đến nền kinh tế quốc gia) là nhiệm vụ của những người quản trị quốc gia, của các nhà hoạch định chính sách.

Rất tiếc, chúng ta chưa có nhiều nhà hoạch định chính sách nhìn xa trông rộng như vậy. Đa số vẫn muốn nhà nước làm kinh tế, vẫn muốn nhà nước như người cha trong gia đình và chăm lo cho cái “chạn bếp quốc gia”. Rất nhiều người vẫn coi khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo! Chính tư duy “chạn bếp tập thể” đó đã dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ, nợ nần suốt 10 năm qua như Vinashin, Vinalines… Khía cạnh xấu này của tư duy kinh tế chạn bếp ở tầm quốc gia phải được dỡ bỏ.

Một nét nữa của tư duy kinh tế từ chạn bếp là nó đặt quan hệ gia đình, họ hàng lên đầu. Nếu nhà nước không làm tốt vai trò trọng tài, buộc các tư nhân phải tôn trọng thỏa thuận tư giữa họ với nhau, thì người ta chỉ làm ăn với người thân, người quen là chuyện dễ hiểu, và như thế hạn chế quy mô đối tác, khách hàng và khó phát triển.

Không có sự tin cậy giữa các đối tác kinh tế thì không có phát triển. Đáng tiếc luật dân sự hiện hành và bộ máy tư pháp chưa làm tốt việc này nên vẫn tồn tại phổ biến việc chỉ làm ăn với người nhà, người thân quen và từ đó dẫn đến chủ nghĩa cánh hẩu (tạo điều kiện tốt, ưu ái cho người và doanh nghiệp thân, quen). Chủ nghĩa cánh hẩu hủy hoại sự phát triển kinh tế, gây ra bất công xã hội.

Với sự hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới (WTO, cộng đồng ASEAN, TPP, Hiệp định kinh tế song phương với EU,…) nếu chúng ta không biết phát huy những mặt tốt của tư duy kinh tế từ chạn bếp và ngăn chặn các mặt xấu của nó, thì khó có sự phát triển bền vững.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bo-tu-duy-kinh-te-chan-bep-659783.html