Bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông tăng đột biến

Trong khi người dân cả nước nghỉ Tết, y bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn tất bật làm việc không kể ngày đêm. Ngoài việc chăm sóc cho hàng nghìn người bệnh ở lại đón Tết tại bệnh viện (BV), các thầy thuốc còn phục vụ hàng nghìn trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu…

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cấp cứu một trường hợp bị tai nạn giao thông. Ảnh: Ngọc Dung

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong 3 ngày từ 7-2 đến hết ngày 9-2 (tức ngày 29 tháng Chạp đến mùng 2 Tết), cả nước có gần 2.000 trường hợp cấp cứu do đánh nhau, xô xát. Mặc dù số bệnh nhân phải cấp cứu vì ẩu đả giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số người tử vong lại tăng lên (10 so với 4). Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng trên là thói quen lạm dụng rượu bia trong ngày Tết.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc (BV Đa khoa Xanh Pôn), trưa ngày 9-2 (tức mùng 2 Tết), hàng chục y bác sĩ của BV đã tham gia cấp cứu, kịp thời cứu sống anh Nguyễn Minh L. (ở Sóc Sơn). Bệnh nhân nhập viện với vết thương đứt ngang cổ và đã ngừng thở, phải sau 10 phút được các bác sĩ hồi sức khẩn cấp thì trái tim anh L. mới đập trở lại. Theo lời kể của gia đình, anh L. có tiền sử nghiện rượu hàng chục năm nay, sáng mùng 2 Tết, anh có uống nhiều hơn bình thường. Uống xong, anh L. cầm dao tự hại bản thân… "Rượu làm tăng tính bốc đồng, thay đổi tâm trạng và dẫn đến trầm cảm. Chính vì vậy mà mọi người, dù vui đến mấy cũng cần phải ý thức được nguy cơ của việc quá chén", bác sĩ Trần Văn Phúc khuyến cáo.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ba ngày qua, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến bia rượu cũng gia tăng. Số lượng bệnh nhân nhập viện do TNGT cũng tăng đột biến với khoảng 17.278 trường hợp (tăng 113% so với năm 2015), trong đó có 1.928 trường hợp chấn thương sọ não. Đã có 182 trường hợp phải phẫu thuật chấn thương sọ não, số tử vong trước viện và số được tiên lượng sẽ tử vong, xin về là 88 ca. Nhiều vụ tai nạn xảy ra do lái xe say rượu, không làm chủ được tốc độ. Không ít trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng để lại di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân…

BV Hữu nghị Việt - Đức được đánh giá là nơi "nóng" nhất trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Vào dịp Tết, trung bình BV phải mổ cấp cứu cho 500 - 600 bệnh nhân/tuần. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, số ca TNGT cấp cứu chiếm 80% tổng số bệnh nhân tới khám tại BV Việt - Đức trong những ngày Tết. Đối với các bác sĩ của BV, ngày Tết không khác gì ngày thường do số lượng bệnh nhân cấp cứu vì TNGT không hề giảm, thậm chí còn tăng. "Tết, với chúng tôi, năm nào cũng trong tình trạng căng thẳng, khi người ta nghỉ thì mình lúc nào cũng lo ngay ngáy", PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng nói.

Liên quan đến tai nạn do pháo và chất nổ, theo Bộ Y tế, trong 3 ngày nghỉ Tết, cả nước có 98 ca nhập viện (tăng gấp đôi so với tết Ất Mùi), tập trung nhiều nhất ở Quảng Ngãi với 17 trường hợp. Ngoài ra, còn có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ (không có tử vong). Còn số nhập viện do ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu có 1.971 trường hợp, giảm nhẹ so với dịp tết Ất Mùi và chưa xảy ra ngộ độc hàng loạt.

Trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân, số bệnh nhân phải đón Tết tại BV là hơn 109.000 trường hợp. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám cấp cứu cho hơn 84.000 trường hợp, thực hiện 6.423 ca phẫu thuật, đón 8.485 trẻ chào đời. Tình hình dịch bệnh trên cả nước không có diễn biến bất thường. Tính tới ngày mùng 3 Tết, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A, nhiễm vi rút Zika, tuy nhiên, đã ghi nhận một số ca sốt phát ban nghi sởi, 51 ca sốt xuất huyết (chủ yếu ở phía Nam), 4 ca tay chân miệng mới ở TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê:
Chủ động giám sát những diễn biến bất thường

Trong những ngày nghỉ còn lại, các cơ sở y tế tiếp tục trực theo 4 cấp, bao gồm trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin đường dây nóng; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ; chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh, không để người bệnh thiếu thuốc, dịch truyền, máu, chế phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định liên quan và quy trình chuyên môn kỹ thuật; đồng thời thường trực công tác báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, TNGT... trong dịp Tết, chủ động giám sát diễn biến bất thường.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/824639/benh-nhan-nhap-vien-do-tai-nan-giao-thong-tang-dot-bien