Bên Bến Nhà Rồng

ND - Năm nào cũng vậy, tôi thường đến Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh hai lần, một là vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ 19-5 và hai là dịp chào mừng Quốc khánh 2-9, để ghi lại những sự kiện trong lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào những ngày này, Bảo tàng như trong ngày hội. Đông đảo người dân khắp nơi, khách du lịch quốc tế, các đồng chí lãnh đạo, các đoàn đại biểu, các đơn vị, tổ chức, các vị lão thành cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng,... các bạn sinh viên, học sinh, các cháu thiếu niên, nhi đồng... đến dâng hoa, dâng hương hoặc chỉ để nghiêng mình trước tượng đài Bác Hồ để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người đối với non sông, đất nước.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh ngày nay nguyên là trụ sở của Tổng đại diện Công ty Vận tải Hoàng gia, được xây dựng khoảng năm 1962-1963, trên nóc có tạc hai con rồng, đặt tên là Nhà Rồng và bến cảng ở đây là bến cảng Nhà Rồng. Chính từ bến cảng này, ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. UBND thành phố Hồ Chí Minh phục dựng Nhà Rồng thành Khu di tích lịch sử Bác Hồ, khánh thành ngày 3-9-1979. Ngày 20-9-1982, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định chuyển Khu di tích lịch sử thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 10-1995, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định đổi Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Trải qua hơn 30 năm hoạt động, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, con người,... đến định hướng chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã không ngừng nỗ lực, từng bước vươn lên về nhiều mặt. Đến nay, Bảo tàng đã tạo dựng được một hệ thống trưng bày phản ánh khá đầy đủ, sinh động cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và tình cảm sâu nặng vô bờ bến của Bác Hồ đối với nhân dân miền nam cũng như tình cảm kính yêu vô hạn của nhân dân miền nam đối với Bác Hồ. Những ngày đầu thành lập với chỉ hơn 400 tư liệu, hiện vật, hiện nay, Bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ hơn 17 nghìn tư liệu, hiện vật; có một thư viện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn bốn nghìn cuốn sách do Bác viết và do các tác giả trong và ngoài nước viết về Bác. Sau năm lần chỉnh lý lớn, nội dung trưng bày của Bảo tàng ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn, loại bỏ hình thức trưng bày minh họa cho các sự kiện, chuyển dần sang trưng bày theo sưu tập, coi trọng trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động, với việc áp dụng các thủ pháp kỹ thuật, mỹ thuật tạo hấp dẫn. Do vậy, Bảo tàng ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, học tập về cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Hơn 30 năm qua, đã có khoảng 20 triệu lượt khách tham quan, trong đó có nhiều đoàn đại biểu cấp cao quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Bảo tàng phối hợp và liên kết với nhiều tổ chức, cơ quan tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề, xuất bản các ấn phẩm... có hiệu quả khoa học và xã hội. Vui biết bao khi tôi được biết sắp tới Bảo tàng sẽ nghiên cứu, xây dựng đề cương trưng bày, thiết kế mỹ thuật và tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho chủ đề "Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến năm 1941". Và cũng xúc động biết bao khi biết thêm nhiều câu chuyện thể hiện tình cảm, tấm lòng sâu nặng của đồng bào miền nam ruột thịt đối với Bác Hồ. Như chuyện ông Phạm Văn Bảy nhà ở phường 15, quận 10. Ông người Thủ Dầu Một, đang sống ở TP Hồ Chí Minh, hiện đã qua tuổi 80, nhưng đã dành trọn 10 năm ròng rã nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép để biên soạn cuốn sách "Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và nghệ thuật quản lý" (NXB Lao động - 2009) dày hơn 500 trang. Ông Bảy cho biết: Khi Bác Hồ mất, tôi có thề sẽ sống, học tập, chiến đấu và lao động theo gương Bác Hồ vĩ đại. Cũng để dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập theo gương Bác về nhiều lĩnh vực, sau thấy hay quá, cứ suy nghĩ mãi, phải năm lần, mười lượt ghi ghi, chép chép công phu lắm mới xong bản thảo, trong thời gian 10 năm ròng mới xong. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích phường 2, quận Tân Bình, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học của phường. Nhà cô là kho tư liệu về Bác được đóng thành nhiều tập theo từng chủ đề riêng. Cô hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều bộ sưu tập. Sắp tới, sẽ hiến tặng thêm hai bộ sưu tập những bài viết về "79 mùa xuân của Bác Hồ vĩ đại" và "120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh". Chúng tôi gặp tại Bảo tàng nhiều bạn sinh viên, học sinh, đoàn viên, thanh niên đến tìm hiểu về Bác Hồ. Các bạn đoàn viên thanh niên, hội viên thuộc Câu lạc bộ phụ trách đội phường 10, quận 11, TP Hồ Chí Minh tổ chức tham quan bảo tàng. Tôi còn gặp bạn Nguyễn Hòa Thuận, học sinh lớp 11, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11 nói trong xúc động: Lần đầu tiên em được ghé thăm Bến Nhà Rồng, chứng kiến tận mắt những hiện vật, tài liệu thể hiện sinh động cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ nhưng đầy vẻ vang của Bác. Còn bạn Lâm Hoàng Anh, sinh viên năm thứ tư Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trong một đoàn tham quan khác, bộc bạch: Chúng em đến đây để tìm hiểu về Bác Hồ. Những kiến thức về thân thế và sự nghiệp của Bác trong sách vở dù có gấp nhiều lần, cũng không bằng một lần đến đây nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Chúng em cảm thấy trái tim mình rung lên vì xúc động và nguyện sống xứng đáng với kỳ vọng của Bác Hồ đối với thanh niên, góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bến Nhà Rồng hôm nay là một địa chỉ đỏ, rực sáng trong trái tim, khối óc của những ai đã một lần đến đây. Bài và ảnh: Toàn Thắng,Tất Cường

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=174900&sub=130&top=37