Bất cập trong xử lý xe chở quá khổ, quá tải trên quốc lộ

Những tháng đầu năm 2013 là thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch nông sản. Hằng ngày, trên hai tuyến quốc lộ 14 và 19, thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai quản lý phải gồng mình gánh hàng trăm lượt xe chở nông sản đến các nhà máy trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Điều đáng nói ở đây là những chiếc xe tải chở nông sản này luôn trong tình trạng quá tải và đây cũng chính là nguyên nhân phá hỏng mặt đường vốn đã và đang xuống cấp trầm trọng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Gia Lai xử lý, hạ tải xe chở gỗ vi phạm.

Trước tình hình đó, Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Gia Lai quyết định mở đợt tổng kiểm soát, xử lý những phương tiện giao thông chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm của tỉnh từ ngày 1-3 đến ngày 30-4. Theo đó, có ba đội công tác liên ngành được thành lập thực hiện nhiệm vụ gồm các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông tỉnh và thanh tra đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Chỉ trong tuần đầu triển khai kiểm tra xử lý, các đội liên ngành đã lập biên bản xử phạt gần 300 xe chở quá tải. Tổng mức phạt gần 250 triệu đồng, với khoảng 455 tấn hàng phải hạ tải và tạm giữ 274 giấy tờ các loại. Tuy nhiên, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải vẫn đang hằng ngày diễn ra trên quốc lộ 14 và 19.

Qua quan sát, nhiều lái xe sau khi phát hiện có lực lượng chức năng đã cho xe chạy vào các đường tránh sâu trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số đợi đến giữa trưa, hoặc đêm khuya mới tiếp tục lưu thông. Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Trưởng phòng CSGT Công an Gia Lai Thượng tá Phạm Văn Uấn cho biết: Các xe ô-tô quá tải từ các tỉnh lân cận về chạy trên quốc lộ 14, 19 đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai khá nhiều nên việc xử lý rất vất vả. Ở Kon Tum, Đác Lắc qua thì là các xe chở mì, gỗ, còn ở Bình Định lên là xe chở vật liệu xây dựng, sắt thép, xi-măng. Qua kiểm tra, hầu hết các xe này đều chở quá tải trọng cho phép. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nghiêm túc việc xử lý xe quá tải, quá khổ và kiên quyết xử phạt các lái xe. Tỉnh Gia Lai là địa phương có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, nên việc xử lý vi phạm đối với xe quá tải, quá khổ gặp không ít khó khăn. Bởi theo quy định, khi phát hiện xe quá khổ, quá tải thì cơ quan chức năng phải lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó là áp dụng hình thức buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ rồi mới cho tiếp tục lưu thông. Nhưng trong thực tế, việc áp dụng biện pháp hạ tải gần như không thực hiện được đối với công tác tuần tra, kiểm tra trên đường. Trên các tuyến quốc lộ thuộc địa phận tỉnh chưa có trạm cân di động cũng như chưa có trạm cân cố định và bến, bãi hạ tải. Thêm vào đó, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra của thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông còn thiếu. Do đó, lực lượng kiểm tra thường căn cứ vào hóa đơn hàng hóa mà lái xe xuất trình để xử lý.

Tuy nhiên, có một thực tế mà theo như Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Gia Lai Võ Văn Văn phản ánh thì trong những trường hợp bị đội liên ngành kiểm tra và lập biên bản, phần lớn các lái xe thắc mắc tại sao họ vận chuyển hàng hóa qua địa bàn các tỉnh lân cận đều không bị kiểm tra và yêu cầu hạ tải, nhưng đến Gia Lai thì bị xử lý. Điển hình là trường hợp lái xe công-ten-nơ BKS 76M-2700 chở mì từ Lào, qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y về Kon Tum và qua Gia Lai để về Bình Định đã phản ứng trước thái độ kiên quyết của ngành chức năng tỉnh Gia Lai vì cho rằng số mì này ở các nơi đi qua không bị kiểm tra, xử lý, nhưng chỉ đến địa bàn Gia Lai thì bị bắt giữ và buộc hạ tải. Ông Văn đề nghị: "Muốn lập lại trật tự giao thông, các tỉnh trong khu vực phải xử lý kiên quyết, tránh tình trạng nơi này làm, nơi kia không làm".

Cũng cần nhắc lại vụ việc cách đây một năm, vào hai ngày 1 và 2-6-2012 trên quốc lộ 14 và 19, có 109 xe chở gỗ quá khổ, quá tải đi từ tỉnh Át-ta-pư (Lào) qua cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định) nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà cả đoàn xe vẫn ung dung di chuyển hàng trăm cây số, không hề có sự can thiệp của lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum, cho đến khi đến địa bàn huyện Mang Yang thì mới bị lực lượng CSGT Gia Lai kiên quyết bắt giữ, buộc hạ tải và xử phạt. Ngày 10-1-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện số 95/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và chở quá số khách cho phép. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan hữu quan cùng phối hợp và chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ đối với các doanh nghiệp vận tải, cương quyết xử lý và áp dụng hình thức xử phạt cao nhất theo quy định của pháp luật với các trường hợp phương tiện vận tải chở quá tải trọng cho phép và chở khách vượt quá số chỗ quy định... Từ thực tế những gì đang diễn ra trên các quốc lộ thuộc các tỉnh khu vực Tây Nguyên quản lý, theo chúng tôi, chỉ có tỉnh Gia Lai thực hiện nghiêm chỉnh việc xử lý xe quá khổ, quá tải là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc triệt để và phối hợp chặt chẽ của lực lượng chức năng các tỉnh trong khu vực như Kon Tum, Bình Định, Đác Lắc... nhằm chấm dứt tình trạng xe quá khổ, quá tải tàn phá mặt đường cũng như đe dọa đến an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ.

Bài và ảnh: PHAN HÒA

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/20566002-.html