Bất cập trong quản lý hoạt động các cơ sở y tế tư nhân tại tỉnh Gia Lai

Không thể phủ nhận việc các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp người dân địa phương dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, ngoài những đóng góp tích cực đó, hoạt động của một số cơ sở y, dược tư nhân thời gian qua đã vi phạm các quy định của cơ quan quản lý...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh nhằm chấn chỉnh các hành vi tiêu cực trong hoạt động của cơ sở y, dược tư nhân

Không thể phủ nhận việc các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp người dân địa phương dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, ngoài những đóng góp tích cực đó, hoạt động của một số cơ sở y, dược tư nhân thời gian qua đã vi phạm các quy định của cơ quan quản lý...

Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có 618 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; trong đó 266 cơ sở hành nghề y, 352 cơ sở hành nghề dược. Để quản lý được hoạt động của các đơn vị này, ngành chức năng và chính quyền địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai, khó khăn lớn nhất hiện nay là do ý thức của các chủ cơ sở hành nghề y tế tư nhân chưa cao, vì chạy theo lợi nhuận mà cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước.

Trong đợt kiểm tra mới đây, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 66 cơ sở (có 12 cơ sở hành nghề y, 54 cơ sở hành nghề dược tư nhân), phát hiện 36 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật (chiếm tỷ lệ 45,4%) Đoàn đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 472 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với 36 cơ sở; đình chỉ hoạt động chín cơ sở. Các lỗi vi phạm gồm: Cơ sở hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; vừa khám bệnh vừa bán thuốc; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; không niêm yết giá dịch vụ y tế; không lập hồ sơ bệnh án và không lập sổ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; vẫn còn tình trạng bán thuốc hết hạn sử dụng; kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; bán thuốc không có giấy chứng nhận thực hành…

Tại phòng khám Đa khoa Cheo Reo (số 20 đường 17-3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) do ông Nguyễn Văn Oan đứng tên chủ cơ sở, đoàn kiểm tra đã phát hiện “Cơ sở bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức”. Vi phạm cũng được phát hiện tại Phòng khám bác sĩ Thiên (341 Lê Duẩn, TP Plây Cu) do ông Nguyễn Đình Thiên đứng tên chủ cơ sở và chịu trách nhiệm chuyên môn. Đoàn thanh tra đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 20 đến 25 triệu đồng; tước chứng chỉ hành nghề trong thời hạn sáu tháng. Tại nhiều cơ sở, Đoàn phát hiện hành nghề y tư nhân dù người chịu trách nhiệm chuyên môn ở đây không có chứng chỉ hành nghề nhưng họ vẫn vô tư khám bệnh, bán thuốc như cơ sở hành nghề bác sĩ Hương (thôn 2, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê); cơ sở hành nghề bác sĩ Long (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông); Nhà thuốc Quang Trung số 07 Quang Trung (TP Plây Cu)…

Khảo sát tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP PLây Cu, điều mà ai cũng thấy là khi người bệnh đến mua thuốc, người bán không cần xem đơn thuốc của bác sĩ mà chỉ nghe người mua đọc loại thuốc cần mua là bán, bán thuốc đắt gấp nhiều lần giá mua bên ngoài... Anh Thành Đức, nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, TP Plây Cu than phiền: “Tôi đưa cháu đến khám tại phòng khám mắt. Bác sĩ này nói chỗ bạn bè nên không lấy tiền khám, chỉ lấy tiền lọ thuốc nhỏ mắt với giá hơn 100 nghìn đồng. Sau đó, tôi cầm chính đơn thuốc này ra hiệu thuốc mua thì giá chỉ bằng… một phần ba.

Vai trò quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với hoạt động KCB và hành nghề y tế ngoài công lập thời gian qua ít được quan tâm, thậm chí có nơi còn bỏ ngỏ. Qua đợt giám sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh Gia Lai) về việc “Thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và hành nghề dược (ngoài công lập) trên địa bàn tỉnh Gia Lai” đã cho thấy rõ điều này. Như tại TP Plây Cu, nơi có số lượng cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nhiều nhất tỉnh, nhưng theo báo cáo cho đến nay chưa có một văn bản nào của tỉnh, của Sở Y tế quy định, hướng dẫn về thẩm quyền, trách nhiệm nói chung, TP Plây Cu nói riêng, trong công tác quản lý nhà nước đối với việc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và hành nghề dược ngoài công lập cho nên thành phố vẫn chưa triển khai nhiệm vụ công tác này. Đơn vị cũng chưa điều tra, thống kê cụ thể về số lượng, loại hình và địa chỉ của các cơ sở kinh doanh dược tư nhân. Sự buông lỏng quản lý của các chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố có nguyên nhân do các Phòng Y tế, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn, không hoàn thành nhiệm vụ.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Gia Lai, Trưởng đoàn giám sát Dương Văn Tuấn đánh giá: Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân còn nhiều bất cập và lúng túng nhất là đối với cấp huyện. Phòng Y tế ở nhiều huyện, thị xã, thành phố chưa nắm vững chức năng, nhiệm vụ của mình hoặc né tránh, không muốn va chạm, chậm cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan, cho nên công tác tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố chưa tích cực, thiếu kiên quyết dẫn đến còn nhiều cơ sở hành nghề y, dược tư nhân vi phạm mà không được kiểm tra, uốn nắn, nhắc nhở và xử phạt theo đúng thẩm quyền. Cho đến thời điểm giám sát, các huyện: Chư Sê, Ia Pa, Đức Cơ, Chư Pah và huyện Phú Thiện, có thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đi kiểm tra chưa nhiều, công tác giám sát hậu thanh tra, kiểm tra còn bị bỏ ngỏ.

Qua thực tế kiểm tra, nhiều kiến nghị được đề ra, trong đó kiến nghị Sở Y tế cần siết chặt công tác quản lý, chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất và xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục Luật Khám bệnh - chữa bệnh, Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân để nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, chủ cơ sở hành nghề và người dân. Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ làm việc với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố để có văn bản quy chế phối hợp, phân cấp rõ ràng hơn trong quản lý hoạt động y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh; nhất là phân công trách nhiệm, quyền hạn của phòng Y tế trong việc chủ động thực hiện và tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm quản lý tốt hơn hoạt động y tế ngoài công lập trên địa bàn.

Bài và ảnh: PHAN HÒA

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/27207902-bat-cap-trong-quan-ly-hoat-dong-cac-co-so-y-te-tu-nhan-tai-tinh-gia-lai.html