Bảo hiểm y tế cho bệnh viêm gan C: Bộ thông, Sở… tắc!

PN - Dù Bộ Y tế đã chấp thuận đưa một số loại thuốc điều trị viêm gan siêu vi C vào danh mục bảo hiểm y tế, nhưng đến nay, sau gần bốn tháng thông tư ban hành, vẫn chưa có bệnh nhân nào được bảo hiểm y tế chi trả. Nhiều bệnh nhân tiếp tục “gồng mình” bỏ ra hàng trăm triệu đồng điều trị mỗi năm.

Có bảo hiểm cũng như không

Sau khi nghe nhân viên nhà thuốc thông báo: “Bà Lê Th. Đ., 48 tuổi, quê Cà Mau đóng 17,413 triệu đồng cho bốn ống thuốc chích Pegasys 180mcg và 56 viên Ribazole”, một phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ thẫn thờ: “Cô ơi, sao đắt vậy?”. Sau khi nhân viên này giải thích, thuốc điều trị viêm gan siêu vi C (viết tắt là viêm gan C) chưa được BHYT thanh toán, người phụ nữ này chậm chạp rút toa lại và lẳng lặng ra về.

Ngồi lủi thủi trong góc phòng khám của Đơn vị khám Gan, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ông Nguyễn Chí L., 60 tuổi (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc: “Tôi có thẻ BHYT hơn 30 năm nay, bây giờ về hưu được BHYT đồng chi trả đến 95%. Từ trước tới giờ, tôi chưa dùng đến thẻ BHYT, bây giờ mắc bệnh viêm gan C thì lại không được BHYT hỗ trợ. Lương hưu mỗi tháng có 2,7 triệu đồng, nhưng tôi phải gồng một tháng đến 20 triệu đồng để mua thuốc điều trị. Thậm chí, để tiết kiệm tiền chữa bệnh, tôi phải tự mua thuốc về chích chứ không dám thuê y tá. Nhiều bệnh nhân (BN) mắc bệnh như tôi đã phải bán tháo đồ đạc, nhà cửa hoặc bỏ điều trị chỉ vì không có tiền”.

Chị Ng. thất thần khi cầm đơn thuốc điều trị viêm gan C

Cầm đơn thuốc điều trị viêm gan C trên tay, chị Nguyễn Võ Bích Ng., 38 tuổi (giáo viên cấp II, quê Vĩnh Long) than: “Tôi mua thẻ BHYT hơn 16 năm nay cũng như không, bị bệnh này chẳng được chi trả đồng nào. Mới uống có 10 tháng, với 44 ống Pegasys 180mcg và thuốc Ribazole đã hết 200 triệu đồng. Thuốc trị viêm gan C quá đắt, trước đây mỗi ống lên đến năm triệu đồng, sau đó giảm dần và bây giờ còn 4,128 triệu đồng. Chỉ một ống Pegasys đã bằng lương một tháng của vợ chồng tôi, trong khi một tuần tôi phải chích một ống này rồi. Trước đây không có tiền điều trị, tôi liều uống thuốc Nam. Thấy vậy, bốn đứa em làm ở Sài Gòn gom tiền lại giúp đỡ, sắp tới, không biết sẽ xoay xở thế nào”.

Trên thực tế, cả nước có khoảng 4,5 triệu người đang mắc bệnh viêm gan C, trong đó, đa số BN phải chật vật với chi phí điều trị. TS-BS Lê Mạnh Hùng - Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - giải thích, những BN bị viêm gan C phải tốn ít nhất từ 10 - 20 triệu đồng mỗi tháng để điều trị, phác đồ điều trị kéo dài từ 6 - 12 tháng, vị chi mỗi năm cũng ngốn từ 100 - 200 triệu đồng. Có nhiều BN rất nghèo, không có tiền để điều trị; nếu không được điều trị, BN dễ chuyển sang biến chứng: xơ gan, ung thư gan và tử vong.

Các bệnh viện chậm trễ?

Trao đổi về việc chậm trễ thực hiện thanh toán BHYT cho BN viêm gan C, bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - khẳng định, đúng là ngày 11/7/2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2011/TT-BYT về việc quyết định đưa một số loại thuốc điều trị viêm gan C vào danh mục BHYT và thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2011. Cụ thể, quỹ BHYT sẽ thanh toán đối với một số thuốc có hoạt chất Interferon và Peginterferon trong điều trị viêm gan C. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện thanh toán chi phí thuốc điều trị viêm gan C vẫn chưa triển khai là do cơ quan thẩm định (Sở Y tế) vẫn chưa báo cáo cho BHYT về phác đồ điều trị bệnh viêm gan C. Mặt khác, với các loại thuốc điều trị viêm gan C nằm trong danh mục BHYT, đòi hỏi các BV phải đấu thầu hay áp thầu (không thực hiện đấu thầu nhưng mua theo kết quả đấu thầu của các BV công lập khác), chứ không để người bệnh tự mua bên ngoài thị trường, rồi yêu cầu BHYT chi trả. Để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như tránh không lãng phí thuốc, đòi hỏi các BV phải thực hiện đúng phác đồ chung, cần xem xét đối tượng nào mới được điều trị, có đúng liệu trình hay không.

BS Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM - cho biết, Sở Y tế cũng mới vừa nhận được phác đồ điều trị viêm gan C từ các BV gửi lên, do đó, để đưa ra phác đồ cuối cùng cần phải có hội đồng chuyên về bệnh viêm gan C thẩm định, sau đó, sẽ thông báo với BHYT về một phác đồ thống nhất. Thế nhưng, Sở Y tế cũng chưa thể trả lời chính xác khi nào hoàn thành xong phác đồ này.

Trong khi đó, theo các bác sĩ điều trị viêm gan thì phác đồ điều trị viêm gan C tại Việt Nam giống như phác đồ điều trị của các nước khác, đã có từ rất lâu. Do đó, việc lập phác đồ chung rất nhanh. Về việc thực hiện thanh toán BHYT cho người bệnh, BS Hùng băn khoăn, hiện danh mục thuốc của BHYT chỉ “đề cử” tên hai hoạt chất là Interferon và Peginterferon; trong khi có rất nhiều loại thuốc thương mại có hoạt chất này, với giá cả rất chênh nhau. Vì vậy, BHYT cần có hướng dẫn cụ thể, các BV được phép đấu thầu các loại thuốc nào, với giá bao nhiêu. Đồng thời, BHYT phải cụ thể việc thanh toán bao nhiêu phần trăm cho người bệnh. Hiện, chi phí điều trị trung bình cho mỗi BN viêm gan C khoảng 100 - 200 triệu đồng/năm, vậy BHYT có chấp nhận đồng chi trả như luật BHYT hiện hành không, hay chỉ chấp nhận một mức nhất định?

Bên cạnh đó, BHYT cũng cần lưu tâm đến việc cho phép những BV nào được kê toa thuốc điều trị viêm gan C, chứ không thể triển khai tràn lan.

Có quá nhiều rào cản mà hậu quả là các BN phải tiếp tục chờ!

Văn Thanh

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư bổ sung ba bệnh vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Như vậy, hiện có 28 bệnh nằm trong danh mục này. Ba bệnh nghề nghiệp được bổ sung gồm: bệnh nhiễm độc Cadimi nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân và nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Người lao động đã được giám định là mắc các bệnh nói trên sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2012.

Trúc Khuê

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2011/Pages/bao-hiem-y-te-cho-benh-viem-gan-c-bo-thong-so-tac.aspx