Bằng lăng rừng trổ bông

Đó là loài cây thuộc giống bản địa, mọc rải rác khắp sườn đồi, núi vùng Bảy Núi.

Mùa bằng lăng rừng trổ bông thường diễn ra từ tháng sáu đến tháng bảy âm lịch, cư dân sở tại hay gọi là đầu mùa mưa. Đây cũng là lúc cây rừng xanh tươi, khí hậu trở nên mát mẻ, sắc màu bằng lăng như tô thắm thêm vẻ đẹp núi rừng hùng vĩ.

Từ loài cây hoang dã…

Đứng trên điện Tàu Cau hay đồi Ma Thiên Lãnh, phóng tầm nhìn theo vách núi Dài lớn, lướt qua Ô Cây Chương, vồ Cỏ Sả; rồi Ô Tà Sóc, Thổ Phi… đâu đâu cũng thấy xuất hiện những cây bằng lăng rừng trổ bông xum xuê. “Bông hoa rừng mà, đâu ai chăm sóc. Hễ mưa xuống thì trổ bông liền. Sau nắng hạn dài ngày, gặp mưa cây rừng cũng trở lại xanh” – ông Nguyễn Văn Tính (cư dân Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, Tri Tôn) nói vui. Bằng lăng rừng không giống dưới đồng bằng, bông chùm, cánh to màu hồng phấn, điểm vàng nhạt… trông rất lạ, chẳng khác nào như những cành phong lan!

Bằng lăng rừng trổ bông

Rừng phòng hộ đồi, núi cần nhiều loài cây để gây ra nhiều tầng tán, ổn định môi trường sinh thái và tạo nên vẻ đẹp cảnh quan núi non. Trong đó, cây bằng lăng góp phần bảo vệ đồi đất dốc, chống xói mòn rất tốt. Khi rừng được giao khoán, nhiều chủ rừng tiếp tục bảo tồn và cây bằng lăng trở thành nguồn tài nguyên. “Cây bằng lăng rừng hình như thuộc nhóm gỗ loại III, giá trị tốt hơn so với bằng lăng dưới đồng bằng. Nuôi dưỡng lâu năm, mình xài vẫn tốt như thường” – ông Trần Văn Thuận (ấp Pô Thi, xã An Cư, Tịnh Biên) tỏ ra hiểu biết.

Xung quanh đồi Tà Pạ, kẹt Cần Đước, vách núi Cô Tô… bằng lăng vô số kể, rất nhiều cỡ, mùa trổ bông lại xen kẽ với màu xanh cây rừng, giống như bức tranh tuyệt tác. Ông Chau Sưng (ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, Tri Tôn) cho hay, nói đến bằng lăng rừng thì ai cũng nghĩ ngay tới Tây Nguyên, nhưng ít người để ý trên vùng Bảy Núi cũng có loài cây này. “Cây rừng đâu ai trồng, mọc tự nhiên thôi. Hổng ai chặt phá, tất nhiên sinh sôi nảy nở” – ông Chau Sưng cười tươi. Thật ra, hồi thời kỳ còn khó khăn, chẳng ai quan tâm làm gì nên cứ để cây mọc tự nhiên.

… Đến việc trồng phân tán

Cư dân xứ núi cho biết, cây bằng lăng rừng dễ trồng và chịu hạn rất tốt, có thể dùng làm cây cảnh và bonsai cũng hấp dẫn. Do vậy, đối với các khu dân cư, khu đô thị, trung tâm hành chính… cũng thấy xuất hiện bằng lăng rừng. Theo ông Phạm Văn Ngon, Chủ tịch UBND thị trấn Tịnh Biên, hàng năm trên địa bàn trồng khoảng 1.000 cây xanh phân tán, trong đó có bằng lăng rừng, góp phần làm đẹp các khu dân cư và đô thị Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Công tác bảo vệ rừng và kết hợp trồng cây phân tán trở thành việc làm thường xuyên.

Bằng lăng rừng trồng phân tán

Trên tuyến Tỉnh lộ 948 từ Nhà Bàng qua Tri Tôn và Quốc lộ 91 từ Nhà Bàng ra Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, bằng lăng trồng rải rác hai bên đường, tạo ấn tượng đẹp với người hành hương và du khách tham quan vào mùa trổ bông. Rồi, trên tuyến Hương lộ 17A và 17B cũng cuốn hút với những cây bằng lăng đầu mùa mưa. “Bằng lăng dưới đồng bằng thường trổ bông vào mùa khô, còn vùng cao có trễ hơn đôi chút, gác đầu mùa mưa, do ảnh hưởng thời tiết và khí hậu núi non, nhưng bông rất tươi, mang tính đặc trưng” – ông Đỗ Văn Hùng (ấp Sóc Tức, xã Lê Trì) giải thích.

Dưới miệt đồng bằng, dân gian thường khoái khẩu đọt bằng lăng ăn với bánh xèo, hay xào chuột, hoặc xào cóc và nhái. Người ta gọi đó là bằng lăng tím, hay bằng lăng nước. Còn bằng lăng rừng, đọt non có vị chát hơn, không quen ít ai chịu dùng. Thế nhưng, bông bằng lăng rừng thì mọi người đều thích, bởi sắc độ và kiểu bông cũng khác. Ông Lưu Thành Đạt (khóm 1, thị trấn Chi Lăng) cho biết, trồng bằng lăng rừng được nhiều cái lợi, như gây bóng mát và đến khi cây có tuổi, có thể chế biến tủ, bàn, ghế. Độc đáo nhất, bước sang tháng sáu và tháng bảy, bằng lăng rừng trổ bông rất đẹp.

“Cây bằng lăng tên khoa học là Lagerstroemia speciosa, có nguồn gốc từ Đông Nam Á, Ấn Độ và các nước nhiệt đới khác. Bằng lăng có nhiều loại: Bằng lăng năm mảnh, bằng lăng láng, bằng lăng ổi, bằng lăng nhiều hoa… Ngoài hoa tím, còn có màu đậm, lợt trắng, hồng, đỏ… trông rất hấp dẫn”

Bài, ảnh: TRỌNG ÂN/Báo An Giang Online

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bang-lang-rung-tro-bong-post172120.info