Bài 7: 55 năm hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân

(BVPL) - Sau khi được thành lập, phải vừa lo xây dựng hệ thống tổ chức, vừa triển khai hoạt động phục vụ các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước đề ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã coi trọng việc khai thác và vận dụng những kinh nghiệm của Viện công tố về đấu tranh chống tội phạm cũng như về xây dựng Ngành; tham khảo kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô cũ, từng bước xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân.

Từ năm 1960 đến năm 1975, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần thiết lập, củng cố và tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Ngành, hợp tác với các cơ quan tư pháp, công tố của các nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia và tăng cường hợp tác, trao đổi học hỏi kinh nghiệm với các cơ quan tư pháp các nước trên thế giới. Ngay từ năm 1960, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất với Chính phủ mời chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam giảng dạy khoa học pháp lý cơ bản cho cán bộ 3 ngành tư pháp trong thời gian 2 năm, gồm các cán bộ chủ chốt của các cơ quan tư pháp ở cấp tỉnh và chuyên viên ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cùng một số ngành Công an, Nội chính, Phủ Thủ tướng, Bộ Ngoại giao.

Năm 1961, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã dẫn đầu Đoàn cán bộ sang tham quan, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm tại Viện kiểm sát Liên Xô và Viện kiểm sát Trung Quốc. Năm 1962, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử 49 cán bộ đi học 2 năm ở Trường Tư pháp, 5 đồng chí đi học ở Liên Xô.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm sát trưởng Viện kiểm sát tối cao Liên Xô Ru-đen-cô

Năm 1963, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đón Đoàn đại biểu Viện kiểm sát Liên Xô do đồng chí R.A.Rudenco, Tổng Kiểm sát trưởng dẫn đầu và Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc do đồng chí Trương Đỉnh Thừa, Viện trưởng làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đoàn đại biểu Viện kiểm sát Liên Xô và Đoàn đại biểu Viện kiểm sát Trung Quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và chụp ảnh lưu niệm. Đồng chí Rudenco khẳng định kết quả mà Viện kiểm sát Việt Nam đạt được là hết sức to lớn, nhất là trong lĩnh vực kiểm sát chung, đồng thời cũng khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở để xây dựng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, góp phần củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa và tạo điều kiện cho cơ quan kiểm sát làm việc được dễ dàng. Đoàn đại biểu Viện kiểm sát Trung Quốc đã hội đàm, trao đổi về nhiệm vụ, đường lối công tác và tổ chức của Viện kiểm sát Trung Quốc, quan điểm xử lý đối với một số loại tội phạm ở Trung Quốc. Đây là những dấu mốc quan trọng cho quá trình quan hệ hợp tác quốc tế và mở rộng đối ngoại của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1965 đến năm 1975, là thời kỳ cả nước có chiến tranh, miền Bắc vừa phải trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa phải ra sức chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Trong giai đoạn này, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn chủ trương từng bước mở rộng quan hệ hợp tác tương trợ giữa Viện kiểm sát Việt Nam với Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các năm 1972, 1973, mỗi năm Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử 1 Đoàn cán bộ sang thăm và làm việc, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm công tác kiểm sát tại Cộng hòa dân chủ Đức.

Từ năm 1976 đến năm 1986, quan hệ đối ngoại của Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn tiếp tục từng bước phát triển trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp đã có giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam với Viện kiểm sát tối cao của một số nước xã hội chủ nghĩa nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát Việt Nam và quan tâm giúp đỡ một số nước láng giềng anh em trong đấu tranh chống tội phạm và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong thời gian này (1975-1986), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức cho 8 Đoàn đại biểu của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam đi thăm, làm việc, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp nước ngoài; đồng thời tổ chức đón tiếp, làm việc với 5 Đoàn đại biểu của Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp nước ngoài đến thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam. Trong đó có một số Đoàn ra, Đoàn vào đã đem lại hiệu quả tốt như:

- Đoàn đại biểu cấp cao của Viện kiểm sát tối cao Cộng hòa dân chủ Đức, do Viện trưởng Josef Streit dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Cộng hòa dân chủ Đức đã ký kết Nghị định thư về việc tiếp tục hợp tác giữa Viện kiểm sát tối cao hai nước (1979).

- Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam do đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát của các nước xã hội chủ nghĩa ở Xô-phi-a, Bun-ga-ri (1979).

- Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam, do đồng chí Trần Hữu Dực, Viện trưởng dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Viện kiểm sát tối cao Liên Xô (1980). Trong chuyến thăm và làm việc lần này hai bên đã thống nhất: Viện kiểm sát tối cao Liên Xô giúp Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ từ 1981 đến 1985; mỗi năm có 2 chuyên Liên Xô gia sang Việt Nam để giảng dạy và mỗi năm Viện kiểm sát Việt Nam gửi 20 cán bộ sang học tại Trường bổ túc cán bộ lãnh đạo của bạn ở Mát-xcơ-va, 15 cán bộ học tại Trường bổ túc dự thẩm ở Lê-nin-grát, 15 cán bộ học tại Phân hiệu của Trường bổ túc cán bộ lãnh đạo tại Khắc-cốp. Viện kiểm sát Liên Xô còn cung cấp cho ngành Kiểm sát Việt Nam hàng loạt va ly dự thẩm và 2 xe ô tô dự thẩm.

- Đoàn đại biểu Viện kiểm sát tối cao Liên Xô, do Tổng kiểm sát trưởng AM.Rêcuncốp dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Việt Nam (1983).

- Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao do đồng chí Trần Lê, Viện trưởng dẫn đầu đã đi dự Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa tại Mat-xcơ-va. Sau hội nghị, Đoàn có đi thăm và làm việc với Viện kiểm sát tối cao Liên Xô, với Viện kiểm sát tối cao Cộng hòa dân chủ Đức và với Viện kiểm sát tối cao Hung-ga-ri (1984). Tại Liên Xô, Tổng Kiểm sát trưởng Rê-cun-cốp đã thỏa thuận tiếp tục giúp Viện kiểm sát tối cao Việt Nam đào tạo cán bộ, mỗi năm 50 cán bộ kiểm sát sang học ở 3 trường của Viện kiểm sát tối cao Liên Xô từ 1985 đến 1990 như kế hoạch 1981- 1985 đã ký.

Từ năm 1987 đến năm 2009, các Nghị quyết của Đảng về công tác cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ rõ nhiều vấn đề cụ thể về đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp và tăng cường hợp tác quốc tế về công tác tư pháp. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ “Phải tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước trong thời kỳ mới, phải mở rộng quan hệ quốc tế về tương trợ tư pháp, về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội’. Nghị Quyết số 49-NQ/TƯ ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ nhiệm vụ về tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp là “Tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia. Tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Tăng cường sự phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố quốc tế với các tổ chức INTERPOL, ASEANPOL… với Cảnh sát các nước láng giềng và khu vực, với cảnh sát một số quốc gia có nhiều công dân Việt Nam sinh sống, lao động và học tập”. Trước bối cảnh tình hình trên thế giới diễn ra vô cùng phức tạp, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan vỡ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nỗ lực tìm hướng đi và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các cơ quan Kiểm sát và Công tố của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Trong thời gian này (1987-2009), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức cho 51 Đoàn đại biểu của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam đi thăm, làm việc, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, Viện Công tố, Cơ quan Tổng Chưởng lý và các cơ quan tư pháp nước ngoài; đồng thời tổ chức đón tiếp, làm việc với 46 Đoàn đại biểu của Viện kiểm sát, Viện Công tố, Cơ quan Tổng Chưởng lý và các cơ quan tư pháp nước ngoài đến thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam. Một số Đoàn ra, Đoàn vào đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế của Viện kiểm sát Việt Nam với các nước như:

- Đoàn đại biểu cấp cao Viện kiểm sát nhân dân tối cao do đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc với Viện kiểm sát tối cao Liên Xô (1987).

- Đoàn đại biểu cấp cao Viện kiểm sát nhân dân tối cao do đồng chí Lê Thanh Đạo, Viện trưởng làm Trưởng đoàn đi thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp và Cơ quan Tổng Chưởng lý In-đô-nê-xia (1996).

- Đoàn đại biểu cấp cao Viện kiểm sát nhân dân tối cao do đồng chí Hà Mạnh Trí, Viện trưởng dẫn đầu đã sang thăm chính thức và làm việc tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (1997).

- Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do Viện trưởng Khăm-pan Phi-la-vông dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam (1998).

Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận được 339 yêu cầu tương trợ tư pháp đến chủ yếu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Việt Nam và có số lượng lớn công dân Việt Nam sinh sống (Cộng hòa Séc, Ba Lan, Đức, Bê-la-rút, Nga, Pháp, Bun-ga-ry, Ca-na-đa, Trung Quốc, Hung-ga-ry, Hà Lan, Úc, Mông Cổ, Trung Quốc, Đài Loan...). Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp giải quyết hoặc tiếp nhận kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp loại này và gửi kết quả giải quyết cho các quốc gia yêu cầu, được phía nước ngoài đánh giá cao. Đối với những yêu cầu tương trợ tư pháp có nội dung phức tạp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và với quốc gia yêu cầu để đáp ứng một cách tốt nhất trong khả năng có thể… Về yêu cầu của Viện kiểm sát Việt Nam đối với phía nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực chủ động phối hợp với Đại sứ quán của các quốc gia được yêu cầu để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia đó thực hiện đầy đủ và nhanh chóng yêu cầu tương trợ tư pháp của phía Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp góp ý kiến vào các văn bản pháp luật liên quan đến tương trợ tư pháp với nước ngoài như: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật tương trợ tư pháp, Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp với An-giê-ri, Dự thảo Hiệp định về dẫn độ với Ôt-xtơ-rây-lia, chuẩn bị các thủ tục để báo cáo, xây dựng và đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Ôt-xtơ-rây-lia,…

Ngày 26/9/2006 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 121/QĐ-VKSTC-V9 thành lập Vụ Hợp tác quốc tế. Vụ Hợp tác quốc tế chính thức đi vào hoạt động từ ngày 05/1/2007 với chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý Nhà nước về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Trong giai đoạn này (1987-2009), Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 6 dự án quốc tế (Dự án VIE/02/015 về hỗ trợ thực thi chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 do UNDP, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Ai Len tài trợ, Dự án EU về hỗ trợ thể chế do Liên minh Châu Âu tài trợ; Dự án DANIDA về hỗ trợ cải cách pháp luật và tư pháp giai đoạn 3 do Đan Mạch tài trợ; Dự án STAR do Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ; Dự án JICA về hợp tác kỹ thuật về cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ và Dự án AUSAID hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực đối thoại về nhân quyền với Ôt-xtơ-rây-lia). Từ nguồn kinh phí của Dự án đã hỗ trợ việc nghiên cứu xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Ban Quản lý dự án tổ chức cho các Đoàn đại biểu cấp cao đi nghiên cứu về tố tụng hình sự ở nước ngoài, các khóa học bồi dưỡng chuyên sâu về tố tụng hình sự cho 160 Kiểm sát viên cấp huyện và hơn 100 cuộc hội nghị, hội thảo khoa học và tập huấn nghiệp vụ nhằm hỗ trợ xây dựng một hệ thống Cơ quan công tố hiện đại và chuyên nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật trong việc sửa đổi, bổ sung các luật, tăng cường năng lực cho cán bộ, Kiểm sát viên. Các hội nghị, hội thảo, tập huấn đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp cho Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng Ban Quản lý các Dự án quốc tế hoàn thành việc lắp đặt 450 bộ máy tính và thiết bị kèm theo cho các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân 64 tỉnh, thành phố (trong đó có 6 tỉnh, thành phố thí điểm trang bị đến Viện kiểm sát cấp quận, huyện và lắp đặt 187 bộ máy tính cho 187 Viện kiểm sát cấp huyện mới tăng thẩm quyền); tổ chức nhiều khóa đào tạo tiếng Anh cơ bản định hướng pháp luật và tiến hành thủ tục cho một số cán bộ Kiểm sát đi học Thạc sỹ tại Ôt-xtơ-rây-lia.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao CHDCND Lào tại Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào tổ chức tại Nghệ An năm 2009

Năm 2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đăng cai tổ chức hai sự kiện hợp tác quốc tế rất quan trọng không những của ngành Kiểm sát nhân dân mà con có ý nghĩa trong quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đó là:

- Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào từ ngày 05 đến 08/5/2009 tại tỉnh Nghệ An với sự tham dự của 120 đại biểu của ngành Kiểm sát 2 nước Việt Nam và Lào cùng các đại biểu của các cơ quan tư pháp ở Trung ương và tỉnh Nghệ An. Việc tổ chức thành công Hội nghị này đã tiếp tục khẳng định việc thực hiện có hiệu quả các cam kết hợp tác hữu nghị đã được ghi nhận trong các Biên bản Thỏa thuận hợp tác giữa Viện kiểm sát tối cao hai nước và tạo một diễn đàn nghiệp vụ để Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào có điều kiện, gặp gỡ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đánh giá khó khăn, thuận lợi trong công tác kiểm sát của mỗi tỉnh; tăng cường hợp tác hữu nghị và hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm khu ở vực vực biên giới hai nước. Tại Hội nghị, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và lào đã thống nhất định kỳ 2 năm một lần, Viện kiểm sát hai nước sẽ thay nhau luân phiên toor chức Hội nghị Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào. Đến nay đã tổ chức được 3 lần Hội nghị.

- Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 tại Hà Nội, từ ngày 23 đến 27/11/2009. Hội nghị có sự tham gia của 14 Đoàn đại biểu quốc tế đến từ Trung Quốc và các nước ASEAN với tổng số gần 100 đại biểu quốc tế. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu với hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của gần 150 đại biểu của ngành Kiểm sát nhân dân, khách mời và cơ quan báo chí trong nước. Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 tại Hà Nội với chủ đề “Tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”, Hội nghị đã bàn thảo và thống nhất những biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác trong việc thực hiện những yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa Cơ quan công tố các nước ASEAN và Trung Quốc để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực. Hội nghị tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng giữa các nước ASEAN và Trung Quốc có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực; khẳng định sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố, buôn bán người, buôn bán và vận chuyển ma túy, buôn lậu qua biên giới, tham nhũng, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao và các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác. Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 đã ra Tuyên bố chung Hà Nội gồm 9 điểm mà cơ quan Kiểm sát, Công tố của các nước ASEAN và Trung Quốc đều quan tâm. Trong đó có việc xem xét hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự để tạo điều kiện cho việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia trong khu vực và tăng cường hơn nữa việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm giữa Lãnh đạo cấp cao của Cơ quan công tố các nước ASEAN và Trung Quốc theo cơ chế song phương hoặc đa phương; tiếp tục tăng cường hợp tác về đào tạo chuyên gia, Công tố viên giữa Cơ quan công tố các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua những chương trình hợp tác đào tạo song phương hoặc đa phương.

Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2015, có một sự kiện quan trong về hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân là: Ngày 16/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 522d/NQ-UBTVQH13 phê chuẩn việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; trong đó có việc đổi tên Vụ Hợp tác quốc tế thành Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự.

Trong giai đoạn này các hoạt động về hợp tác quốc tế của Viện kiểm sát nhân dân như: Công tác lễ tân, đối ngoại; quan hệ song phương và quan hệ đa phương; tương trợ tư pháp về hình sự và thực hiện các dự án quốc tế đều được chú trọng và tăng cường.

Từ năm 2010 đến năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã liên hệ, tổ chức 81 Đoàn đi thăm, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài và đón 35 Đoàn vào của Viện kiểm sát, Viện Công tố và các cơ quan tư pháp của nước ngoài đến thăm và làm việc với Viện kiểm sát Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác giữa Viện kiểm sát Việt Nam với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước trên thế giới và trong khu vực.

Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức ký 11 Bản Thỏa thuận hợp tác với cơ quan Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước trên thế giới (với Viện Công tố bên cạnh Tòa án tối cao Vương quốc Căm-pu-chia, với Viện kiểm sát tối cao Hung-ga-ry, Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc, Viện Công tố tối cao Đan Mạch, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, Trường đại học Victoria của New Zealand, Viện kiểm sát tối cao Cu Ba, Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp, Tổng Viện kiểm sát Uzbekistan, Viện kiểm sát Liên bang Nga, Viện kiểm sát tối cao Cu Ba, Viện kiểm sát tối cao Mông Cổ và Viện kiểm sát tối cao Cu Ba).

Năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chính thức gia nhập Hiệp hội Công tố viên quốc tế và trở thành Thành viên chính thức của Hiệp hội. Trong năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ động tham gia các hoạt động của Hiệp hội Công tố viên quốc tế như: Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông lần thứ 9 tại Sydney, Ôx-tơ-rây-lia và Hội nghị thường niên và Đại hội Đại biểu lần thứ 19 của Hiệp hội tại Dubai - Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Từ năm 2009 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử các Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Viện kiểm sát và Viện Công tố thế giới tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần.

Sau khi Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực (01/7/2008), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai tập huấn Luật Trương trợ tư pháp cho các đơn vị trong toàn Ngành (năm 2009 và năm 2013), thành lập đơn vị chuyên trách làm công tác tương trợ tư pháp về hình sự trực thuộc Vụ Hợp tác quốc tế Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quy chế phối hợp giữa Vụ Hợp tác quốc tế và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trong việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự; tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật tương trợ tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân. Năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành đàm phán và ký tắt 02 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với 2 nước (Cộng hòa In-đô-nê-xia và với Nam Phi). Năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành đàm phán thành công và ký tắt Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước Australia; hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng Hiệp định Mẫu về tương trợ tư pháp hình sự, báo cáo Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng Hiệp định. Năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành ký tắt Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Tây Ban Nha và Cộng hòa Pháp; đàm phán vòng 1 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Căm-pu-chia. Từ năm 2010 đến năm 2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 303 hồ sơ và 651 công văn, yêu cầu tương trợ tư pháp từ nước ngoài chuyển đến; tiếp nhận, giải quyết 265 hồ sơ và 129 công văn của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp. Từ năm 2010 đến năm 2014, bằng nguồn kinh phí từ các dự án quốc tế, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức 157 cuộc hội thảo, hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho 16.500 lượt cán bộ, Kiểm sát viên của của các đơn vị trong toàn Ngành.

Trong năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chủ trương: Triển khai thực hiện tốt các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đã ký, đồng thời đổi mới và đẩy mạnh đàm phán, phấn đấu trong năm 2015 có thể ký kết được Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nhiều nước, nhất là các nước có đông Việt kiều và có quan hệ kinh tế quy mô lớn với Việt Nam. Đề xuất tổ chức ký các Hiệp định mới có sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò của cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự, trách nhiệm của thành viên Hiệp hội Công tố viên quốc tế; tăng cường hợp tác với các nước trong xây dựng pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tranh thủ các nguồn lực để xây dựng Ngành.
Có thể nói hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong 55 năm qua được tiến hành liên tục và có hiệu quả. Thành công đó trước hết là do chủ trưởng đúng đắn của các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan các thời kỳ, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ của các Bộ, ngành ở Trung ương cùng với sự nỗ lực phấn đấu của những người làm công tác hợp tác quốc tế trong ngành Kiểm sát nhân dân và sự phối hợp có hiệu quả của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao./.

Lại Hợp Việt
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/ong-kinh-kiem-sat/chan-dung-cong-to-vien/201507/bai-7-55-nam-hoat-dong-hop-tac-quoc-te-va-tuong-tro-tu-phap-ve-hinh-su-cua-vien-kiem-sat-nhan-dan-2431780/