Bài 6: Giương cao cờ nghĩa bảo vệ chủ quyền

Trung tuần tháng 1-1988, lợi dụng việc một số đảo và bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam chưa có người chốt giữ, Trung Quốc đưa 4 tàu, gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần dương, tàu dầu, tàu đổ bộ và một số tàu khác đến chiếm đảo Chữ Thập.

Cán bộ chiến sĩ Hải Quân làm lễ tưởng niệm

64 cán bộ chiến sĩ hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa 1988

Ảnh: Hoàng Long

Tiếp đó, họ đưa một lực lượng lớn gồm 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 khu trục tên lửa, 4 tàu bảo đảm đậu xung quanh đảo, khống chế không cho tàu thuyền nước ngoài qua lại để bảo vệ hòn đảo vừa chiếm được. Tháng 2-1988, Trung Quốc lại tăng thêm 4 tàu hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo xuống hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa, gây nên tình hình hết sức căng thẳng.

Lúc này, nhiệm vụ đóng giữ đảo của cán bộ, chiến sĩ các Lữ đoàn 146, 125 và Trung đoàn công binh 83 ngày càng trở nên nặng nề. Trung tuần tháng 2-1988, thực hiện mệnh lệnh của Sở Chỉ huy quân chủng, Lữ đoàn 125 đưa xà lan 07 ra giữ đảo. Trong khi đó tại Đá Đông, một đảo chìm rộng giữ vị trí quan trọng trong quần đảo Trường Sa, Sở Chỉ huy quân chủng lệnh cho tàu HQ-661 đưa lực lượng ra cắm cờ, canh gác; đồng thời lệnh cho tàu HQ-605 chở vật liệu, bộ đội chốt giữ đảo (vốn do Lữ đoàn 146 và lực lượng công binh của Trung đoàn 83 chốt giữ để hai lực lượng này ra xây dựng, bảo vệ). Đến tháng 3-1988, lực lượng Hải quân ta đã triển khai xây dựng xong thế trận phòng thủ trên các đảo Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Tiên Nữ và Đá Lớn, đưa tổng số đảo của ta đóng giữ lên 16, gồm 9 đảo nổi, 7 đảo chìm.

Trong khi đó, hải quân Trung Quốc sau khi chiếm giữ trái phép đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi cũng đang chuẩn bị chiếm thêm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ở khu vực Trường Sa và trên Biển Đông. Đầu tháng 3-1988, họ huy động lực lượng 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, bao gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ và một số tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, 1 tàu đo đạc, 1 tàu kéo và 1 xà lan lớn. Việc Trung Quốc đưa một lực lượng lớn tàu chiến, tàu vận tải đến hoạt động khiến tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa đã căng thẳng trở nên vô cùng căng thẳng.

Trước tình hình đó, 21 giờ ngày 13-3, Bộ Tư lệnh Hải quân ta chỉ thị cho các đồng chí Vũ Đức Thông (Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146), Vũ Huy Lễ (Thuyền trưởng HQ-505), Vũ Phi Trừ (Thuyền trưởng HQ-604) chỉ huy bộ đội quyết giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin. Tiếp đó, chỉ thị khẩn trương thả xuồng máy, thuyền nhôm, chuyển vật liệu làm nhà trên đảo ngay trong đêm ngày 13-3.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ các tàu có từ trước, khiêu khích đe dọa đòi ta rút khỏi Gạc Ma. 6 giờ sáng ngày 14-3-1988, Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo, tiến về phía cờ Tổ quốc ta đang tung bay. Ỷ vào quân đông, chúng xông lên giật cờ ta. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội chốt giữ Gạc Ma anh dũng giành lại cờ. Lính Trung Quốc giương lê đâm và bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông vào cứu đồng đội bị lính Trung Quốc xả súng bắn đã anh dũng hy sinh. Trước lúc hy sinh, Trần Văn Phương đã hô: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô đậm truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Noi theo tấm gương anh dũng chiến đấu của Trần Văn Phương, đồng đội của anh quyết tâm chiến đấu giữ đảo đến giọt máu cuối cùng.

Dùng lính thủy đánh bộ vẫn không uy hiếp được bộ đội ta rút khỏi đảo, 7 giờ 30 phút ngày 14-3, Trung Quốc đã dùng 2 tàu bắn pháo 100mm vào tàu HQ-604, làm tàu ta bị hỏng nặng. Trung Quốc cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPD, B40, B41 đánh trả quyết liệt, buộc binh lính đối phương phải nhảy xuống biển trở về tàu của họ. Pháo 100mm và các loại súng bộ binh của Trung Quốc đồng loạt vãi đạn về phía tàu và đảo của ta, làm tàu ta bị hỏng nặng, chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Trần Đức Thông cùng một số cán bộ, chiến sĩ của tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đảo Gạc Ma.

Tàu vận tải HQ-604 bị tàu chiến Trung Quốc nã pháo,

bắn cháy, đang chìm xuống biển ngày 14-3-1988

Ảnh: T.L

Tại đảo Cô Lin, 6 giờ sáng ngày 14-3, tàu HQ-505 đã cắm 2 lá cờ trên đảo. Khi tàu HQ- 604 của ta bị chìm, đồng chí Vũ Huy Lễ, Thuyền trưởng tàu HQ-505 ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi. Phát hiện tàu HQ-505 của ta đang cơ động lên bãi, hai tàu đối phương quay sang tiến công tàu HQ-505. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ-505 chạy hết tốc độ trườn lên được 2/3 thân tàu thì bốc cháy, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, bảo vệ chủ quyền đảo Cô Lin.

Ở hướng Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14-3, tàu Trung Quốc bắn dữ dội vào tàu HQ-605 của ta. Tàu HQ-605 bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15-3. Cán bộ, chiến sĩ phải rời tàu bơi về đảo Sinh Tồn.

Trong trận chiến ngày 14-3-1988, Hải quân ta bị Trung Quốc bắn cháy và chìm 3 tàu, 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam và vẫn giữ từ đó cho đến nay.

Các trận chiến đấu bảo vệ đảo ngày 14-3-1988 cho thấy, mặc dù so sánh lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta đã giương cao cờ nghĩa, dũng cảm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.

Ngày nay, các đoàn tàu của chúng ta từ đất liền ra thăm đảo Trường Sa vẫn thả hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ vững chắc vùng chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong trận chiến bảo vệ đảo ngày 18-3-1988. Nước mắt chúng ta rơi để tưởng nhớ các anh cũng là để không ngừng nêu cao cảnh giác trước những mưu đồ đen tối xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo của nước ta, gây mất ổn định trên Biển Đông. Khi đối phương đã có dã tâm thôn tính biển, đảo thuộc chủ quyền của Tổ quốc ta bằng mọi giá với mọi loại phương tiện, vũ khí hiện đại, từ hạng nhẹ đến hạng nặng, thì chúng ta bảo vệ biển, đảo không thể chỉ bằng việc giương cao lá cờ chính nghĩa và lòng dũng cảm. Chủ trương bảo vệ đảo bằng đối thoại và ngăn cản các hành động lấn chiếm của đối phương bằng sức người và sự hiện diện chủ quyền (cắm cờ) theo đúng luật quốc tế; chỉ sử dụng vũ khí bộ binh khi bị địch tiến công trước, như trong trận chiến bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ngày 14-3-1988 là thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Tình thế lúc đó buộc chúng ta phải chấp nhận như vậy. Đất nước chúng ta mới ra khỏi chiến tranh. Nền kinh tế của nước ta chưa kịp phục hồi. Đất nước ta vẫn đang bị cấm vận, chưa thể hội nhập kịp với thế giới nên sức mạnh trên biển, cả kinh tế lẫn quân sự, quốc phòng còn có hạn, không thể làm gì hơn, hỗ trợ, bảo vệ được hơn các chiến sĩ dũng cảm của ta đang kiên cường chiến đấu giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trước tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nóng bỏng như hiện nay đòi hỏi Quân đội ta, trực tiếp là Quân chủng Hải quân, Bộ đội biên phòng, Phòng không - Không quân, Lực lượng cảnh sát biển... phải được nhanh chóng xây dựng hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nhằm "bảo đảm vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cả ở đất liền, vùng trời, vùng biển và hải đảo”. Theo đó, trước mắt các lực lượng trên cần tập trung cải tiến nâng cấp một số vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có. Tiếp tục mua, đóng mới tàu chiến, tàu vận chuyển có tốc độ lớn, khả năng đi biển dài ngày trong điều kiện phức tạp, thậm chí thực hiện tác chiếm từ đáy đại dương… Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Hải quân nhân dân Việt Nam phải tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thông báo tình hình với hải quân các nước trong khu vực và một số nước có hải quân, ngành công nghiệp tàu biển phát triển. Đồng thời, cần tích cực hợp tác hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, phối hợp tuần tra chung, đào tạo-huấn luyện và tiến tới diễn tập chung để tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực.

Thu Trang

[Tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam]

[Bài 1: Truyền thống thạothủy chiến của dân tộc ta]

[Bài 2: Đằng giang tự cổ huyết do hồng]

[Bài 3: Rạch Gầm - Xoài Mút -

Trận thủy chiến lừng lẫy trong lịch sử Việt Nam]

[Bài 4: Hiếu Giang vang tiếng Bạch Đằng]

[Bài 5: Giải phóng và làm chủ biển, đảo của Tổ quốc mùa Xuân 1975]

[Bài 6: Giương cao cờ nghĩa bảo vệ chủ quyền]

[Bài 7: Để tránh họa ngoại xâm Dân phải giàu, nước phải mạnh]

đăng trong số báo ra ngày thứ hai 18-6-2012.

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51612&menu=1427&style=1