Ba đời chữa bệnh đau dạ dày, đại tràng

Lương y Nguyễn Tiến Phúc (ảnh)- Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Từ Liêm, Hà Nội là người may mắn đang sở hữu, kế thừa từ cha ông những bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày, đại tràng.

Lương y Nguyễn Tiến Phúc cho biết, những bài thuốc này trước đó ông nội đã truyền lại cho cha anh. Nhưng bài thuốc chữa đau dạ dày, hành tá tràng, thấp khớp ông nội anh lại được “Dân truyền”. Ông nội anh - cụ Nguyễn Văn Khản (sinh năm Đinh Hợi 1887) là con nhà nho, song gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, nên cụ Khản chỉ được đi học chữ và tự đọc sách thánh hiền chứ không được tham gia khoa cử. Bởi vậy, cụ Khản lập gia đình sớm, và một năm yên bề gia thất, cụ bà sinh được người con trai. Thật không may, hai năm sau cụ bà mắc phải một số căn bệnh mà thời đó được xem là nan y. Cụ bà bị đau dạ dày tá tràng cùng viêm thấp khớp cấp. Cụ đau ốm triền miên, cụ Khản dù đã dốc lòng tìm thầy, chạy thuốc song bệnh tình không hề thuyên giảm. Rồi cụ bà đã sớm ra đi bởi hai căn bệnh quái ác này. Chứng kiến sự đau đớn vì bệnh tật, bất lực trước cái chết dần mòn của người vợ, trong lòng cụ Khản đã nung nấu ý định sẽ theo nghề y với mong muốn những gì mình học được, trước hết là để chữa bệnh cho người trong gia đình, tiếp đến là bà con chòm xóm. Vì vậy, sau khi lo xong hậu sự cho cụ bà, cụ Khản đã lặn lội vào Hà Tĩnh học nghề thuốc từ một nhà sư. Người cha của lương y Phúc - ông Nguyễn Đình Chiêu (sinh năm 1926) là con người vợ sau của cụ Khản. Đúng năm ông Chiêu ra đời, cụ Khản bắt đầu bốc thuốc chữa bệnh. Ban đầu chỉ là cụ bốc thuốc giúp đỡ người quen thân. Người bị đau dạ dày và hành tá tràng, thấp khớp, được cụ Khản bốc thuốc uống mà khỏi. Nhiều người bị mất ngủ, nhờ uống thuốc của cụ mà ngủ được. Tiếng lành đồn xa, cụ trở thành thầy lang nổi tiếng khắp trong vùng. Ông Nguyễn Đình Chiêu từ nhỏ đã được tiếp xúc phụ giúp bố mẹ bốc thuốc hàng ngày. Cụ Khản ngày ấy nhận ra cậu con trai mình tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã tỏ ra là người có năng khiếu đặc biệt trong nghề bốc thuốc. Sau này, cụ Khản đã truyền lại toàn bộ những bài thuốc quý cho ông Chiêu. Nhưng lớn lên ông Chiêu vào bộ đội, và phải đến tháng 8-1971 khi nghỉ hưu ông mới thực hiện việc kế tục nghề thuốc của gia đình. Thời ấy, dược liệu khó khăn, đi lại không tiện lợi do đất nước vẫn còn chiến tranh. Trong hoàn cảnh ấy ông vẫn thân hành tìm kiếm cây thuốc. Mười năm ròng chuẩn bị khá đầy đủ về điều kiện chữa bệnh, năm 1981, ông Chiêu mới thực sự hành nghề tại thôn Phú Diễn (xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Từ đó nhiều người biết đến ông với cái tên trìu mến “Ông Lang Chiêu”. Những bài thuốc quý cùng việc chữa bệnh mát tay ông Lang Chiêu ngày càng được nhiều người dân biết đến. Lương y Nguyễn Tiến Phúc cho biết, những người bị bệnh phong thấp, gặp các triệu chứng như đau, tê dại, nhức mỏi các khớp lưng, khớp tay và khớp chân; có sưng nóng đỏ đau hoặc không sưng nóng đỏ ở các khớp tay và khớp chân, có thể dùng bài thuốc gồm có các vị: Thiên niên kiện, Kế huyết đằng, Đỗ trọng, Cốt toát bổ, Tỳ giải, Tần giao, Ngưu tất, Xuyên khung, Quế chi, Mật ong. Người bị viêm đại tràng co thắt và viêm đại tràng mãn tính, với các triệu chứng như đau bụng, sôi bụng, đầy hơi ở bụng dưới; đi ngoài phân không bình thường. Bài thuốc cho họ có các vị: Bạch truật, Hoàng bá, Trạch tả, Liên nhục, Ý dĩ, Kê nội kim, Mộc hương, Mật ong. Bài thuốc điều trị viêm, loét dạ dày - hành tá tràng, viêm loét bờ cong lớn, bờ cong nhỏ, viêm dạ dày cấp và mãn, viêm đại tràng (gặp các triệu chứng ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn; cảm giác khó chịu ở dạ dày; đi ngoài phân không bình thường) có các vị: Lá khôi, Bồ công anh, Khổ sâm, Chỉ thực, Ngải cứu , Củ gấu, Ô tặc cốt, Mật ong. Hồng Nhật

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=29502&menu=1425&style=1