Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đến cách mạng Việt Nam- qua nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại-Thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến phong trào cách mạng trên thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam, nói riêng.

Những ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rất đầy đủ và hướng phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đi theo. Nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung trong tác phẩm “Đường cách mệnh” và tác phẩm “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho dân tộc”. 1. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét một cách sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Ngavà ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đến cách mạng Việt Nam. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minhchỉ ra tính triệt để của Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có Cách mạng Tháng Mười Ngalà đã thành công và thành công đến nơi” (1). Nhận xét như vậy, vì trên cơ sở Người so sánh với các cuộc cách mạng trước đó (Cách mạng pháp, cách mạng Mỹ): “Cách mạng Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản. Cách mệnh không đến nơi…”(2). Tính triệt để hay “đến nơi”, theo Bác, chính là mức độ giải phóng cho nhân dân lao động, là chính quyền có thuộc về đông đảo quần chúng nhân dân lao động hay không. Người chỉ rõ, Cách mạng Tháng Mười Nga đến nơi vì: “…dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thực sự, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam” (3), còn cách mạng Pháp “không đến nơi” vì: “…tiếng là cộng hòa dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã bốn lần rồi mà nay công nông Pháp hãy còn phải mưu cách mệnh một lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức…”(4). Như vậy, tính triệt để của cách mạng Tháng mười Nga đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức một cách rất sâu sắc. Đó là, chính quyền thuộc về tay đại đa số quần chúng nhân dân lao động. Nếu chính quyền còn nằm trong tay “một bọn ít người”-bọn tư bản, thì cách mạng không triệt để, “chưa đến nơi”. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tính triệt để của một cuộc cách mạng còn thể hiện ở chỗ: giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột một cách triệt để và đem lại hạnh phúc, tự do và bình đẳng thực sự cho họ. Điều này, sau này, được Người thể hiện dưới dạng khát vọng lớn lao: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bực là làm sao nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (5). Nhận xét này của của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lóe sáng khát vọng về xã hội tương lai-xã hội XHCN. Từ nhận thức về tính triệt để của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga”. Khẳng định cách mạng Việt Nam theo cách mạng Tháng Mười Nga, Người cũng chỉ rõ bài học mà cách mạng này đã để lại cho cách mạng Việt Nam nói riêng, cách mạng thế giới nói chung. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người viết: “Cách mạng Tháng Mười Nga dạy cho chúng ta rằng cách mạng muốn thành công thì phải lấy quần chúng công nông làm gốc, phải bền gan, phải hy sinh, phải có Đảng vững bền. Tóm lại là, phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(6). 2. Trong tác phẩm “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho dân tộc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ những bài học quý của Cách mạng Tháng Mười Nga như sau: Một là, “Cần có sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân” (7). Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được Mác, Ăng ghen, Lênin khẳng định và trong Cách mạng Tháng Mười Nga Lênin đã vận dụng rất thành công. Nhận thức về vấn đề này, ngay từ tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Người đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp và bị áp bức dân tộc mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(8). Trong tác phẩm “ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho dân tộc”, Người chỉ rõ thêm: “chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng XHCN đến thành công” (9). Như vậy, Bác đã nhận xét chính xác về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, không những đối với cách mạng Tháng Mười Nga mà còn đối với cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng XHCN thế giới. Bài học về vai trò lãnh đạo của Đảng mà Người đã nhận xét là hoàn toàn đúng đắn, lịch sử Việt Nam, từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, là một minh chứng sống động cho điều đó. Hai là, “Thực hiện cho được liên minh công nông” (10). Liên minh công nông là một trong những bài học đã từng được công xã Paris-cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, kiểm nghiệm (một trong ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của công xã Paris). Và Cách mạng Tháng Mười Nga thành công có nguyên nhân cơ bản và quan trọng này. Nhận xét như vậy vì theo Bác: “…đó là sự bảo đảm chắc chắn thắng lợi cách mạng. Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cáh mạng dân tộc, dân chủ tiến lên CNXH” (11). Vận dụng bài học này vào Việt Nam, Người đã rất thành công khi xác định lực lượng cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng, nhưng trong khối đại đoàn kết đông đảo ấy phải lấy liên minh công nông làm gốc. Vận dụng một cách sáng tạo bài học kinh nghiệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc đề ra chiến lược, sách lược đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong khối đại đoàn kết đó, một mặt tập hợp được tất cả lực lượng yêu nước trong xã hội; mặt khác, giữ vững được bản chất giai cấp công nhân trong liên minh. Ba là, “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền” (12). Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, một phần, nhờ biết sử dụng bạo lực cách mạng hết sức khôn khéo. Trở lại lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga chúng ta thấy rằng việc sử dụng bạo lực cách mạng đúng lúc, đúng chỗ đã mang lại hiệu quả. Và đến ngày 7/11/1917 Cách mạng Tháng Mười Nga đã thành công. Quán triệt quan điểm của Lê nin và bài học cách mạng Tháng Mười Nga, Bác đã đề ra phương pháp cách mạng Việt Nam là: dùng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền. Bài học phương pháp bạo lực cách mạng, từ cách mạng Tháng Mười Nga, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng thành công vào Việt Nam mang lại những thắng lợi to lớn. Bốn là, “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản” (13). Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau khi đã giành được chính quyền, thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng, triệt để xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng các quan hệ sản xuất XHCN, xây dựng CNXH để tiến tới CNCS”. Bài học này đã được Người nhận thức đầy đủ và vận dụng thành công vào cách mạng Việt nam, điển hình như: sau cách mạng Tháng Tám (1945), Người đã lãnh đạo nhân dân xây dựng và củng cố chính quyền-công cụ thực hiện chuyên chính vô sản. Năm là, “Tinh thần cách mạng triệt để”. Đây là một trong những bài học thành công của Cách mạng tháng Mười Nga. “Tinh thần cách mạng triệt để”, theo Bác, một là tiến công kẻ thù một cách triệt để, hai là, thái độ tinh thần dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, không ngại gian khổ hy sinh-Người chỉ rõ: “luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, kiên quyết đấu tranh đến cùng vì độc lập dân tộc vì CNXH”(15). Vận dụng bài học này vào Việt Nam, Người chỉ rõ: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”-Cách Mạng Tháng Tám; “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”-Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; “chúng ta quyết không sợ…Không có gì quý hơn độc lập tự do”-kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sáu là, “Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản” (16). Bài học này được chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách khá nhuần nhuyễn vào cách mạng Việt Nam. Trong quá trình tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng XHCN, một mặt chúng ta tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, mặt khác chúng ta cũng thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế với các nước anh em (Lào, Campuchia, Trung Quốc…) và thế giới. Về bài học này, Người chỉ rõ: “…trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của của cách mạng vô sản, trong phạm vi toàn thế giới, cách mạng giải phóng dân tộc phát triển thành cách mạng XHCN thì mới giành thắng lợi hoàn toàn”(17). Lịch sử Việt Nam chứng minh nhận định trên của người là hoàn toàn đúng đắn. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với cách mạng Việt nam, nói riêng và cách mạng thế giới, nói chung. Một mặt cổ vũ tinh thần, mặt khác để lại những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về cách mạng Tháng Mười Nga. Từ đó, Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam theo con đường mà cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra bằng cách vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý và đưa cách mạng Việt Nam theo xu thế thời đại mà cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra. Và thực tế lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn trong nhận xét và vận dụng những bài học Cách mạng Tháng Mười Nga vào cách mạng Việt Nam của Bác. Chú thích: (1) HCM (1995), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 280 (2) Sđd, tập 2, tr. 274 (3) , (6) Sđd, tập 2, tr. 280 (4) Sđd, tập 4, tr. 161 (5) Sđd, tập 6, tr. 234 (7) , (9), (10) Sđd, tập 12, tr. 303 (8) Sđd, tập 12, tr. 267-268 (11), (12), (13) Sđd, tập 12, tr. 304. (14), (15), (16), (17) Sđd, tập 12, tr. 305.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=369246&co_id=30316