Ấn tượng từ ngôi chùa cố nhất Việt Nam

Cách Hà Nội khoảng 30 km, theo quốc lộ 5 về xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi chùa Dâu, ngôi chùa cổ nhất Việt Nam đang ngự tọa, chúng tôi được trải lòng với ngôi chùa khởi nguồn của đạo Phật tại nước ta.

chùa Dâu, ngôi chùa cổ nhất Việt Nam.

Tiền điện chùa Dâu nhìn từ ngoài sân (nguồn: Đỗ Thảo)

Chúng tôi ngỡ ngàng trước vùng đất mang đậm chất trữ tình, thơ mộng, trước không gian thanh tịnh của miền quê yên ả và trước những cổ tích của ngôi chùa. Chùa Dâu cổ kính, rêu phong, ẩn mình giữa những tán lá làm cho lòng người cảm giác tĩnh tại, thực mà mơ với bao huyền thoại về một xứ sở Kinh Bắc xưa.

Mái chùa mang đậm nét hồn hậu của miền quê Bắc Bộ (nguồn: Đỗ Thảo)

Chùa Dâu được xây dựng và hoàn thành từ thế kỉ III, là ngôi chùa lâu đời nhất và gắn liền với lịch sử văn hóa, phật giáo Việt Nam. Sau này vua Trần Anh Tông đã sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi kiến thiết lại thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Chùa mang nét kiến trúc phổ biến ở Bắc bộ, với bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính: tiền đường, thiêu hương, thượng điện và hậu điện.

Tượng La Hán trong chùa (nguồn: Đỗ Thảo)

Chúng tôi ấn tượng với những cổ tích của ngôi chùa, chùa Dâu gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương và tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), là biểu hiện sinh động sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật giáo khi mới du nhập.

Tượng Bà Dâu hay còn gọi là Pháp Vân (nguồn: Đỗ Thảo)

Tượng bà Đậu hay còn gọi là Pháp Vũ (nguồn: Đỗ Thảo)

Một trong những điểm nổi bật của chùa là những pho tượng cổ, đặc biệt là tượng Bà Dâu và tượng Bà Đậu. Tượng Bà Dâu (Pháp Vân), uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m được bày ở gian giữa. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc.. Tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) với những nét thuần Việt, đức độ, cao cả.

Toàn cảnh tháp Hòa Phong (nguồn: Đỗ Thảo)

Tượng con cừu đá trước cửa tháp Hòa Phong (nguồn: Đỗ Thảo)

Trong khuôn viên của chùa, có tháp Hòa Phong cao, đẹp và uy nghiêm như một nét chấm phá về mặt kiến trúc. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn, màu sẫm già, chân tháp vuông, có 4 cửa vòm. Trong tháp, treo một quả chuông đồng và một chiếc khánh cổ. Phía trước của tháp có tượng 1 con cừu đá, là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán. Tháp Hòa Phong nổi bật và uy nghiêm, gợi lên nét trang trọng của ngôi chùa, khiến cho ai đã đến thăm chùa thì không thể quên được:

Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Chuông đồng trong tháp Hòa Phong (nguồn: Đỗ Thảo

Khánh đồng trong tháp Hòa Phong (nguồn: Đỗ Thảo)

Những vết tích cổ xưa, nét kiến trúc đậm hồn Phật giáo, những câu chuyện li kì cuốn chúng tôi vào dòng suy nghĩ miên man về thiên thời, về cuộc sống, để bỗng thấy lòng mình nhẹ bẫng.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/khoa-hoc/an-tuong-tu-ngoi-chua-co-nhat-viet-nam-516541.bld