94 người thương vong do bão số 14

Bão số 14 (Haiyan) được cho là cơn bão mạnh nhất hành tinh. 22h đêm ngày 11-11 bão đã đổ bộ vào nước ta. Quét dọc ven biển miền Trung sau đó đổ bộ vào các tỉnh duyên hải phía Bắc lúc đã suy yếu nhưng sức tàn phá của bão Haiyan vẫn không kém gì hai cơn bão số 10 và 11. Theo thống kê, đã có 94 người thương vong do bão số 14.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, đến trưa ngày 11-11, do chủ động các biện pháp phòng tránh bão ngay từ đầu nên tỉnh Quảng Ninh không có thiệt hại về người. Các tuyến đê và tàu thuyền vẫn an toàn. Bước đầu xác định có 43 nhà bị đổ, 843 nhà tốc mái, 14 nhà bị ngập úng, 16 phòng học bị tốc mái, 16 chiếc tàu thuyền bị chìm (trong khu neo đậu); 2 cột ăng ten bị đổ, 3.360 m2nhà lưới và 279 ha hoa màu bị hư hỏng... Ước tính tổng thiệt hại về tài sản do bão Haiyan gây ra lên tới gần 100 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh đang nỗ lực khắc phục thiệt hại và sự cố do bão gây ra.

Hậu quả nặng nề do cơn bão Haiyan để lại

Ảnh: Trúc Sang

Tại Đồ Sơn, Hải Phòng – nơi được xác định là tâm bão Haiyan, theo đánh giá của lãnh đạo quận Đồ Sơn, những thiệt hại do bão gây ra là không đáng kể so với lo ngại ban đầu. Thống kê của UBND TP. Hải Phòng cho thấy, sau cơn bão, toàn thành phố có hơn 3.900ha hoa màu bị hư hỏng nặng. Riêng tại quận Đồ Sơn đã có 60ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều chòi canh bị hất mái và hơn 200ha trồng hoa màu và táo bị hư hỏng nặng. Trường tiểu học Vạn Hương và một nhà dân tại phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn bị đổ tường và bay mái.

Thủ đô Hà Nội cũng được dự báo nằm trong vùng bão. Tuy nhiên, thống kê của thành phố cho biết, không có thiệt hại đáng kể nào về người và tài sản. Chỉ có 19 cây xanh bị ngã đổ. Riêng tại Hà Đông có một cây cổ thụ trước số nhà 112 Trần Phú bị đổ, ảnh hưởng đến giao thông.

Ảnh:Trúc Sang

Tuy không gây thiệt hại về người nhưng theo Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt tỉnh Thái Bình, tính đến 10h ngày 11-11, bão Haiyan đã làm một số vị trí đê, kè trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, hư hỏng cục bộ như đê Nam Hà (đê cửa sông Hồng, huyện. Tiền Hải); đê, kè Vũ Lăng, Tây Lương (đê cửa sông Trà Lý, H.Tiền Hải); đê, kè Vũ Bình (đê Hồng Hà II, huyện Kiến Xương); đê Thụy Dũng (đê cửa sông Hóa, huyện Thái Thụy); kè Nhân Thanh, kè Vũ Đông (đê Hữu Trà Lý, TP.Thái Bình). Tỉnh Thái Bình có hơn 34 nghìn ha cây rau màu đã gieo trồng. Ước tính bão đã làm thiệt hại 70% số diện tích này. Một số diện tích đầm nuôi cá, tôm, cua phía ngoài đê biển Tiền Hải, Thái Thụy bị ngập, sạt lở, hư hỏng bờ bao. Bão cũng đã làm hai cột viễn thông của xã An Mỹ (huyện Quỳnh Phụ) đổ sập; tuyến cáp quang từ thị trấn Quỳnh Côi đến An Bài (Quỳnh Phụ) bị đứt.

Trong khi đó, Điện lực Thái Bình cho biết ảnh hưởng của bão khiến hệ thống điện của tỉnh gặp sự cố trên diện rộng. Đến 9h sáng ngày 11-11, hơn 40% đường dây trung thế của tỉnh đã được khắc phục, vận hành cấp điện trở lại.

Ảnh:Trúc Sang

Tuy cơn bão số 14 không ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) nhưng trong quá trình chằng chống nhà cửa, trưa 9-11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Ban (sinh năm 1965, ở thôn Hòa Bình, xã Duy Phước)không may bị trượt chân té ngã. Mặc dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nhưng do bị thương quá nặng nên đến sáng 10-11, ông Ban đã qua đời. Sáng 11-11, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cùng UBMTTQ huyện Duy Xuyên đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình ông Nguyễn Văn Ban và trao số tiền hỗ trợ 7,5 triệu đồng cho gia đình.

Tính đến thời điểm này, toàn quốc có 94 người bị thương vong do ảnh hưởng của bão Haiyan. Trong đó, có 13 người bị chết, 81 người bị thương. Nguyên nhân các nạn nhân tử vong, bị thương vì bão phần lớn là do chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối.

Nhanh chóng ổn định đời sống người dân

Sáng 11-11, sau một đêm túc trực chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp đánh giá bước đầu về tình hình thiệt hại do bão số 14, đồng thời chỉ đạo biện pháp khắc phục, ổn định đời sống người dân sau bão.

Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng, địa phương cần rút chỉ đạo, thống nhất ý chí hành động, sự đoàn kết trong các cấp, ngành và người dân, công tác cảnh báo, chủ động chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, tuân thủ các hướng dẫn, kiến thức phổ biến trong phòng chống mưa bão, đặc biệt là việc đánh giá, cập nhật lại các phương án phòng chống thiên tai. Về thiệt hại do bão gây ra, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, sớm ổn định đời sống.

N.Linh

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=71567&menu=1395&style=1