9 sân bay mới được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nằm ở các tỉnh nào?

Cục Hàng không Việt Nam thống nhất đề xuất bổ sung 9 sân bay mới, theo đó các địa phương phải tự lập kế hoạch và kêu gọi vốn đầu tư, không dùng vốn ngân sách.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về kết quả làm việc với 10 địa phương về đề nghị bổ sung quy hoạch các sân bay trên địa bàn vào Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cục Hàng không đề xuất xây 9 sân bay mới sau khi làm việc với 10 tỉnh

Cục Hàng không đề xuất xây 9 sân bay mới sau khi làm việc với 10 tỉnh

Tại các buổi làm việc với địa phương, ngoài đại diện Cục Hàng không Việt Nam, còn có đơn vị tư vấn lập quy hoạch, không lưu… để cùng địa phương rà soát, nêu kết quả nghiên cứu và đánh giá về khả năng quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.

Trên cơ sở đề xuất của địa phương, các điều kiện liên quan (kể cả điều kiện về có nhà đầu tư quan tâm), Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay mới tại các tỉnh: Hà Giang (sân bay Tân Quang), Yên Bái, Tuyên Quang (Na Hang), Hà Tĩnh, Kon Tum (Măng Đen), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hòa (Vân Phong), Đăk Nông, Tây Ninh.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị các địa phương trên lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.

Sân bay duy nhất trong đề xuất bị loại là Mộc Châu (sân bay thứ 2 của Sơn La, ngoài sân bay Nà Sản). Cục Hàng không Việt Nam lý giải, vị trí khu đất làm sân bay trong rừng quốc gia Mộc Châu có thời tiết không thuận lợi, mỗi năm có khoảng 5 tháng sương mù, ảnh hưởng đến khai thác dân dụng. Phía địa phương cũng thống nhất sân bay Mộc châu chỉ phục vụ chuyên dùng (bay du lịch, thủy phi cơ, trực thăng).

Trước đó, cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 sân bay, đến năm 2050 có 31. Quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương đề xuất bổ sung. Tại lần trình năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã loại hết các đề xuất của địa phương khỏi quy hoạch, chỉ lựa chọn bổ sung theo phương án đánh giá và chấm điểm của tư vấn.

Sau đó, nhiều địa phương nhận được đề nghị của các nhà đầu tư về làm sân bay tại địa phương mình nên sau đó đồng loạt kiến nghị lên Chính phủ. Chính phủ đã phải tổ chức riêng một cuộc họp với các địa phương muốn làm sân bay mới. Sau đó Bộ Giao thông Vận tải được giao tiếp tục rà soát lại lần cuối để xem xét và bổ sung quy hoạch, nếu đạt điều kiện trước khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch trên.

Để đưa sân bay vào quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra 6 tiêu chí, gồm: Sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không...); cự ly tiếp cận (100 km đối với sân bay đồng bằng và 200 km đối với sân bay miền núi).

Cả nước hiện nay có 22 sân bay được khai thác dân dụng. 6 sân bay dự kiến xây mới từ nay đến 2030 gồm: Long Thành, Phan Thiết, Quảng Trị, Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản. Đến năm 2050, thêm 3 sân bay được xây mới gồm: Cao Bằng, Hải Phòng và sân bay thứ 2 vùng thủ đô (dự kiến đặt ở đông nam Hà Nội).

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, con số 28 sân bay vào năm 2030 sẽ giúp nâng tổng công suất sân bay toàn quốc lên khoảng 283 triệu khách/năm, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100 km. Mật độ này được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là phù hợp với các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia...

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/9-san-bay-moi-duoc-cuc-hang-khong-viet-nam-de-xuat-nam-o-cac-tinh-nao-230172.html