82 năm Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết: Tự hào chặng đường vẻ vang

Với chiều dài lịch sử, truyền thống cách mạng và lực lượng vững mạnh có mặt trên khắp cả nước, xông pha trên mọi mặt trận, đội ngũ nhà báo, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tự hào với chặng đường vẻ vang 82 năm.

Chiều 22/1, được sự đồng ý của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết tổ chức sự kiện Gặp mặt kỷ niệm 82 năm ngày Truyền thống Báo Đại Đoàn Kết.

Quang cảnh lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Vinh

Tới dự lễ kỷ niệm có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phụ trách Báo Đại Đoàn Kết; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; GS Hoàng Chí Bảo; GS Lê Văn Lan,…

82 năm Ngày truyền thống Báo Đại Đoàn Kết (Cứu Quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết) là chặng đường lịch sử vẻ vang luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Báo Cứu Quốc là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, ra đời trong căn nhà nhỏ ở làng Xuân Kỳ (nay thuộc Sóc Sơn – Hà Nội). Tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu và cũng là người thầy mẫu mực của nền báo chí Cách mạng Việt Nam đã để lại một di sản báo chí quý báu. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng... Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta” và Người cho rằng “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Chính vì vậy, sứ mệnh của người làm Báo Đại Đoàn Kết vô cùng ý nghĩa, tự hào nhưng cũng đầy gian nan, thử thách.

Văn nghệ chào mừng. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều văn bản quan trọng của Việt Nam được đăng lần đầu tiên trên báo Cứu Quốc như Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Hiến pháp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa năm 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh,... Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã tham gia chỉ đạo, biên tập, viết bài tại Báo Cứu Quốc như Tổng Bí thư Trường Chinh, Xuân Thủy, Thép Mới,... cùng các văn sĩ hàng đầu của Việt Nam.

Năm 1950, Hội những người viết báo Việt Nam nay là Hội Nhà báo Việt Nam đã ra đời dưới sự chủ trì của nhà báo Xuân Thủy. Cứu Quốc là tờ báo ra đời thời tiền khởi nghĩa có đóng góp tích cực, quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là mạch nguồn của Báo Giải Phóng, Báo Đại Đoàn Kết sau này. Do đó, 82 năm là một dấu mốc tự hào.

Báo Đại Đoàn Kết với chiều dài lịch sử, truyền thống cách mạng và với lực lượng vững mạnh có mặt trên khắp cả nước, với đội ngũ nhà báo, phóng viên nhà báo luôn là những chiến sĩ xông pha trên mọi mặt trận, bám sát hơi thở của đời sống.

Tới tham dự lễ kỉ niệm, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu và ôn lại truyền thống của Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng để mỗi người làm Báo Đại Đoàn Kết thêm tự hào về báo, về những đóng góp của thế hệ những nhà báo đi trước, từ đó có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những truyền thống quý báu, xây đắp tờ báo ngày càng phát triển.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phụ trách Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng đoàn, Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã luôn nỗ lực đưa tờ báo vượt qua những khó khăn chung của đất nước, giữ vị thế của Báo Đại Đoàn Kết là tờ báo chính thống của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; khẳng định chỗ đứng trong làng báo chí Cách mạng Việt Nam.

Với đội ngũ những người làm báo, có nhiều kinh nghiệm, có tuổi trẻ và nhiệt huyết, hoạt động của Báo Đại Đoàn Kết ngày càng chất lượng, đạt nhiều giải thưởng uy tín. Báo Đại Đoàn Kết đang trở thành người bạn đồng hành của người dân, của đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể các cấp; là phương tiện để truyền tải chủ chương, thông tin của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: "Báo chí Việt Nam nói chung và Báo Đại Đoàn Kết nói riêng đang đứng trước các cơ hội và thách thức lớn. Chặng đường phía trước nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Chính vì thế, cùng với việc nâng cao chất lượng báo chí thì việc không ngừng cải tiến, đổi mới tất cả các ấn phẩm của báo là nhiệm vụ rất nặng nề, thử thách bản lĩnh, ý chí và năng lực của những người làm Báo Đại Đoàn Kết hôm nay.

Bên cạnh đó, Báo Đại Đoàn Kết phải luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, phải là kênh thông tin chính thống, hữu ích, tin cậy, từ đó khẳng định vị thế là tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Muốn vậy, trước hết những người làm Báo Đại Đoàn Kết phải không ngừng trau dồi bản lĩnh, nâng cao nhận thức, chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước về hoạt động báo chí, cùng chung mục tiêu đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến với bạn đọc trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Phải trở thành nơi gửi gắm niềm tin của tất cả những người Việt Nam yêu nước, khát khao xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng".

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ niềm chung vui với tập thể những người làm Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhấn mạnh lịch sử 82 năm vẻ vang của Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Thanh Lâm cho biết: "Báo Đại Đoàn Kết là một trong những tờ báo hàng đầu trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam cả về tuổi đời, uy tín. Với truyền thống 82 năm, Báo Đại Đoàn Kết đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam.

Uy tín, tên tuổi của tờ báo và những người làm Báo Đại Đoàn Kết qua các thời kì đã khắc họa và tạo dựng nên lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam. Chúng ta thực sự tự hào về truyền thống vẻ vang và rực rỡ của Báo Đại Đoàn Kết".

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho biết, ở bất kì thời kì nào, trong giai đoạn nào, tờ báo nào cũng có những khó khăn, thử thách đòi hỏi tờ báo, Ban biên tập và những người làm báo phải đối mặt. Đó là sự phát triển nhanh của công nghệ với các nền tảng truyền thông xuyên biên giới; là khó khăn của kinh tế báo chí khi cạnh tranh thông tin, quảng cáo, truyền thông bị thu hẹp; vấn đề quản lý đội ngũ phóng viên trong điều kiện nhu cầu thực tiễn luôn là thách thức, áp lực với những người cầm bút,…

“Với tên gọi Đại Đoàn Kết, Ban Tuyên giáo tin chắc rằng những giá trị của tờ báo sẽ luôn được bồi đắp, phát huy; những khó khăn nhất thời sẽ nhanh chóng qua đi khi tất cả cán bộ, người lao động của báo cùng nhìn về một hướng, cùng chung một niềm tin và cùng vì mục tiêu chung. Với tấm lòng nhân văn, nhân ái; phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, chắc chắn Báo Đại Đoàn Kết sẽ phát triển vượt bậc. Mỗi khi Đại Đoàn Kết là một khối thống nhất cả về ý chí và hành động thì Đại Đoàn Kết sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ”, ông Lâm bày tỏ.

Hướng tới kỉ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Lâm cũng đề nghị, món quà lớn nhất mà Báo Đại Đoàn Kết dành cho Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và bạn đọc chính là tính chuyên nghiệp, sự hiện đại và nhân văn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Trong suốt chặng đường 82 năm, đội ngũ những người làm báo Mặt trận – Báo Đại Đoàn Kết trên cả nước đang kỷ niệm dấu mốc quan trọng và tự hào 82 năm ngày Truyền thống Báo Đại Đoàn Kết (25/1/1942-25/1/2024). Trong không khí của ngày kỷ niệm, đội ngũ nhà báo, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đều hướng về thôn Xuân Kỳ (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) – nơi Báo Cứu Quốc, tiền thân Báo Đại Đoàn Kết ra số báo đầu tiên.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phụ trách Báo Đại Đoàn Kết và ông Lê Anh Đạt – Phó Tổng Biên tập Thường trực trao quà tri ân tới đại diện xã Đông Xuân – nơi được xuất bản số báo đầu tiên của Báo Cứu Quốc – tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh.

Đón nhận món quà của Ban tổ chức, ông Nguyễn Văn Quá, Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân chia sẻ, trong các giai đoạn lịch sử, Báo Cứu Quốc, Giải Phóng là cơ quan ngôn luận trung ương luôn đồng hành cùng nhân dân hoàn thành các chương trình cách mạng.

Giai đoạn đổi mới từ năm 1986 đến nay, Báo Đại Đoàn Kết đã đồng hành cùng Đảng, chính quyền Đông Xuân tham gia các chương trình phát triển kinh tế, là địa chỉ đỏ xây dựng truyền thống cách mạng, anh hùng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập và nói theo. Đặc biệt là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đều được Báo Đại Đoàn Kết quan tâm đồng hành hỗ trợ.

Trao kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Đại Đoàn Kết toàn dân tộc cho các cán bộ, nhà báo, phóng viên. Ảnh: Quang Vinh.

Trong hành trình vẻ vang 82 năm, Báo Đại Đoàn Kết với chiều dài lịch sử, truyền thống cách mạng và với lực lượng vững mạnh có mặt trên khắp cả nước, với đội ngũ nhà báo, phóng viên nhà báo luôn là những chiến sĩ xông pha trên mọi mặt trận, bám sát hơi thở của đời sống. Nhiều người trong số họ đã gắn bó với tờ báo hàng chục năm, những cống hiến, đóng góp của họ đã được sự ghi nhận của UBTƯ MTTQ Việt Nam với Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết phát biểu đáp từ. Ảnh: Quang Vinh.

Thay mặt Ban tổ chức, nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu đã tham dự sự kiện Gặp mặt kỷ niệm 82 năm ngày Truyền thống Báo Đại Đoàn Kết, sự có mặt của đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo MTTQ Việt Nam tại Trung ương và các tỉnh, thành phố và sự có mặt của các thế hệ những người làm Báo Đại Đoàn Kết qua các thời kì.

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/82-nam-cuu-quoc-giai-phong-dai-doan-ket-tu-hao-chang-duong-ve-vang-10271960.html