8 nhiệm vụ, 7 mục tiêu để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh

Trong Chương trình hành động của VCCI, đơn vị này đã đề ra mục tiêu nhằm hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, hàng đầu quốc gia.

Hôm nay (10-5), Hội nghị "Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới", đã được tổ chức tại Hà Nội.

Trước đó một ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66 chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết này đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Vẫn còn tiêu cực ở một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, hiệu quả hoạt động năng lực kinh doanh, kỹ năng quản lý còn hạn chế.

Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đặc biệt là đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của một bộ phận doanh nhân chưa cao, thậm chí vi phạm pháp luật.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh cần kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực ở một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp. Ảnh: VGP

"Có tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân cấu kết với cán bộ các cấp, nhất là cán bộ có chức có quyền thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản, nguồn lực của Nhà nước và của nhân dân; thậm chí là tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp" - ông Nghĩa phân tích.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đã đề ra.

Mặt khác, cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện; chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Mục tiêu hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho hay căn cứ vào bảy nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 41 và Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI đã đề ra tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cùng đó là cũng đã xác định những cơ quan, đơn vị nào sẽ phụ trách triển khai các nhiệm vụ.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói về tám nhóm nhiệm vụ giải pháp. Ảnh: X.Đ

Cụ thể, với nhóm nhiệm vụ thứ nhất là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.

Thứ hai, chủ động, tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

Ba là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Bốn là xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tiếp theo, tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sáu là nâng cao vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Cuối cùng, chủ động, tích cực tham gia quá trình thực hiện và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 41 của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh ủy, thành ủy.

Về mục tiêu, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết VCCI đã đề ra bảy mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một là, xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành hệ giá trị và các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Hai là, hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, hàng đầu quốc gia, có năng lực kinh doanh ngang tầm quốc tế, tiêu biểu về đạo đức, văn hóa kinh doanh.

Ba là, hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh cho 200.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp, tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân nữ, doanh nhân khởi nghiệp, doanh nhân trẻ.

Bốn là, hỗ trợ hội nhập, kết nối và xúc tiến hợp tác quốc tế cho 30.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp.

Năm là, xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp.

Sáu là tiếp tục triển khai Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) hàng năm.

Cuối cùng, vận động, thu hút 5.000 doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI).

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/8-nhiem-vu-7-muc-tieu-de-xay-dung-doi-ngu-doanh-nhan-lon-manh-post789929.html