8 bộ phim đình đám nhưng khiến khán giả hối hận vì... lỡ xem

Bên cạnh nhiều siêu phẩm điện ảnh, cũng có không ít bộ phim dở tới mức khán giả cảm thấy đã lãng phí thời gian và tiền bạc để ngồi xem chúng.

Có thể bạn quan tâm

1. Showgirls (1995)

Showgirls là phim xoay quanh Nomi (Elizabeth Berkley), một cô gái cá tính sở hữu một thân hình bốc lửa, muốn tới Las Vegas để đổi đời. Phim gây ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên với khán giả ra rạp nhờ poster đầy gợi cảm, quyến rũ đúng như cái tựa đề - Vũ nữ.

Tuy nhiên, trừ áp phích ra thì cả nội dung phim lại là một nỗi thất vọng. Thậm chí, phân đoạn được quảng cáo là cảnh yêu đương tuyệt vời nhất thế giới khi 2 diễn viên Elizabeth Berkley và Kyle MacLachlan đùa giỡn trong bể bơi còn bị khán giả nhận xét là "tưởng đang được xem phim Hàm cá mập”. Dĩ nhiên, phim đã "vinh dự" giành đến 7 giải Mâm xôi vàng năm 1995.

2. Batman & Robin (1997)

Nếu bạn coi nó là một bộ phim hài thì còn tạm chấp nhận được. Nhưng nếu bạn đang mong đợi một bộ phim siêu anh hùng xuất sắc thì Batman and Robin đúng là một trò hề. Robin quá già, Mr. Freeze lại quá cơ bắp và những câu bông đùa giữa họ thật khó để cười.

Bộ phim dở đến mức mà đạo diễn Joel Schumacher và hai diễn viên chính của bộ phim cũng muốn gạt nó ra khỏi sự nghiệp của mình.

3. Catwoman (2004)

Trang phục tồi tệ và sự bắt chước thiếu sáng tạo trong cách xây dựng cốt truyện giống như những bộ phim hạng B khiến Catwoman trở thành thảm họa trên màn bạc. Thậm chí, ngay cả những đường cong nóng bỏng của mỹ nhân da màu Halle Berry cũng không cứu nổi Catwoman.

Phim "vinh dự" nhận bốn giải Mâm xôi vàng năm 2005 và Halle Berry là một trong những ngôi sao hiếm hoi tới nhận giải. Cô cay đắng chia sẻ rằng: “Cảm ơn Warner Bros. đã đưa tôi đến bộ phim dở tệ khỉ gió này”.

4. Ghost Rider: Spirit of Vengeance (2012)

Từng là một ngôi sao sáng giá, nhưng Nicholas Cage không có duyên lắm với dòng phim siêu anh hùng. Cả hai phần Ghost Rider của anh đều bị đánh giá “thê thảm” về mặt chất lượng. Phần hai bị đánh giá còn tệ hơn phần một do sự “đầu voi đuôi chuột” trong khâu sản xuất. Máy quay cầm tay khiến người xem chóng mặt và phần kỹ xảo dở tệ khiến Ghost Rider: Spirit of Vengeance thực sự là một tác phẩm đáng quên toàn diện.

5. Mr. Jones (2013)

Mr. Jones được quảng cáo là bộ phim kinh dị được dựng theo phong cách "found footage", sử dụng các đoạn phim có thật được tìm thấy để làm sườn cho nội dung, nhằm tăng thêm độ chân thực. Ý tưởng không tệ, nhưng cách triển khai thì quá làng nhàng và nhạt nhẽo.

Phim cố tình khiến người xem tò mò, chú ý bằng việc “giả vờ nguy hiểm”, và giấu nhẹm thân thế hay sự thật về kẻ bí ẩn. Tuy nhiên, vì cách nhà làm phim gợi tò mò cho khán giả không đủ hấp dẫn, dẫn đến việc thay vì thắc mắc, khán giả chuyển qua... buồn ngủ. Thêm vào đó, góc máy thường xuyên rung lắc mạnh, cắt cảnh vô tội vạ... làm hình ảnh giật liên tục và hại mắt vô cùng, chứ chẳng tạo được chút cảm giác chân thực nào.

Tóm lại, Mr. Jones là một tác phẩm dở từ đầu đến cuối và khiến người xem có cảm giác xem hoài không thấy hết, dù trên thực tế nội dung chưa đến 90 phút. Để rồi cuối cùng, tác phẩm khép lại một cách khó hiểu. Người xem cuối cùng vẫn chẳng thể ngộ ra toàn bộ câu chuyện vì cách lý giải đầy mập mờ, cũng như cách nhà làm phim lồng ghép những câu nói nghe có vẻ hàn lâm, triết lý gì đó. Một bộ phim dở, người xem cũng chẳng còn tâm trí đâu mà ngồi ngẫm nghĩ mấy câu này.

6. Left Behind (2014)

Nếu bạn là một trong nhiều người sáng suốt khi không bỏ ra 2 tiếng đến rạp và ngồi xem Left Behind thì thật là tốt, bởi vì bộ phim này chẳng ra gì cả! Còn nếu bạn chưa tin, hãy nhìn vào những con số khủng khiếp như 3.1/10 trên IMDb hay 2% trên Rotten Tomatoes để hiểu đây là một mớ thảm họa lớn cỡ nào.

"Điểm sáng duy nhất là Left Behind làm được là cách tuyên truyền giật gân cùng lối diễn xuất dở tệ không phù hợp với một bộ phim giải trí", Lindsey Bahr phê bình trên tờ Entertainment Weekly. Ngoài ra, đây cũng là bằng chứng chứng tỏ sự nghiệp của tải tử Nicolas Cage đang bị lung lay trầm trọng khi đồng ý tham gia những phim như thế này.

7. Fifty Shades Of Grey (2015)

“Cảnh cao trào được xây dựng quá chậm và gây thất vọng vì thiếu độ chân thật lẫn sự căng thẳng cần thiết”, Sheri Linden của tờ Hollywood Reporter bình luận.

Ngoài chuyện giường chiếu, bộ phim hầu như không đề cập đến vấn đề nào khác, khiến khán giả ngồi trong rạp bị ru ngủ. Đặc biệt, cặp đôi chính Christian Grey (Jamie Dornan thủ vai) và Anastasia Steele (do Dakota Johnson thủ vai) của phim thì không có nhiều tương tác (tình cảm bị thúc đẩy, không tự nhiên) và hoàn toàn vô cảm khi diễn những cảnh sex BDSM. Thế nên, không khó hiểu tại sao 50 sắc thái bị tố chỉ là một bộ phim khiêu dâm rẻ tiền.

8. Fantastic Four (2015)

Đây là quả bom xịt mới nhất trong dòng phim siêu anh hùng và là cơn ác mộng với khán giả yêu điện ảnh. Ngay từ giai đoạn “trứng nước”, Fantastic Four khiến người hâm mộ không khỏi lo lắng vì những biến tấu quá xa so với nguyên tác (biến Human Torch thành người da màu, hạ thấp độ tuổi nhân vật...), cũng như mâu thuẫn liên miên giữa đạo diễn Josh Trank và nhà sản xuất. Hậu quả là Bộ tứ siêu đẳng bỗng trở thành “trò hề” khi ra rạp.

Do bị cắt dựng lộn xộn, chắp vá nên tiết tấu Fantastic Four mất hẳn tính ổn định. Các nhân vật hành động mà không có mục đích cụ thể. Sự thay đổi trong tâm lý, tính cách được thể hiện quá sơ sài, chỉ thông qua vài lời thoại đơn giản và thiếu thuyết phục. Hình ảnh kỹ xảo thô sơ thua cả phiên bản cũ. Phim thất bại tới mức tạo nên một làn sóng phẫn nộ yêu cầu Fox phải trả lại quyền chuyển thể Fantastic Four lên màn ảnh rộng về cho Marvel Studios.

Hà Linh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/dien-anh/8-bo-phim-dinh-dam-nhung-khien-khan-gia-hoi-han-vi-lo-xem-271536.html