7 món ăn bài thuốc chữa bệnh từ bách hợp

Bách hợp có tác dụng nhuận phế, trừ ho, định tâm, an thần, thanh nhiệt, lợi tiểu...; dùng chữa ho lao thổ huyết, hư phiền hồi hộp, tim đập mạnh, phù, thũng.

1. Đặc điểm của vị thuốc bách hợp

Bách hợp còn có tên gọi khác là cây tỏi rừng (Sơn Pha, Sơn Đông, Lạng Sơn). Tên khoa học Lilium brownii F. F. Br. var. colchesteri Wils. Thuộc họ Hành Alliaceae.

Bách hợp (Bulbus) là củ phơi hay sấy khô của cây bách hợp và một số cây cùng chi. Tên bách hợp là do chữ bách = trăm, hợp = kết lại các mảnh này kết hợp lại thành bó.

Cây bách hợp phát hiện ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tây Bắc, mọc hoang trên các đồi cọ Sapa (Lào Cai). Tại Trung Quốc cây bách hợp mọc hoang ở nhiều tỉnh (Hồ Nam, Tứ Xuyên, Triết Giang, Hồ Bắc, Giang Tô, Quảng Đông).

Vị thuốc bách hợp.

Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh, vị thuốc mới được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc bổ, thuốc chữa ho, ho có đờm, các chứng viêm khí quản, thổ huyết, chữa sốt, thần kinh suy nhược...

Ngày dùng 15 - 30g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.

Theo tài liệu cổ, bách hợp vị đắng, tính hơi hàn, vào hai kinh tâm và phế, có tác dụng nhuận phế, trừ ho, định tâm, an thần, thanh nhiệt, lợi tiểu; dùng chữa ho lao thổ huyết, hư phiền hồi hộp, tim đập mạnh, phù, thũng. Những người trúng hàn không dùng được.

2. Món ăn bài thuốc chữa bệnh có bách hợp

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh có bách hợp như sau:

2.1. Cháo đậu đỏ hạnh nhân bách hợp

Thành phần: Bách hợp 10g, hạnh nhân 4g, đậu đỏ nhỏ hạt 50g, đường trắng lượng thích hợp.

Cách chế biến: Nấu đậu đỏ đến khi đậu gần chín nhừ cho bách hợp, hạnh nhân vào nấu tiếp, thêm đường vừa ăn. Ăn điểm tâm buổi sáng.

Công dụng: Dùng cho người viêm khô khí phế quản gây ho khan lâu ngày.

Hạnh nhân kết hợp với bách hợp, đậu đỏ dùng cho người viêm khô khí phế quản.

2.2. Phổi lợn hầm đảng sâm bách hợp

Thành phần: Phổi lợn 200g, đảng sâm 15g, bách hợp 30g.

Cách chế biến: Tất cả các thành phần trên cho vào nồi, thêm nước hầm nhừ, bỏ bã thuốc, thêm muối mắm, gia vị vừa ăn.

Công dụng: Dùng cho người viêm khí phế quản mạn, ho tái lại dai dẳng lâu ngày. Chú ý bệnh nhân tăng huyết áp, mỡ máu nên dùng hạn chế.

2.3. Bách hợp kê tử thang

Thành phần: Bách hợp 7 củ, lòng đỏ trứng gà 1 cái hoặc trứng bao tử 1 quả.

Cách chế biến: Ngâm bách hợp trong nước 1 đêm hoặc 10 - 12 giờ, bỏ nước, thêm nước sạch đun sôi vớt bỏ váng. Cho lòng đỏ trứng gà vào khuấy đều, đun sôi lại rồi ăn như ăn canh súp.

Công dụng: Dùng cho người bệnh suy nhược cơ thể, mệt mỏi, thở không có lực.

Đảng sâm, bách hợp, phổi lợn kết hợp trong món Phổi lợn hầm đảng sâm bách hợp.

2.4. Nước ép bách hợp

Thành phần: Bách hợp tươi 100g.

Cách chế biến: Giã ép lấy nước uống, nếu bệnh nhân đi ngoài phân nát có thể cho thêm 1 lát gừng tươi vào ép cùng.

Công dụng: Dùng cho người bệnh phổi ho ra máu, đờm lẫn máu. Có thể sắc uống.

2.5. Cháo bách hợp

Thành phần: Bách hợp 30g, gạo tẻ 60g, đường trắng lượng thích hợp.

Cách chế biến: Cho gạo, bách hợp, nước vào xoong đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa hầm nhừ khoảng 30 phút, cho thêm đường trắng khuấy đều.

Công dụng: Dùng cho các trường hợp ho khan đờm dính ít, hồi hộp, đánh trống ngực, kích ứng, hốt hoảng.

Mật ong phối hợp với bách hợp có tác dụng an thần.

2.6. Bách hợp hấp mật ong

Thành phần: Bách hợp tươi 60g, mật ong 15ml.

Cách chế biến: Hấp chín, ăn trước khi ngủ.

Công dụng: Có tác dụng dưỡng phế âm, an thần, giải độc. Những người tinh thần mệt mỏi, hay buồn phiền, nóng nảy, khó ngủ và phụ nữ ở tuổi mãn kinh dùng rất thích hợp.

2.7. Bách hợp hầm hạt sen

Thành phần: Bách hợp 30g, hạt sen 30g, thịt lợn 250g.

Cách chế biến: Các vị trên hầm nhừ, ăn trong ngày.

Công dụng: Chữa mất ngủ, tâm thần bất an, trong lòng cồn cào như có lửa.

Kiêng kỵ: Người bị ho do phong hàn, tiêu chảy do hư hàn không dùng.

Mai Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/7-mon-an-bai-thuoc-chua-benh-tu-bach-hop-169240301164728688.htm