7 bước xoa dịu cơn ăn vạ của trẻ

Nếu không được ngăn chặn kịp thời, sự cáu giận của trẻ có thể trở thành thói quen. Cha mẹ có thể tham khảo 7 bước sau để giải quyết vấn đề ngay từ điểm xuất phát.

Việc đồng điều chỉnh cảm xúc với con giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc khi lớn lên. Ảnh: Pexels.

Một khía cạnh quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ em kiên cường là dạy chúng cách kiểm soát cảm xúc trong những tình huống khó chịu hoặc căng thẳng.

Chẳng hạn, khi trẻ la hét ăn vạ ở siêu thị, phản ứng theo bản năng của nhiều phụ huynh có thể là quát mắng và bảo chúng kiềm chế. Tuy nhiên, điều này vô tình phủ nhận cảm xúc của trẻ thay vì dạy chúng cách đối phó.

Theo TS Aliza Pressman, nhà tâm lý học phát triển, đồng sáng lập Trung tâm Nuôi dạy Con cái Mount Sinai (Mỹ), những tình huống hàng ngày như khóc ở nhà hàng hoặc khó khăn khi chuẩn bị đi học vào buổi sáng có thể là cơ hội để bạn đồng điều chỉnh cảm xúc cùng con.

"Đồng điều chỉnh cảm xúc trong nuôi dạy con cái đề cập đến sự hiện diện của người chăm sóc bình tĩnh và kết nối, người có thể giúp trẻ lấy lại cân bằng khi chúng buồn bực hoặc sợ hãi. Theo nghĩa này, người chăm sóc đang cho trẻ 'mượn' hệ thần kinh của mình", TS Pressman giải thích.

Bước đầu tiên của đồng điều chỉnh cảm xúc là kiểm soát cơn tức giận hoặc thất vọng của chính bạn.

"Bằng cách chia sẻ cảm giác bình tĩnh của mình với con cái, bố mẹ dần dạy trẻ cách tự điều hòa cảm xúc khi cảm thấy bị đe dọa. Khi bạn tự điều chỉnh bản thân, quá trình đồng điều chỉnh cảm xúc sẽ diễn ra", vị chuyên gia nói.

Trao đổi với CNBC Make It, TS Pressman chỉ ra 7 bước xoa dịu cơn ăn vạ của trẻ bằng cách cùng con điều chỉnh cảm xúc.

1. Hít thở sâu

Bước đầu tiên, khi con khủng hoảng, ăn vạ, bạn cần hít thở sâu bằng mũi và thở ra.

"Đúng vậy! Có một cơ sở khoa học thần kinh phong phú đằng sau sức mạnh của hơi thở. Vì vậy, bạn không thể bỏ qua bước này, hãy hít thở sâu", TS Pressman nhấn mạnh.

2. Thừa nhận

Bạn hãy tự hỏi bản thân: "Khoảnh khắc này đang gợi lên điều gì cho tôi?". Bạn có đến muộn và lo lắng mình sẽ trông vô trách nhiệm trước mặt các phụ huynh khác? Hay có thể con bạn đang từ chối ăn rau và bạn lo lắng chúng sẽ bị đánh giá là kén ăn.

"Hãy suy nghĩ một chút và cố gắng xác định gốc rễ sự thất vọng của bạn", TS Pressman khuyên.

Bước đầu tiên của đồng điều chỉnh cảm xúc là kiểm soát cơn tức giận của chính bạn. Ảnh minh họa: Pexels.

3. Tập trung vào hiện tại

Trong cơn tức giận, bạn dễ dàng bị cuốn theo suy nghĩ vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tương lai như thế nào, hoặc bạn đã xử lý những tình huống tương tự ra sao trong quá khứ. Tuy nhiên, điều này không hẳn hữu ích.

"Hãy buông bỏ và tập trung vào hiện tại. Bạn có thể giải quyết những vấn đề muộn hơn, theo cách riêng của mình", vị chuyên gia nói.

4. Đánh giá tình hình

TS Pressman cũng khuyên phụ huynh hãy tạm dừng và đánh giá tình hình hiện tại. Hãy xác định trạng thái tinh thần của cả bạn và con để xem chúng có đang bình tĩnh, tò mò, hoảng loạn hay thất vọng.

5. Quan sát

"Hãy quan sát những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn và con", TS Pressman nói.

Theo đó, cha mẹ hãy tự kiểm tra hơi thở và nhịp tim của mình. Ngoài ra, bạn hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của trẻ. Điều này có thể cho bạn biết phải làm gì tiếp theo.

6. Kết nối với trẻ

Theo TS Pressman, việc thừa nhận cảm xúc của trẻ có thể giúp hệ thần kinh của chúng bình tĩnh lại. Vì vậy, qua lời nói hoặc cử chỉ, cha mẹ hãy cho con biết rằng bạn nhận ra và quan tâm đến cảm xúc của chúng.

7. Tham gia tương tác

Bước cuối cùng, khi đã bình tĩnh và tỉnh táo, bạn hãy quyết định cách phản hồi trẻ. Mục tiêu của bạn là xoa dịu cảm xúc của trẻ, đồng thời đặt ra ranh giới kiên định về hành vi phù hợp và không phù hợp.

"Nếu trẻ đang la hét, bạn đừng hét lại và yêu cầu chúng dừng lại. Hãy nói chuyện một cách bình tĩnh, nhưng dứt khoát. Bất kể vấn đề nuôi dạy con cái là gì, việc tự điều chỉnh bản thân sẽ giúp bạn xác định và phản hồi phù hợp, tránh nuông chiều hoặc quá nghiêm khắc", TS Pressman khuyên.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/7-buoc-xoa-diu-con-an-va-cua-tre-post1463385.html