7 bài học kinh nghiệm với ngành Giáo dục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 7 bài học kinh nghiệm đối với ngành Giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai năm học 2023-2024.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai năm học 2023-2024, Thủ tướng phân tích các mặt được, chưa được, nguyên nhân của những hạn chế tồn tại. Thủ tướng chỉ rõ 7 bài học kinh nghiệm đối với ngành giáo dục.

7 bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, công tác phát triển GD-ĐT phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và có sự chung tay, đồng lòng, đoàn kết của toàn dân.

Thứ hai, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành phải được thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và nhu cầu của người học.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quản trị các nhà trường cần được chú trọng; chủ động phát hiện vấn đề nảy sinh để có giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả; bám sát thực tiễn hoạt động;

Đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để xác định, điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp trong quá trình triển khai. Kết hợp hợp lý giữa giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Thứ tư, ưu tiên công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đội ngũ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo, có khả năng thích ứng với sự thay đổi;

Chủ động, tích cực tự học và tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy với nghề, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.

Thứ năm, đầu tư thỏa đáng, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội; ưu tiên đầu tư nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm khả thi, tránh lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Thứ sáu, công tác truyền thông chính sách, tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, chủ động, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, trước hết là của các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý kiến nghị phải được thực hiện thường xuyên để phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; kịp thời thanh tra, kiểm tra các vụ việc bức xúc xã hội liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Thứ bảy, phải đẩy mạnh phong trào thi đua xã hội học tập, học tập suốt đời. Thủ tướng cho rằng phong trào xã hội học tập rất phù hợp, góp phần nâng cao tri thức, trí tuệ cho cả dân tộc và cho mỗi người, mỗi gia đình.

Toàn cảnh Hội nghị.

6 vấn đề cần tháo gỡ

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời, hiệu quả 6 vấn đề.

Thứ nhất, phải kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách của học sinh, sinh viên.

Thứ hai, phải khắc phục bằng được tình trạng bạo lực trong học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh.

Thứ ba, hệ thống sách giáo khoa cần được đổi mới nhưng phải bảo đảm chuẩn mực, có tính ổn định tương đối, phát triển.

Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên.

Thứ năm, rà soát lại việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường học phổ thông, bảo đảm chất lượng, thực chất, hiệu quả.

Thứ sáu, có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, các trường học ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Những việc cần làm

Tân cử nhân Học viện Tài chính trong ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát kỹ, lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thực sự hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực và sớm công bố để định hướng dạy, học, ôn thi, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh.

Đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn, nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh, gia đình và xã hội nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non.

Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp.

Thủ tướng nêu rõ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình để chăm lo sự nghiệp GD-ĐT.

"Giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, các thầy giáo, cô giáo đang mang trên mình trọng trách "dạy chữ, dạy người" cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước" - Thủ tướng nói.

Đối với học sinh, sinh viên; Thủ tướng nhắn nhủ, cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện, tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo nhiều hơn nữa; phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng công lao nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như kỳ vọng của xã hội.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng toàn ngành Giáo dục, đào tạo tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần "tất cả vì học sinh thân yêu", luôn luôn trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, nỗ lực vượt khó, kiên định, kiên trì, kiên quyết, quyết liệt hành động, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/7-bai-hoc-kinh-nghiem-voi-nganh-giao-duc-post651199.html