7 bác sỹ trẻ tình nguyện làm việc ở các huyện nghèo

Nội dung trên được chia sẻ tại buổi cung cấp thông tin về kết quả thực hiện Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn", do Bộ Y tế tổ chức chiều 22/6, tại Hà Nội.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: PA

Thực hiện Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”, từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức được 5 khóa đào với 78 bác sỹ trẻ đáp ứng đủ các yêu cầu của dự án để đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), hiện nay, hệ thống y tế công lập tại các vùng khó khăn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế. Trong khi đó, những năm qua, một bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y khoa chưa được sử dụng tốt, làm việc trái với nghề đào tạo; tập trung ở vùng thuận lợi, không mặn mà với việc trở lại địa phương công tác hoặc về các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa.

Qua thực tế khảo sát ở 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh cho thấy, nhu cầu bác sỹ tại 62 huyện nghèo là khoảng 600 bác sỹ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là: Nội 53 bác sỹ, ngoại 49 bác sỹ, sản 55 bác sỹ, nhi 44 bác sỹ, hồi sức cấp cứu 47 bác sỹ, truyền nhiễm 35, chẩn đoán hình ảnh 33 bác sỹ, với tổng số là 316 bác sỹ.

Vào ngày 28/6 tới, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Bộ Y tế sẽ tổ chức bàn giao 7 bác sỹ trẻ tình nguyện về làm việc tại các cơ sở y tế của các huyện nghèo của 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên và Sơn La.

Theo ông Phạm Văn Tác, đây là những bác sỹ đầu tiên của dự án, gồm 1 bác sỹ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, 1 bác sỹ chuyên ngành ngoại khoa và 5 bác sỹ nhi khoa. Trước đó, những bác sỹ này tốt nghiệp Đại học Y loại khá, giỏi và được đào tạo thêm 2 năm, theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương.

“Việc đào tạo và đưa bác sĩ trẻ về các vùng nghèo, vùng khó khăn sẽ giúp Bộ Y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện nghèo. Bên cạnh đó, cùng với đội ngũ bác sĩ trẻ, ngành Y tế cũng tập trung đầu tư trang thiết bị y tế ở các huyện nghèo, để người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa bàn với chi phí thấp”, ông Phạm Văn Tác nhấn mạnh.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/7-bac-sy-tre-tinh-nguyen-lam-viec-o-cac-huyen-ngheo_t114c9n120668