62,3% số người lao động muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập

Ngày 29.7, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Tổng CĐ Na Uy tổ chức Hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn xác định mức lương tối thiểu (LTT) vùng ở Việt Nam. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) - chủ trì hội thảo. Đáng chú ý, kết quả khảo sát công bố tại hội thảo cho thấy, 62,3% số người lao động (NLĐ) muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Đời sống của CN còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong ảnh: Bữa cơm đạm bạc của một cặp vợ chồng CN đang thuê trọ tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: QUẾ CHI

Tăng LTT không ảnh hưởng đến SXKD

Tại hội thảo, ông Đặng Quang Hợp (Viện CN&CĐ) thông tin về kết quả khảo sát điều tra tiền lương, thu nhập đời sống của NLĐ trong năm 2016. Khảo sát này được Tổng LĐLĐVN giao cho Viện CN&CĐ và Ban QHLĐ tiến hành.

Khảo sát được tiến hành tại 60 DN thuộc 4 vùng lương, gồm DN cổ phần hóa, Cty TNHH MTV vốn nhà nước; DN cổ phần tư nhân; DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các DN này thuộc các ngành: Dệt may, giày da, giao thông, xây dựng, điện tử, cơ khí, chế biến nông-lâm-thủy-hải sản; nằm tại 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Nam, Đắk Nông, TPHCM, Đồng Nai, Hậu Giang.

Theo khảo sát, nhìn chung, mức lương cơ bản của NLĐ tại các DN được khảo sát đã cao hơn mức LTT vùng do Chính phủ quy định năm 2016 từ 33 – 44%. Tuy vậy, mức lương cơ bản của NLĐ còn thấp, tỉ lệ hưởng kề cận với mức LTT vùng tương đối lớn. Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc trong các DN còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN. Đối với tiền làm thêm giờ, có 75,5% số NLĐ trực tiếp trả lời có tiền làm thêm giờ, trung bình mỗi người 29,2 giờ/tháng, trong đó có 20% số LĐSX trực tiếp phải làm thêm trung bình 30 giờ/tháng. Với số tiền làm thêm giờ đã được nhân với hệ số theo quy định, trung bình là 939.000 đồng/tháng.

Ông Đặng Quang Hợp cho biết, khi được hỏi so sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình NLĐ, có 14,2% NLĐ trả lời “không đủ sống”; 37,8% phải chi tiêu “tằn tiện và kham khổ”; 33,8% “vừa đủ” trang trải; chỉ có 14,2% “có dư dật và tích lũy”. So với kết quả khảo sát năm 2015 đời sống của NLĐ được cải thiện hơn: Số trả lời “không đủ sống” giảm 5,7% và tỉ lệ “có tích lũy” đã tăng lên 6,2%; tỉ lệ đủ sống và phải chi tiêu tằn tiện ít được cải thiện.

Khảo sát cũng cho thấy, đời sống NLĐ còn gặp nhiều khó khăn, nên họ luôn mong muốn được làm thêm giờ. Theo đó, có tới 62,3% số NLĐ cho biết luôn muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tỉ lệ này ở vùng I cao nhất, chiếm 69,7%.

Về phía DN, hầu hết đều cho rằng việc tăng mức tiền LTT năm 2016 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành tốt khi Nhà nước công bố mức LTT năm 2017.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số DN thực hiện không đúng quy định, chưa điều chỉnh kịp thời và không công khai, minh bạch, giảm chi phí thưởng, phụ cấp... Kết quả khảo sát, có 5% số NLĐ cho biết họ bị cắt giảm một số trợ cấp khi DN điều chỉnh LTT. Trong số 133 cuộc đình công, ngừng việc tập thể 5 tháng đầu năm 2016, tại các DN FDI chiếm 73,6%; khoảng 80% số cuộc đình công có nguyên nhân liên quan đến tiền lương và LTT.

Cần thống nhất các thông số

Hội thảo đã làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn để xác định LTT vùng ở Việt Nam. Theo ông Mai Đức Chính, mặc dù hằng năm HĐTLQG đều họp để thương lượng LTT vùng cho năm sau, nhưng hiện các thông số kỹ thuật (tiêu chí) làm cơ sở đề xuất mức LTT vùng còn chênh lệch, chưa thống nhất giữa các bên. Ví dụ, Hiệp hội Dệt may đề xuất cách tính mức sống tối thiểu cho NLĐ với chi phí nuôi con bằng 50% của người lớn; trong khi theo Bộ phận Kỹ thuật của HĐTLQG, con số trên phải là 70%; còn Tổng LĐLĐVN đưa ra con số 80%... Hay tỉ lệ chi lương thực/phi lương thực cũng đang “vênh nhau”... Vì có các thông số khác nhau, nên các bên thường đưa ra những mức tăng LTT khác nhau. Nhiều năm trước, Tổng LĐLĐVN đã đề nghị có cơ quan chủ trì để thống nhất các thông số này, nhưng hiện nay chưa có.

Hội thảo cũng làm rõ mối quan hệ giữa LTT và năng suất LĐ. Theo ông Mai Đức Chính, tiền lương gắn với năng suất LĐ, còn LTT không gắn, bởi LTT chỉ là để đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ. GS-TS Nguyễn Khắc Minh (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, LTT có quan hệ với năng suất LĐ nhưng ở khía cạnh: Khi điều chỉnh LTT, do tăng chi phí sản xuất nên buộc chủ sử dụng phải tính toán để tìm giải pháp tăng năng suất LĐ.

Việc tăng LTT tác động như thế nào đến việc làm, hoạt động của DN và thu nhập của NLĐ cũng được trình bày trong hội thảo. PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) nhận định, trong giai đoạn 2011-2014, hiện các số liệu phân tích không cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của tăng LTT vùng đến hoạt động của DN trên các mặt NSLĐ, lợi nhuận, giá trị gia tăng, đầu tư vốn cũng như bình quân LĐ trong một DN.

Theo ông Mai Đức Chính, Tổng LĐLĐVN sẽ tập hợp ý kiến trong buổi hội thảo, phản ánh lại cơ quan chức năng, nhất là với HĐTLQG. Theo đó, quan trọng nhất là các bên trong HĐTLQG cần thống nhất về các thông số nhằm xác định nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ một cách công khai, minh bạch, từ đó có cơ sở khoa học, thực tiễn để tiến hành thương lượng điều chỉnh tiền LTT vùng.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết: Phiên họp lần thứ 2 sắp tới (dự kiến diễn ra vào ngày 2.8) chắc chắn phải có điều chỉnh LTT vùng, không thể không có điều chỉnh; còn tỉ lệ bao nhiêu thì còn phụ thuộc các bên thương lượng với nhau. Ông Chính bày tỏ hy vọng phiên họp thương lượng LTT vùng sắp tới và cả những năm sau sẽ bớt căng thẳng hơn và đồng thuận hơn.

Tại phiên họp lần thứ nhất (diễn ra vào ngày 20.7 vừa qua), Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 11,11% (tăng 250.000 - 400.000 đồng so với năm 2016), trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất tăng 4-5% từ 100.000 - 180.000 đồng.

CĐ KHỐI CÁC VIỆN TRỰC THUỘC CĐ NNPTNTVN: Góp phần giải quyết các vấn đề nóng

Ngày 29.7, tại Hà Nội, CĐ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NNPTNTVN) tổ chức giao ban CĐ khối các viện trực thuộc. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Trong 6 tháng đầu năm, 100% đơn vị khối viện đã tổ chức hội nghị CBVCNLĐ; cùng chính quyền vận động CBVCNLĐ hăng hái tham gia công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong đó, nhiều đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ và các tiến bộ KHKT được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và chuyển giao công nghệ ước tính đạt trên 500 tỉ đồng… Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng đánh giá cao sự nỗ lực trong hoạt động CĐ của CĐ khối các viện trực thuộc CĐ NNPTNTVN; đồng thời mong CĐ các viện năng động, sáng tạo hơn nữa, tích cực động viên CBVCNLĐ góp phần giải quyết những vấn đề nóng về ATVSTP, môi
trường biển… XUÂN TRƯỜNG

ĐỒNG NAI: Tuyên dương gần 3.000 con CNVCLĐ

Vừa qua, 21 Công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ tuyên dương và tặng quà cho 2.726 cháu là con công nhân viên chức lao động có thành tích “Học giỏi, sống tốt” năm 2016 (mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng), tổng kinh phí khen thưởng trên 1 tỉ đồng. Đây là hoạt động thường niên được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2006 đến nay, thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn đối với thành tích học tập của các cháu là con công nhân viên chức lao động trên địa bàn tỉnh. Theo dự kiến, trong đầu tháng 8.2016, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức tổng kết 10 năm (2006-2016) thực hiện phong trào tuyên dương con CNVCLĐ “Học giỏi, sống tốt”. XUÂN TOÀN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/623-so-nguoi-lao-dong-muon-lam-them-gio-de-co-them-thu-nhap-578105.bld