60 giây hội chẩn cứu bé trai bị thanh sắt đâm thủng tim

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, tình trạng của bé Nam khi nhập viện quá nguy kịch nên không thể chờ chụp phim, phải phẫu thuật ngay để giữ tính mạng đứa trẻ.

Chiều 28/10, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết sức khỏe bé Nam, người ngã từ tầng 2 và bị thanh sắt hàng rào đâm thủng tim, đã tiến triển tốt, sinh hiệu ổn định. Bệnh nhi hiện vẫn phải thở máy nhưng cơ bản đã tỉnh táo, qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu kiểm tra tình hình sức khỏe của bé Nam. Ảnh: M.T.

Kiên quyết không chuyển viện

Dù không có chuyên khoa Nhi và kinh nghiệm gây mê, thậm chí không đủ dụng cụ phẫu thuật phù hợp, nhưng nhờ chỉ đạo kiên quyết của GS. Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, các bác sĩ đã kịp thời khâu vết thương, hồi sức tích cực, tiếp máu cho bé Nam. Quyết định này góp phần giữ lại tính mạng cho bệnh nhi.

Nhớ lại thời khắc này, GS. Nguyễn Đức Công cho biết: "Tôi có người nhà bị bệnh nên ở lại cơ quan vào đêm 26/10. Khi vô tình đi qua khoa Cấp cứu, tôi thấy một ông bố trẻ khóc lóc thảm thiết, khóc đến mức ngất lịm, nên chạy vào xem có việc gì”.

Vào đến nơi, ông phát hiện bệnh nhi Nam đang hoảng loạn, sốc và mất máu nghiêm trọng do nhiều vết thương, trong đó có một vết thương xuyên ngực trái. Không chần chừ, GS. Công yêu cầu chuyển bé Nam tới phòng phẫu thuật, liên hệ với các bác sĩ chuyên phẫu thuật tim - phổi tại bệnh viện tới phòng mổ ngay lập tức.

Lúc này, do lo lắng vì không có kinh nghiệm xử lý nhi khoa, không có kinh nghiệm gây mê trẻ em, nhiều bác sĩ đề nghị chuyển viện cho bé. “Không được chuyển, phải cấp cứu ngay. Nếu chuyển đi, đứa trẻ sẽ chết trên đường”, GS. Công nhận định và động viên đồng nghiệp.

Khoảng 20 người, trong đó có 3 bác sĩ chuyên phẫu thuật tim, phổi có mặt tại phòng mổ để tiến hành cấp cứu.

Bé Nam bị mất máu quá nhiều, đội ngũ y tế phải khâu các vết thương hở, hồi sức tích cực, liên tục truyền tổng cộng 5 đơn vị máu cho bệnh nhi. Có thời điểm, tim bệnh nhi đã ngưng đập nhưng nhờ bóp bóng kịp thời nên hoạt động trở lại. Quá trình hồi sức, tiếp máu vô tình tạo sức ép làm hẹp lỗ thủng tim, giữ cho tim cháu bé tiếp tục hoạt động thêm một thời gian ngắn.

Hội chẩn trong 60 giây

Nhớ lại sự việc đêm 26/10, GS. Nguyễn Đức Công cho biết rất khâm phục bác sĩ Đào Trung Hiếu khi kiên quyết bỏ qua giai đoạn chụp siêu âm, X-quang mà đề nghị mở ngực ngay để cứu bệnh nhi.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu kể lại: “Tôi về nhà soạn xong hành lý, chuẩn bị đi có việc riêng thì nhận được báo động đỏ từ Bệnh viện Thống Nhất. Nghe điện thoại từ GS. Công, tôi hình dung được tình trạng nguy cấp của bệnh nhân nên quyết định hoãn chuyến đi. Sẵn có taxi đang chờ, tôi nhờ anh ấy chở đến phòng mổ. Cũng may mắn, nhà ở khá gần nên tôi chỉ mất 10 phút là đến nơi, lúc này khoảng 20h40”.

Theo BS Hiếu, cơ sở vật chất ở phòng mổ của BV Thống Nhất cho phép siêu âm, X-quang ngay tại chỗ. Nhưng khi quan sát tình trạng các vết thương và sắc mặt bệnh nhi, ông dự đoán bé Nam bị thủng tim nên kiên quyết mở ngực ngay để can thiệp, bỏ qua giai đoạn chụp phim. Toàn bộ quá trình hội chẩn, chuẩn bị dụng cụ mổ chỉ kéo dài khoảng 60 giây.

Đúng như dự đoán, khi mở ngực, máu trong cơ thể bệnh nhi trào ra rất nhiều từ vết thủng tim. Bằng kinh nghiệm của mình, bác sĩ Hiếu dùng ngón tay chèn vào lỗ thủng, ngăn máu chảy và yêu cầu đồng nghiệp tiến hành khâu vết thương tâm nhĩ phải (rộng khoảng 2 cm). Sau đó, ê-kíp phẫu thuật tiếp tục khâu 2 vết thủng phổi, xử lý tràn dịch màng phổi bằng cách đặt ống dẫn lưu.

Khi tình trạng bệnh nhi vừa ổn định, huyết áp trở lại, bé nhanh chóng được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị. Kết quả siêu âm sáng 27/10 cho thấy các vết khâu đã khép miệng, nhưng bé Nam bị máu tụ ở phía màng phổi ngực phải, chèn ép hoạt động tim.

Nhiều vết thương nhỏ không thể quan sát thấy khi bệnh nhi tụt huyết áp nay bắt đầu rỉ máu. Đứa trẻ 5 tuổi tiếp tục trải qua ca phẫu thuật thứ 2 trong chưa đến 24 giờ để rút máu tụ, xử lý các vết thương còn lại.

Dù đánh giá cả 2 ca phẫu thuật đều được tiến hành thành công, bác sĩ Hiếu vẫn dè dặt trong việc tiên lượng khả năng hồi phục của Nam. Cú ngã từ trên cao còn khiến bé bị dập tủy sống, gãy một thân đốt sống và 2 xương sườn (gãy vững, không biến dạng).

Theo BS Hiếu, 2 chi dưới của bé Nam khi nhập viện phản hồi không tốt do bị dập tủy. Tuy nhiên, bé không bị liệt hẳn, vẫn cử động được chân nên khả năng hồi phục vận động tương đối cao.

BV Nhi Đồng 1 sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhi, trước khi thực hiện các bước điều trị tiếp theo.

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi.

Hải Âu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/60-giay-hoi-chan-cuu-be-trai-bi-thanh-sat-dam-thung-tim-post693418.html