6 kỹ năng mềm giúp nhân viên trở nên đắt giá

Các nhà tuyển dụng Mỹ đang tìm kiếm ứng viên có kỹ năng mềm, như tư duy chiến lược, giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Họ tin rằng điều này sẽ nâng cao chất lượng công việc.

Chuyên gia tin rằng kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng, giúp người lao động thích ứng và đối mặt với thách thức mới, đồng thời không thể thay thế bằng trí tuệ nhân tạo như kỹ năng chuyên môn. Ảnh minh họa: Alexander Suhorucov/Pexels.

Hiệu suất công việc không chỉ tạo nên từ kỹ năng cứng hay còn gọi là kỹ năng chuyên môn (hard skills), yếu tố quan trọng khác không thể thiếu đó là kỹ năng mềm (soft skills), theo New York Post.

Kỹ năng mềm là cách tương tác với đồng nghiệp, giải quyết vấn đề và cách quản lý công việc. Hay cụ thể hơn, theo The Balance, một trang web tài chính cá nhân, các kỹ năng mềm bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, lãnh đạo và sự đồng cảm…

Hiện nay, yêu cầu ứng viên sở hữu những kỹ năng mềm như trên ngày càng phổ biến. Theo nhận định của các chuyên gia, các nhà tuyển dụng tin rằng nhân lực có kỹ năng mềm sẽ thúc đẩy chất lượng làm việc tốt hơn.

“Đối với nhiều nhà tuyển dụng, kỹ năng mềm cũng quan trọng như kỹ năng cứng”, Kelli Hall, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của Enova International, một công ty công nghệ tài chính có trụ sở tại Chicago (bang Illinois, Mỹ) , nói.

Ông nhận định kỹ năng mềm là yếu tố quyết định sự khác biệt, vì để người lao động thành công tại nơi làm việc, họ cần có nhiều hơn ngoài kỹ năng chuyên môn.

Kỹ năng mềm được đánh giá cao nhất là tư duy chiến lược (strategic thinking). Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Các kỹ năng mềm được đánh giá cao nhất

Theo báo cáo về tình trạng kỹ năng lao động State of the Workforce Skills Gap công bố năm 2024 của Springboard for Business, nền tảng học tập trực tuyến, kỹ năng mềm được đánh giá cao nhất là tư duy chiến lược (strategic thinking), được 57% lãnh đạo bình chọn là yếu tố quan trọng mà công ty họ đang tìm kiếm.

Chris Duchesne, CEO của Springboard for Business, nhận định rằng trong tình hình kinh tế biến động, tư duy phản biện (critical thinking) cũng trở nên rất quan trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp phải "chuyển đổi hoặc lụi tàn", tư duy phản biện là chìa khóa để doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng và duy trì sự cạnh tranh.

Báo cáo cũng chỉ ra các kỹ năng mềm được xếp hạng cao tiếp theo là giải quyết vấn đề, với 49% lãnh đạo cho biết công ty của họ cần người có khả năng này. Kỹ năng giao tiếp, cả lời nói và văn viết, cũng được xem là quan trọng với 46% bình chọn từ lãnh đạo.

Ngoài ra, trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) và mối quan hệ giữa các cá nhân (interpersonal relationships) cũng được đề cập đến như những kỹ năng mềm quan trọng trong bối cảnh thị trường kinh tế có xu hướng biến đổi nhanh chóng.

Tư duy phản biện là một kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề, giúp nhân lực đưa ra quyết định thông minh, và thích ứng với những thách thức mới đặt ra. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Tại sao kỹ năng mềm lại quan trọng?

Duchesne nhấn mạnh sự quan trọng của kỹ năng mềm đối với nhân viên, đặc biệt khi có tới 79% lãnh đạo cho rằng “tuổi thọ” của kỹ năng chuyên môn có hạn, chỉ dùng được trong vòng 5 năm hoặc thậm chí ít hơn.

"Kỹ năng mềm trở nên quan trọng hơn cả, giúp người lao động thích ứng và vượt qua những thách thức mới trong thị trường lao động trí tuệ nhân tạo (AI) "xâm chiếm" và liên tiếp tục thay đổi mạnh mẽ mọi ngành công nghiệp", ông nói.

Theo CEO của Springboard for Business, AI có thể thực hiện kỹ năng chuyên môn nhưng không thể thay thế kỹ năng mềm của con người. Bên cạnh đó, những kỹ năng kể trên quan trọng đối với mọi cấp độ trong tổ chức, không riêng vị trí lãnh đạo.

Ứng viên được khuyến khích thể hiện kỹ năng mềm của họ khi tìm kiếm việc làm. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Làm nổi bật hồ sơ ứng tuyển

Để khác biệt so với hàng trăm hồ sơ ứng tuyển cho một vị trí gửi đến nhà tuyển dụng, các chuyên gia khuyến khích ứng viên nên tận dụng cách thể hiện kỹ năng mềm.

Một số từ ngữ mô tả kỹ năng được gợi ý sử dụng trong hồ sơ xin việc như “đàm phán”, “thương lượng”, “trình bày”, “triển khai”, “tạo điều kiện”.

“Để nổi bật, ứng viên nên đảm bảo họ không quên điền thêm các kỹ năng mềm của bản thân trên hồ sơ xin việc. Hãy ghi chúng rõ ràng và đặt tên cho các kỹ năng đó”, Hall, chuyên gia tuyển dụng tại công ty công nghệ Enova, nói với FOX Business.

Duchesne chia sẻ thêm về cách ghi điểm với nhà tuyển dụng, ông khuyến nghị ứng viên nói về kỹ năng mềm của bản thân, đặc biệt là tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Đi kèm với đó những minh chứng cụ thể thông qua kinh nghiệm làm việc trước đây.

Những kỹ năng mềm không chỉ tạo nên những nhân viên xuất sắc mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của tổ chức. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Theo Chris Duchesne, những nhân viên nắm vững kỹ năng mềm mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Họ là những tác nhân thúc đẩy môi trường doanh nghiệp đi lên và tăng cường hiệu suất làm việc.

“Đó là những nhân lực xuất sắc, là “chất xúc tác” cho sự đổi mới, mang đến hiệu quả và tăng trưởng cho tổ chức”, ông nói

Như Phương

Nguồn Znews: https://znews.vn/6-ky-nang-mem-giup-nhan-vien-tro-nen-dat-gia-post1460984.html