'6 hơn' trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Bài 5: Hướng tới kiểm soát và giải quyết bất đồng tốt hơn (Tiếp theo và hết)

Tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc khi mở ra giai đoạn mới trong quan hệ song phương và nêu ra 6 phương hướng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác ở tầm mức cao hơn giữa hai nước. Các phương hướng này có mối quan hệ biện chứng, tác động và hỗ trợ, bổ sung cho nhau, trong đó, việc thúc đẩy tin cậy chính trị cao hơn là nền tảng. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Trong cuộc trao đổi, Tiến sĩ Trần Công Trục đề cập tới hai phương hướng còn lại nêu trong Tuyên bố chung, đó là phối hợp đa phương tốt hơn và kiểm soát, giải quyết bất đồng tốt hơn. Đặc biệt, ông nhấn mạnh và gợi mở những bước đi cụ thể nhằm kiểm soát, giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, thời gian qua, việc kiểm soát, giải quyết các bất đồng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những chuyển biến so với trước đây, song vẫn tồn tại những phức tạp, khó khăn cả trên thực tế lẫn xét theo các nguyên tắc pháp lý. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai bên, nhằm đưa ra những giải pháp tích cực, từ đó kiểm soát và giải quyết bất đồng tốt hơn như mục tiêu nêu trong Tuyên bố chung.

Giải thích thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có bờ biển liền kề và đối diện nhau, vì vậy, khi vận dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa đã xuất hiện những vùng chồng lấn. Việc hai nước đàm phán và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000 trên tinh thần cầu thị, có tính đến lợi ích của mỗi bên là một dấu mốc lịch sử. Hiệp định cũng có thể được coi là thành quả quan trọng của quá trình hợp tác đàm phán, kiểm soát và giải quyết bất đồng giữa hai nước, là thực tiễn quan trọng và bài học để lại cho khu vực và quốc tế.

Tàu CSB 8004 của Cảnh sát biển Việt Nam hạ xuồng kiểm tra tàu cá trong chuyến tuần tra liên hợp với Cảnh sát biển Trung Quốc trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ tháng 4-2023. Ảnh: NGỌC HƯNG

Đặc biệt, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là cơ sở để Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục xử lý những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước theo lộ trình “dễ trước khó sau”, cụ thể là từ việc hoàn thành phân định Vịnh Bắc Bộ tiến tới bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Đến nay, dù đã xúc tiến đàm phán nhưng hai nước vẫn chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng. Điều này xuất phát từ thực tế là các quan điểm và nguyên tắc mà hai bên đưa ra đối với việc phân định vùng chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chưa thống nhất. Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, với tinh thần đã nêu trong Tuyên bố chung, hai nước cần thống nhất “mẫu số chung”, hay nói cách khác là thống nhất nguyên tắc giải quyết công bằng dựa trên luật pháp quốc tế. Quá trình bàn bạc và đàm phán phải trên tinh thần quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cầu thị, khách quan; dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp mà cả hai bên có thể chấp nhận được, chứ không phải quyền, lợi ích chung chung hoặc theo đòi hỏi, ý muốn chủ quan của bên nào.

“Tôi cho rằng, giải quyết vấn đề ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ nằm trong tầm tay của Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta hy vọng đàm phán về việc phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sẽ thành công, song nếu hai bên chưa thể thống nhất thì chí ít cũng xác định được khu vực chồng lấn đến đâu, từ đó quyết định tiến tới phân định hay hợp tác khai thác chung. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã ngồi lại được với nhau bằng thiện chí, tinh thần cầu thị, gạt bỏ những rào cản do những vấn đề khác gây ra, thì sẽ đạt được kết quả”, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh.

Giải quyết được vấn đề phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ còn đem tới tác dụng rất lớn khác, bởi nó cho thấy thiện chí của hai bên trong nỗ lực đạt được những thành quả mang tính thực chất chứ không chỉ là thành quả trên giấy. Qua đó cũng tạo sự ổn định trên biển và để các nước trong khu vực cũng như quốc tế nhìn nhận rằng, Việt Nam và Trung Quốc đã từng giải quyết được những vấn đề hết sức phức tạp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Công Trục lưu ý rằng, để kiểm soát và giải quyết bất đồng trên biển tốt hơn, cần có sự ra đời của những hành lang pháp lý phù hợp, chẳng hạn như “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).

Tuyên bố chung cũng nêu rõ, hai bên nhất trí trong năm 2024 cùng nhau kỷ niệm 25 năm phân định biên giới trên đất liền và 15 năm ký kết 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc. Với tư cách là người từng trực tiếp tham gia đàm phán cấp Chính phủ về biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh, đây là “việc rất nên làm”. Bởi, các văn kiện nói trên là dấu mốc lịch sử, là cơ sở để hai nước tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động quản lý biên giới trên đất liền, đồng thời là bài học kinh nghiệm để Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp trên biển. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm nói trên cũng nói lên thiện chí của hai Đảng, hai Nhà nước trong hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan tới biên giới, lãnh thổ.

Bên cạnh đó, các hoạt động kỷ niệm mà hai nước dự định tổ chức trong năm 2024 sẽ giúp người dân Việt Nam và Trung Quốc cũng như dư luận quốc tế hiểu đúng, đánh giá một cách thỏa đáng về những thành tựu của hai nước trong quá trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền. Đó là một quá trình đàm phán công bằng, dựa trên các nguyên tắc pháp lý mà hai bên đã thỏa thuận với nhau, tuyệt đối không có chuyện nhân nhượng lãnh thổ. Hiểu đúng về điều này còn giúp chúng ta có thêm cơ sở để phản bác những thông tin sai lệch nhằm chia rẽ mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và gây cản trở đối với quá trình thực hiện đường lối ngoại giao đúng đắn của Việt Nam.

NGỌC HƯNG - VŨ HÙNG - VĂN DUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/6-hon-trong-thuc-day-quan-he-viet-nam-trung-quoc-bai-5-huong-toi-kiem-soat-va-giai-quyet-bat-dong-tot-hon-tiep-theo-va-het-756203