54 dân tộc Việt Nam cùng nhau mở hội

Tối 16/4, tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội), Bộ VHTT&DL đã phối hợp với các bộ, ban, ngành T.Ư, các địa phương khai mạc các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

Tới dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo các bộ, ban, ngành chức năng và đại diện cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam cùng đông đảo người dân Thủ đô.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước hào hùng, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định văn hóa là một bộ phận khăng khít của sự nghiệp cách mạng, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của Nhân dân.

Năm 2009, Chính phủ quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhân ái, thủy chung, khơi dậy lòng tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, 6 năm qua bằng những hoạt động cụ thể, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, qua đó góp phần giới thiệu và tôn tinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân.
Để bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa của dân tộc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu các cấp, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chiến lược phát triển văn hóa Việt
Nam đến năm 2020; tập trung đẩy mạnh việc giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, xây dựng những giá trị văn hóa mới; đồng thời chủ động mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, tiếp nhận có
chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật hoành tráng khẳng định sự đa dạng trong thống nhất và thống nhất trong đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam qua tiếng khèn da diết của người Mông, điệu hát then, đàn tính của người Tày, qua nhịp cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca ví dặm
Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử Nam Bộ… Từ nay cho đến ngày 19/4, tại Làng văn hóa các dân tọc Việt Nam sẽ còn diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa thể hiện bản sắc của 54 dân tộc anh em như: lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay (Thái Nguyên), lễ cầu mưa của đồng bào Ê – đê (Tây Nguyên), lễ cúng cổng bon của người M’nông… hoặc các trò chơi dân gian do chính các nghệ nhân thực hiện.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://www.kinhtedothi.vn/van-hoa/tin-tuc/2016/04/8103352b/54-dan-toc-viet-nam-cung-nhau-mo-hoi/