5 năm nối trên 130 nhịp đôi bờ

Với “quân số” 30 người, họ đi khắp các tỉnh từ Đồng Tháp đến Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long… để xây cầu. Qua 5 năm (2011- 2016), Đội Xây dựng cầu từ thiện huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã bắc trên 130 cây cầu, góp phần không nhỏ cho người dân nông thôn đi lại, vận chuyển hàng hóa và xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông.

Cầu Lô 8 bắc qua kinh Mười Đề được xây dựng nhờ sự góp công rất lớn của đội xây cầu từ thiện và người dân địa phương.

Chọn cho mình những phần việc nặng

Đến Ấp 6B (xã Long Phú- Tam Bình) nhân lúc mọi người đang đổ sàn cầu Lô 8 bắc qua kinh Mười Đề, nối liền Ấp 6B và Phú Sơn C. Điều đáng chú ý là có khá đông người tham gia góp sức- tới 138 người, bao gồm cả đội xây cầu từ thiện và người dân địa phương.

Quệt những giọt mồ hôi trên trán, anh Trần Ngọc Khải- người dân Ấp 6B cười tươi: “Tui tới phụ xây cầu được 7 buổi, cứ lúc nào rảnh là tranh thủ chạy ra đây. Tuy mệt nhưng rất vui.

Thấy bà con ở xa (đội xây cầu từ thiện) cất công tới quê mình giúp đỡ, mình ở đây mà không phụ hợ sao được? Do tui không rành việc lắm nên ai kêu đâu tui làm đó”.

Qua 2 năm tham gia đội xây cầu từ thiện, ông Nguyễn Văn Bảy Nhỏ thường chọn cho mình những phần việc nặng mà “khoái nhất là bẻ sắt, đổ dầm, đổ sàn”.

Từ lâu, ông đã phát tâm làm từ thiện và khi không còn lo lắng về kinh tế, ông cùng đội từ thiện đi khắp nơi để xây cầu. “Đến nay, tui đã góp sức bắc được 13 cây cầu và càng làm tui càng thấy yêu công việc”- ông Bảy Nhỏ tâm sự.

Cũng vậy, ông Nguyễn Văn Chà dù đã bước qua cái tuổi “thập thất cổ lai hy” nhưng vẫn thường chọn những phần việc nặng và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Khi có công trình nào mà không cho ông hay để đi cùng là ông còn giận.

Xuất thân là nông dân nhưng ruộng vườn chỉ có vài công và cuộc sống không dư dả gì, nhưng ông Nguyễn Thành Hậu- đội phó đội xây cầu từ thiện “luôn mong sao có kỷ niệm cho xã hội, cho đất nước”.

Hơn 10 năm nay, khi các con đã ra riêng ổn định, ông đi khắp nơi làm từ thiện với nhiều đội xây cầu và “không nhớ nổi mình đã xây bao nhiêu cây cầu”.

Ông nói: “Tui đi rất nhiều nơi, có những nơi thiếu sự quan tâm của địa phương, không người tới hỗ trợ nhưng tui vẫn làm vì cái tâm mong muốn giúp ích cho đời.

Lần đầu tiên tới xã Long Phú, từ lãnh đạo đến người dân nơi đây đã để lại cho tui ấn tượng đẹp bởi sự tích cực và tinh thần hỗ trợ rất cao”.

5 năm xây hơn 130 cây cầu

Buổi cơm trưa thân mật của đội cùng người dân địa phương.

Ông Phan Văn Mảnh (Sáu Mảnh)- Đội trưởng đội xây cầu từ thiện cho biết: Anh em 30 người trong đội chủ yếu là ở Đồng Tháp và Tiền Giang, khi có nhiều công trình thì chia mỏng ra để làm.

Điều đáng quý là dù bất cứ ở đâu và mưa nắng cỡ nào anh em cũng nhiệt tình tham gia với tâm nguyện: “Bắc cầu, bồi lộ, cất nhà tình thương/ Giúp đời đừng đợi trả ơn/ Miễn tròn bổn phận quý hơn bạc vàng”.

Qua 5 năm, đội đã xây trên 130 cây cầu và cất gần 300 căn nhà tình thương. Đi đến đâu, đội cũng cùng ăn, cùng ở với dân. “Mỗi năm, tôi chỉ có vài ngày ở nhà, giúp ích cho xã hội nên rất vui, tâm lúc nào cũng nhẹ nhàng, thanh thản”- ông Sáu Mảnh nói.

Về việc tại sao lại chọn xây cầu- công việc khá nặng nhọc, vất vả để làm từ thiện, ông Sáu Mảnh tâm sự:

Qua thời gian đi các nơi, thấy cầu gập ghềnh đi đứng rất khó khăn nên mong muốn bắc cầu cho dân đi lại, học sinh đến trường. Thấy nơi nào quá bức xúc thì tìm cách vận động kinh phí để xây.

Trước đây, chủ yếu là làm cầu ván. Khoảng 3 năm nay, được nhiều nhà tài trợ ủng hộ xây cầu bê tông để sử dụng lâu dài và góp phần xây nông thôn mới đạt tiêu chí về giao thông.

Theo ông Sáu Mảnh, anh em trong đội là những người không chuyên, làm vì tâm chứ không qua trường lớp, nhưng được cái vừa làm, vừa học hỏi và nhờ Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp góp ý thêm để ngày càng hoàn thiện.

Gần đây, đội còn được Sở Giao thông Vận tải tỉnh cấp chiếc xà lan tải trọng 5 tấn và hỗ trợ máy ép cọc để giảm chi phí xây cầu. Nếu như trước đây phải tốn 45 triệu đồng để ép cọc xây cầu thì nay chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng.

Ông Lê Tấn Dũng- Bí thư Đảng ủy xã Long Phú (Tam Bình) cho biết: Trước đây, cây cầu Lô 8 bắc qua kinh Mười Đề rất nhỏ, bề ngang chỉ 1m và bị xuống cấp trầm trọng, không lan can, nhịp giữa bị rỉ sét, trong khi người dân qua lại rất đông.

Do đó, Đảng ủy, UBND xã đã vận động nhà tài trợ và nhân dân đóng góp trên 181 triệu đồng tiền vật tư để xây cầu.

Nếu thuê một đội thi công thì chi phí đội lên rất lớn. Cũng nhờ đội xây cầu từ thiện và người dân địa phương nhiệt tình đóng góp trên 800 ngày công lao động mà công trình nhanh chóng được hoàn thành.

Chị Nguyễn Thị Phụng (quận Bình Thạnh- TP Hồ Chí Minh) nói: “Tôi đã đi tài trợ rất nhiều nơi, nhưng sự nhiệt tình thì không đâu được bằng nơi này, nhất là được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo xã, cùng đội xây cầu từ thiện và người dân địa phương. Vì vậy, tôi mong muốn sẽ có điều kiện tiếp tục ủng hộ địa phương phát triển hạ tầng giao thông”.

Những ngày này, đội xây cầu từ thiện đang tất bật xây mới cây cầu Số 3 (nối từ Ấp 6B qua ấp Phú Sơn A) và cầu Lô 8, chúng tôi bỗng rộn niềm vui về một bức tranh nông thôn Long Phú sẽ bừng sáng hơn với những chiếc cầu gánh nặng ân tình nối nhịp đôi bờ.

Theo Xuân Tươi (Báo Vĩnh Long)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/5-nam-noi-tren-130-nhip-doi-bo-714337.html