4 nguyên tắc giáo dục cơ bản cho trẻ từ 1 tuổi

Theo GS Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý trẻ em thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, thì trẻ từ 1-2 tuổi là lứa tuổi thiên tài về trí nhớ, trẻ có khả năng ghi nhớ rất tốt. Biết cách giáo dục trẻ vào 'thời điểm vàng' này, mẹ sẽ tạo được tiền đề tốt để bé thông minh, ngoan ngoãn về sau.

1. Nguyên tắc học mà chơi, chơi mà học

Trẻ ở lứa tuổi này hầu hết đều thích đồ chơi và khám phá, vì vậy cha mẹ nên khéo léo để trẻ kết hợp giữa vừa học vừa chơi. Các trò chơi mang tính giáo dục như xếp hình, chơi thẻ chữ, truyện tranh… sẽ giúp trẻ mở rộng hiểu biết về thới giới xung quanh.

Nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý nên chơi cùng bé chứ không nên để bé tự chơi một mình. Làm như vậy sẽ khiến mối quan hệ cha mẹ với bé thêm gắn kết, bé cũng sẽ dễ dàng ghi nhớ và tiếp thu.

2. Dạy dỗ trên nguyên tắc tôn trọng

Khi trẻ nghịch ngợm hay khám phá, nhiều bố mẹ nghĩ rằng như thế là con hư và dùng quyền làm cha mẹ để nghiêm giọng, thậm chí dùng roi vọt cấm cản trẻ. Điều này chỉ khiến trẻ ấm ức, bất mãn và tìm cách chống đối, lâu dần sẽ trở nên ương bướng. Bởi vậy tôn trọng trẻ là bước đầu tiên cha mẹ cần nhớ nếu muốn con mình trở thành một đứa trẻ ngoan.

Phụ huynh nên hiểu những mong muốn của con mình, cần giúp đỡ và khuyến khích con nếu đó là hành động đúng đắn. Ngược lại cũng cần can thiệp nếu hành động của trẻ là sai, nhưng không phải bằng quát nạt hay roi vọt mà cần nhẹ nhàng giải thích để bé hiểu được bản chất của sự việc đó.

Ví dụ bên cạnh việc để xa tầm với của trẻ những vật không an toàn, cha mẹ nên giải thích với con về sự nguy hiểm của bình nước nóng, ổ điện, dao, bình thủy tinh… để bé tự động biết và tránh xa.

3. Ngăn cản bằng cách chuyển hướng chú ý của trẻ

Khi trẻ đã quan tâm đến một vật nhất định, ví dụ như bình thủy tinh hay một đồ vật dễ vỡ, trẻ sẽ tìm mọi cách để có được nó. Tuy vậy nhưng trẻ cũng rất dễ bị “dụ”, bạn chỉ cần hướng con đến một việc khác bé sẽ bị đánh lạc hướng ngay lập tức và không nhất thiết phải can thiệp một cách thô lỗ.

4. Áp dụng ngôn ngữ đúng chuẩn

Lời nói cũng rất quan trọng trong việc giúp trẻ nhận thức. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên nói sao con sẽ phải nghe theo vậy kể cả khi đó là những điều vô lý. Nhưng bạn nên nhớ, mỗi đứa trẻ đều có suy nghĩ và tư duy riêng của mình. Vì vậy không nên dùng mệnh lệnh của người lớn để ép buộc hay áp đặt trẻ bất cứ việc gì. Ví dụ trẻ đến nhà bạn chơi và thấy đồ chơi của bạn giống hệt của mình, sau đó đòi cầm về bằng mọi cách.

Trong trường hợp này thay vì nạt nộ trẻ theo mệnh lệnh kiểu “con phải trả lại bạn ngay lập tức, đó không phải đồ của con”. Cha mẹ có thể giải thích nhẹ nhàng bằng ngôn ngữ của trẻ như “đồ chơi này là chị (hoặc em) đồ chơi của con. Nếu con không tin có thể về nhà sẽ thấy đồ chơi của con vẫn còn đó và đang đợi con về để kể cho nghe về chị (hoặc em) của chúng”.

Mỗi bậc phụ huynh đều có phương pháp giáo dục riêng của mình, nhưng áp dụng cách nào cha mẹ cũng đừng quên bày tỏ tình cảm với con.

Theo Minh Thùy (Ngaynay.vn)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/tin-24h/4-nguyen-tac-giao-duc-co-ban-cho-tre-tu-1-tuoi-130191