4 căn nhà xây dựng không phép tồn tại nhiều năm?

Ông Trần Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, xác nhận, có 4 căn nhà xây dựng không phép trên đất trồng cây lâu năm tại thửa đất số 627, tờ bản đồ số 33, thuộc ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi đã lâu nhưng vẫn chưa bị tháo dỡ, cưỡng chế...

Xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh:

Dãy nhà xây dựng không phép trên đất của bà Yến. Ảnh: Văn Dũng

Được biết, tại thửa đất số 627, tờ bản đồ số 33 thuộc ấp 5, xã Bình Mỹ có 4 căn nhà cấp 4, được xây dựng kết cấu tường gạch, mái tôn, trên đất trồng cây đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa bị xử lý.

4 căn nhà này đều xây dựng không phép, nằm trong một khu đất trồng cây lâu năm, có diện tích 575m2, do bà Trần Thị Ngọc Yến, trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đứng tên chủ sở hữu.

Trao đổi với PV, bà Yến khẳng định, bà là chủ sở hữu của thửa đất có 4 căn nhà xây này. Cách đây gần 2 năm, bà có mua thửa đất số 627 của người bạn lâu năm là chị Võ Thị V (trú tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi). Thời điểm đó là cao điểm của dịch bệnh Covid-19.

Do khó khăn kinh tế, chị V đã năn nỉ bà Yến mua đất để có tiền trang trải cuộc sống. Khi đó, chị V nói, tình trạng đất khớp với giấy chứng nhận là đất trồng cây hàng năm mà không cho biết, trên thửa đất có 4 căn nhà xây dựng không phép. Cũng vì tin tưởng và đi lại khó khăn giữa dịch bệnh, bà Yến đã mua thửa đất đó mà không kiểm tra hiện trạng đất thực tế.

Theo bà Yến, khi cuộc sống trở lại bình thường, xuống kiểm tra, bà mới tá hỏa khi thấy 4 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của mình mua. Các căn nhà tường gạch, lợp mái tôn rất kiên cố. Những người sinh sống tại đây nói, đã mua bán lại, có lập vi bằng của người khác.

4 căn nhà được xây dựng kiêm cố. Ảnh: Văn Dũng

Do vậy, từ tháng 4/2022, bà Yến đã nhiều lần gửi đơn phản ánh, kêu cứu về tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đến UBND xã Bình Mỹ, UBND huyện Củ Chi nhưng đến nay, chính quyền địa phương chỉ có một số buổi hòa giải, tiếp xúc và ghi nhận ý kiến của các bên có liên quan, chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

PV đã liên hệ với chị Nguyễn Thị Sinh, SN 1988, người đang sống ở căn nhà không xây dựng không phép. Chị cho biết: “Căn nhà tôi mua (vi bằng) trực tiếp của bà Châu Thị Bo, SN 1965”. Cùng ý kiến, chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (SN 1984) cho hay, mua lô đất trên của bà Châu Thị Bo vào năm 2012, mua bán giấy tờ tay, có lập vi bằng, sau đó xin phép xây dựng. PV đề nghị chị Oanh cung cấp giấy phép xây dựng nhưng chị Oanh nói để lúc khác. 2 hộ còn lại, PV liên hệ gặp trực tiếp nhưng không gặp được chủ nhà.

Để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, PV đã đến UBND xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi tìm hiểu sự việc. Ông Trần Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, cho biết sự việc xây dựng 4 căn nhà không phép trên là có thật, xã cũng đã nắm được vụ việc, nhưng khi đề nghị được cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến những căn nhà trên thì ông Thái hẹn 1 tháng sẽ trả lời bằng văn bản.

Sau nhiều lần liên lạc với ông Thái đến nay, đã hơn 1 tháng trôi qua, PV chưa nhận được văn bản trả lời từ UBND xã Bình Mỹ (?).

“Việc để công trình (4 căn nhà) không phép xây dựng trên đất nông nghiệp đã hoàn thành một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương chưa áp dụng biệp pháp hành chính đối với người vi phạm là điều bất thường. Bởi lẽ, có đầy đủ cơ sở pháp luật để xử lý các hành vi phi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Trong đó, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, ban hành quyết định hành chính xử lý đối với người vi phạm, bên cạnh đó Luật cũng quy định nếu người vi phạm không chấp hành thì có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế như: cưỡng chế tiền phạt; cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (bao gồm: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc phá dỡ công trình...).

Như vậy, nếu vụ việc trên chưa được giải quyết thì công dân phát hiện ra hành vi vi phạm có quyền gửi đơn đến UBND huyện Củ Chi; Thanh tra xây dựng huyện Củ Chi, để phản ánh sự việc.

Về vấn đề chuyển nhượng nhà, đất, theo quy định, giao dịch chuyển nhượng nhà đất được xác lập thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của các bên dựa trên quy định của pháp luật.

Chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng chỉ là một trong những nguồn chứng cứ chứng minh có thỏa thuận, giao dịch... giữa các bên khi tranh chấp và vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác” - luật sư Nguyễn Thanh Đình, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định.

Văn Dũng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/4-can-nha-xay-dung-khong-phep-ton-tai-nhieu-nam-351522.html