365 ngày 20-11 của cô giáo vùng biển

Dù hoàn cảnh sống, điều kiện giảng dạy còn nhiều khó khăn, nhưng với cô giáo Ngô Thị Kim Thúy ở một trường ven biển Quảng Ngãi, ngày nào cũng là ngày 20-11. Nhắc tới ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Thúy cười: "Các em áp dụng được kiến thức trong đời sống là nhớ đã nhớ tới cô giáo rồi. Được như vậy, ngày nào mình cũng vui".

Trường Trung học cơ sở Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) nằm sát ngay biển. Trường gồm ba tòa nhà hai tầng ngay ngắn, sân trường đổ bê tông phẳng phiu rộng mênh mông. Hơn một năm nay, do thị xã Nghĩa An mới được sáp nhập vào thành phố Quảng Ngãi, nên trường được đầu tư nhiều hơn, khang trang hơn, thế nhưng, với nhiều thầy cô, nơi đây vẫn là “vùng khó”.

Nhà ở xã Nghĩa Trung, mỗi ngày, cô giáo Ngô Thị Kim Thúy đều chạy xe 17 cây số để đến trường dạy học ở xã Nghĩa An. Thường thường, những ngày nắng ráo, cô mất 40 phút để tới nơi, nhưng vào thời kỳ mưa lũ như những ngày đầu tháng 11 này, quãng đường cô đi mất thêm nhiều thời gian hơn. “Những hôm có tiết một thì khá vất vả, tôi phải chở con đi mẫu giáo sớm, bỏ con ngồi một mình trong nhà trẻ rồi lật đật đến trường, nếu không là trễ giờ”, cô Thúy chia sẻ.

Hầu hết các thầy cô giáo của Trường THCS Nghĩa An đều là người ở xã khác, cả trường chỉ có 2 giáo viên là người địa phương. Đang vào mùa mưa bão, việc tới trường hằng ngày của những thầy cô giáo ở vùng biển Nghĩa An càng trở nên khó khăn hơn, bởi ngoài đường xa thì thêm cảnh thường xuyên ngập lụt. Hằng ngày, các thầy cô đều phải mang theo bộ quần áo khô để thay khi tới trường. Dù vậy, nhưng nhà trường vẫn duy trì hoạt động dạy và học như bình thường. Trường chỉ cho học sinh nghỉ khi có báo động bão cấp 3.

Hết mùa nắng, tới mùa mưa, cô giáo Ngô Thị Kim Thúy đều miệt mài đi về trên con đường nối hai xã suốt 8 năm qua để làm công tác dạy học cho học sinh vùng biển.

Cô giáo Ngô Thị Kim Thúy.

Việc đi lại xa xôi, khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi lũ tới, lại thêm hoàn cảnh riêng là chồng công tác ở xa, cả tuần mới về thăm nhà, phải một tay chăm sóc gia đình, con cái…không biết bao nhiêu khó khăn chất trên vai cô. Nhưng đó lại chưa phải là nỗi niềm trăn trở lớn nhất của cô giáo Thúy, người có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề dạy học ở vùng khó.

Trước khi về dạy học ở Nghĩa An, cô giáo Thúy cũng đã có 9 năm dạy học ở vùng núi Sơn Hà, cách nhà cả 100 cây số. Sơn Hà là vùng khó miền núi, cũng là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn nhất của Quảng Ngãi. "Do hoàn cảnh gia đình nên tôi đã xin về trường gần nhà hơn, nhưng chuyển xuống đây dù gần hơn nhiều, nhưng đang dạy miền núi, xuống dạy học sinh miền biển, thấy khó khăn cũng như nhau", cô Thúy nói.

Nghề nào cũng có nỗi niềm, nghề nào chẳng có khó khăn nhưng trong suốt bao năm gắn bó với nghề dạy học, cô đều vượt lên mọi trở ngại, trở thành giáo viên dạy giỏi của tỉnh. Qua các năm học cô Thúy đã bồi dưỡng được nhiều em học sinh lớp 9 đi thi học sinh giỏi đạt giải cấp thành phố, cấp tỉnh môn Địa lý. Nhưng nói đến việc dạy và học cả học sinh miền biển, cô giáo Kim Thúy còn mang nhiều trăn trở.

Nghĩa An là xã ven biển với địa hình như một hòn đảo vì phía đông giáp biển Đông, phía tây có dòng sông Phú Thọ (nối sông Trà Khúc và sông Vệ) chia cắt. Xã mới trở thành thị xã của TP Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hơn một năm trở lại đây.

Ngôi trường nằm kế tiếp với những xóm chài có nhiều ngôi nhà hai, ba tầng khang trang như phố thị. Theo Phó Chủ tịch xã Nghĩa An Phạm Anh Tuấn: 90% dân ở đây làm nghề đi biển, nhiều hộ khá giả, có đội tàu công suất lớn, số lượng có thể nói là lớn nhất toàn tỉnh ....Tuy nhiên, điều khiến các cấp ngành trăn trở nhiều năm qua là tình trạng học sinh không chịu học, thường bỏ học sớm, có em chỉ qua lớp 7, nhiều em chưa hết lớp 9 là đã theo gia đình đi tàu cá.

Đối với các thầy cô giáo, đây là vùng không nghèo nhưng lại khó. Khó khăn lớn nhất chính là các em ở đây ít chịu học và thói quen, quan điểm của người dân vùng biển đối với việc học vẫn là trở ngại lớn trong việc thúc đẩy học sinh tới trường.

“Các em cho rằng học cũng không làm gì, cũng sẽ phải đi biển, còn các em nữ thì học hết lớp 9 cũng đi kiếm việc làm. Đại đa số phụ huynh học sinh cũng có quan điểm như vậy", cô Thúy kể. Không có cách nào khác, các thầy cô chỉ có nước vận động các em.

Vì thế, ngoài những giờ dạy học, các thầy cô còn phải bỏ công tới từng nhà, từng trường hợp nghỉ không tới lớp để vận động gia đình và các em. “Mỗi lần đi vận động là cực lắm”, cô tâm sự, bởi không chỉ phải nắm vững hoàn cảnh của từng em mà còn rất tâm lý để có cách thuyết phục thích hợp.

Cô Thúy vẫn nhớ như in trường hợp gần đây nhất, một học sinh không tới lớp. Tìm hiểu ra thì được biết nguyên nhân do bố thường xuyên say rượu, mẹ giận bỏ đi. "Hai vợ chồng cãi nhau, đánh lộn, rồi ông bố "uýnh" vô miệng con làm sưng mặt em, con bé thấy “dị” quá nên nghỉ học" – cô kể.

Thế là cô lại phải đến tận nhà em thuyết phục.

Đa số trường hợp học sinh phải ở nhà với ông bà do cha đi biển, mẹ đi làm xa. Mỗi chuyến đi biển của ngư dân thường kéo dài cả tháng, tháng rưỡi, nên nhiều khi muốn trao đổi sâu sát tình hình gia đình các em cũng chỉ gặp được ông bà.

Cứ thế, song song với dạy học, cô giáo Thúy còn gắn bó với học sinh trong từng hoàn cảnh riêng của cuộc sống. Sau này, những học trò để lại cho cô ấn tượng không phải là những học sinh giỏi, thành đạt mà chính là những học sinh cá biệt, những em có hoàn cảnh khó khăn.

Khi hỏi cô: Có trường hợp học trò nào đã đem tới động lực để cô gắn bó với nghề không? Cô Thúy không ngần ngại trả lời ngay: Có chứ, đó là những học sinh cá biệt.

"Học sinh giỏi khi ra trường thường ít nhớ tới mình nhưng học sinh cá biệt khi mình giáo dục, các em lại nhớ", cô nói.

Đến giờ, cô Thúy vẫn nhớ mãi một học sinh tên là Nhật. "Bây giờ em đi biển rồi. Em này rất thông minh nhưng nghịch và không chịu học cho nên hai cô trò rất hay tâm sự với nhau. Nhiều khi cả lớp về hết rồi chỉ còn hai cô trò ngồi tâm sự. Có nhiều lần nói chuyện, tôi phân tích những cái đúng cái sai thì em khóc, rồi em hứa học hết lớp 9, rồi sau đó em đi biển. Khi đó, em đã gọi điện cho cô nói rằng: Cô ơi, em muốn học nhưng giờ hoàn cảnh em khó khăn quá, chắc là em phải đi biển thôi. Lâu lâu em vẫn nhớ điện thoại cho cô. Đó làmột trong những học trò đã để lại ấn tượng đối với tôi", cô Thúy kể.

Những năm trước cô Thúy làm chủ nhiệm lớp 9, lúc nào cũng lo học sinh nghỉ học. Tới năm nay cô chuyển sang làm chủ nhiệm lớp 6, ít lo các em bỏ học hơn thì lại lo phải kèm các em từng ly từng tí do tiểu học mới lên nên số lượng môn học các em thích nghi chưa kịp.

Ngoài ra, trong quá trình dạy học, cô cũng phải tìm tòi những phương pháp, cách thức truyền đạt để thu hút các em. “Trong quá trình dạy học, tùy đặc điểm của học sinh và sức học của từng em và từng lớp mà mình có những phương pháp dạy riêng. Ví dụ, có lớp mình tổ chức theo mô hình cho các em sinh hoạt nhóm tổ, có lớp thì phải đi sâu đi sát từng em một để các em phát huy được sức học”.

Cô Thúy cho biết, đã sống với nghề thì sẽ chấp nhận hy sinh vì nghề cho nên mặc dù công tác ở vùng khó khăn nhiều năm nhưng vì học sinh, vì kiến thực mình tích lũy được trong nhiều năm muốn truyền đạt lại cho học sinh nên trong suy nghĩ cô luôn luôn muốn sống với nghề chứ không bao giờ bỏ.

"Nhiều khi cuộc sống chồng ở xa, con thì nhỏ nên mình cũng có thấy khó khăn nhưng tự mình khắc phục. Ngành của mình vẫn chưa được sự chú trọng của phụ huynh và học sinh thì đó là điều chạnh lòng nhất của giáo viên", cô tâm sự.

Hỏi cô Thúy về ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cô cho biết: "Đối với mình ngày nào cũng là ngày 20-11, vì mỗi ngày mình tới lớp với mong muốn đem lại kiến thức cho học trò. Khi các em áp dụng được kiến thức trong đời sống là các em nhớ tới mình".

Tất nhiên, cũng có những học sinh cá biệt khiến cô giáo phải buồn, nhưng cô Thúy không bao giờ nản lòng với nghề giáo. Cô cười tươi khẳng định: "Mình luôn sống với nghề và yêu nghề, dù hoàn cảnh có thế nào".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/31304902-365-ngay-20-11-cua-co-giao-vung-bien.html