30 người “cố thủ” trong lũ vì sợ mất tài sản về nơi an toàn

Sau nhiều lần thuyết phục, chính quyền đã đưa được những người dân cố thủ trong dòng nước lũ để giữ tài sản đến nơi an toàn.

Chiều 3-11, chính quyền huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai đã đưa tất cả những nông dân “cố thủ” trong chòi rẫy bị ngập đến nơi an toàn.

Trước đó, từ sáng sớm cùng ngày, khi nước lũ tại sông Ba lên cao gây ngập cục bộ một số nơi, lực lượng chức năng huyện Ia Pa đã tiến hành di dời những người dân trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Nước lũ mênh mông nhưng hàng chục người vẫn ở lại chòi rẫy để giữ tài sản

Sau khi được chính quyền địa phương vận động, tất cả các hộ dân đã được đưa về bờ an toàn

Vợ chồng ông Lê Văn Lệ di chuyển về nơi an toàn cuối cùng vì lo ngại mất tài sản

Xe máy của người dân bị hư hỏng sau khi cố vượt qua đường ngập nước

Chênh vênh giữa dòng nước lũ

Tuy nhiên, có khoảng 30 người dân thuê đất ở tại12 chòi rẫy để trồng dưa vẫn chưa chịu di chuyển ra nơi an toàn. Sau nhiều lần thuyết phục, tới chiều cùng ngày những người này mới lần lượt dời đi.

Trước lo ngại của các hộ dân về việc nếu dời đi sẽ bị mất phân bón, vật tư đã đầu tư. Chính quyền địa phương đã giúp đỡ vận chuyển một phần vật tư cho các hộ dân.

Vợ chồng ông Lê Văn Lệ, đến cuối giờ chiều mới chịu dời đi vì vẫn lo lắng cho số tài sản có thể bị lấy trộm. “Từ tối qua, nước lên tới gần chỗ ngủ chúng tôi đã sợ lắm rồi. Nhưng sáng nay nước bớt, mà dời đi thì lo ngại bị mất trộm tài sản. Tôi mong khi chuyển đi chính quyền có biện pháp bảo vệ tài sản” – ông Lệ bày tỏ và cho biết nếu biết trước có lũ về đã chuyển hết đồ đạc đến nơi an toàn.

Ông Trần Văn Lên, một hộ dân cũng cho biết nếu biết trước có lũ thì sẽ di chuyển đồ đạc tới nơi an toàn. “Hôm qua tôi chỉ nghe phong thanh là có lũ về chứ không chắc chắn nên không kịp dời đi” – ông Lên nói.

Tất cả những hộ dân sau khi được đưa ra khỏi vùng bị ngập lũ đã được di chuyển về trường THCS Lê Lợi, xã Ia Broái, huyện Ia Pa ở tạm.

Lũ lụt chia cắt chuyến tàu Sài Gòn – Quy Nhơn

Chiều 3-11, ông Nguyễn Văn Miên – Phó trưởng Ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cho biết đến 15 giờ cùng ngày, các chuyến tàu khách Bắc - Nam từ Hà Nội đi Sài Gòn và ngược lại vẫn hoạt động bình thường qua ga Diêu Trì. Tuy nhiên, vào lúc 8 giờ 8 phút sáng cùng ngày, đoàn tàu SQ4 từ ga Sài Gòn về ga Quy Nhơn đã phải dừng lại tại ga Diêu Trì, nguyên nhân do đoạn đường sắt từ ga Diêu Trì về ga Quy Nhơn có nhiều chỗ bị ngập nước, không đảm bảo an toàn chạy tàu.

Khu vực phường Nhơn Phú nơi có đường sắt tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn đi qua đang bị ngập nặng

Trước tình hình trên, ngành đường sắt đã hợp đồng với Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn để trung chuyển đưa khách từ ga Diêu Trì về TP Quy Nhơn. Đồng thời, chiều nay, 3-11, xe buýt này cũng tiếp tục trung chuyển khách từ ga Quy Nhơn lên ga Diêu Trì để đưa khách đi vào ga Sài Gòn trên chuyến tàu SQ1.

Ông Nguyến Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết đến chiều 3-11, nhiều phường ở khu vực ngoại thành Quy Nhơn vẫn còn đang bị ngập trắng, hầu hết các khu dân cư tại những nơi này đều đã bị lũ chia cắt. Trong đó, phường Nhơn Phú bị ngập hoàn toàn; các phường có nhiều khu vực bị chia cắt là phường Nhơn Bình, phường Trần Quang Diệu và phường Bùi Thị Xuân.

Hoàng Thanh - Anh Tú

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/30-nguoi-co-thu-trong-lu-vi-so-mat-tai-san-ve-noi-an-toan-20161103165137019.htm