30 năm hồi sinh đô thị biên cương

Ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, toàn bộ các cơ quan của tỉnh đều đứng chân ở Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu của huyện Bảo Thắng và thị xã Cam Đường. Khi ấy, thị xã Lào Cai (thành phố Lào Cai hôm nay) là vành đai trắng, chìm trong lau lách, cỏ dại. Cầu Cốc Lếu là một dải sắt vụn oằn mình vắt ngang sông Hồng chia thị xã thành hai nửa. Người dân qua lại đều phải phụ thuộc vào những chuyến phà.

Sau 30 năm, thành phố Lào Cai ngày càng hiện đại, xứng tầm trung tâm tỉnh lỵ.

Ngày 7/6/1992, trong chuyến công tác tại Lào Cai, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Võ Văn Kiệt đã nghe báo cáo quy hoạch tổng thể thị xã Lào Cai, thăm thực địa, hỏi cặn kẽ về đặc điểm từng khu vực xây dựng các cơ quan, công trình trước đây. Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Tỉnh ủy Lào Cai xây dựng thị xã Lào Cai tại địa điểm như hiện nay, đặt dấu mốc quan trọng cho cuộc hồi sinh đô thị biên cương. Trên nền gạch vỡ, những con phố mở ra đến đâu, các công trình, dự án và nhà dân nối nhau mọc lên đến đó, san sát, đông vui. Tỉnh cũng quyết định chuyển các cơ quan về thị xã Lào Cai làm việc khiến không khí của thị xã Lào Cai trở nên sôi động. Năm 1993, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai khai thông, sau 14 năm, không gian biên cương lại vang lên tiếng còi tàu, hành khách và hàng hóa tấp nập vào ga Phố Mới. Cầu Cốc Lếu nối nhịp kéo hai nửa thị xã xích lại gần nhau, kết nối với các trục giao thông tỉnh lộ, quốc lộ tạo thế liên hoàn.

Được Trung ương đồng ý về chủ trương, hỗ trợ nguồn lực, cùng với nội lực, cả thị xã thành công trường lớn với tốc độ xây dựng chóng mặt, bởi đã có quy hoạch chung, có địa điểm chính xác đặt những con đường, những khu dân cư, các cơ quan. Chỉ từ tháng 3/1993 đến chưa hết năm 1995 đã hình thành thị xã Lào Cai tương đối chững chạc. Các cơ quan đủ chỗ làm việc, các khu phố hình thành và tất cả đường chính, đường nhánh đã hoàn thành. Thị xã tỉnh lỵ Lào Cai hồi sinh mạnh mẽ, chuẩn bị bước sang giai đoạn tăng tốc phát triển.

Năm 2004, sau 2 năm sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường, thị xã Lào Cai được công nhận là thành phố, đô thị loại 3. Tỉnh Lào Cai cũng quyết định xây dựng Khu Đô thị Lào Cai - Cam Đường để “dời đô”, nhường toàn bộ khu vực thị xã Lào Cai cũ để phát triển thương mại, dịch vụ. Năm 2008, cơ quan đầu tiên của tỉnh chuyển về làm việc tại trung tâm hành chính mới. Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2014, thành phố Lào Cai tiếp tục được công nhận đạt đô thị loại 2.

Trước đó, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai được xây dựng lại, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp tới hoạt động. Đại lộ Trần Hưng Đạo, đường Võ Nguyên Giáp, các cây cầu Phố Mới, Kim Thành, Giang Đông được xây dựng. Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành cùng các cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới, Bắc Nhạc Sơn hình thành và thu hút hàng trăm dự án đầu tư. Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng lại, đô thị Lào Cai đã quy hoạch theo hướng đô thị sinh thái, với 4 tiêu chí: Sáng - xanh - sạch - đẹp. Các đường phố đều được trồng cây xanh. Nhiều tiểu cảnh, công viên, quảng trường được xây dựng, trở thành những điểm nhấn của quy hoạch đô thị như công viên Nhạc Sơn, công viên Hồ Chí Minh, quảng trường Trung tâm, quảng trường Kim Tân, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và những cánh rừng bao quanh tạo nên cảnh quan “rừng trong phố, phố trong rừng” rất đặc trưng.

Trong suốt 30 năm qua, thành phố Lào Cai đã qua 2 lần mở rộng không gian, đó là năm 2002 với việc sáp nhập 2 thị xã Lào Cai và Cam Đường. Gần đây nhất là việc sáp nhập một số thôn thuộc xã Quang Kim và toàn bộ xã Cốc San của huyện Bát Xát, một số thôn thuộc xã Gia Phú của huyện Bảo Thắng về thành phố và điều chỉnh địa giới hành chính của một số phường.

Theo đó, thành phố có tổng diện tích hơn 283 km2, với hơn 125.000 người, 17 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 10 phường và 7 xã). Hằng năm, công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị được quan tâm đầu tư; hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từng bước đồng bộ, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, năm 2020 đạt 75,7%, chất lượng cuộc sống của người dân đô thị ngày được nâng cao. Nhiều dự án trọng điểm được Trung ương, tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác hiệu quả, như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, bến xe khách trung tâm, ga Lào Cai; cầu Cốc Lếu, cầu Kim Thành, cầu Giang Đông; hệ thống xe buýt công cộng; 368 tuyến phố chính đường nội thị với gần 240 km được bê tông hoặc rải nhựa apphal; hệ thống điện chiếu sáng công cộng được đầu tư đồng bộ; kè và hạ tầng đô thị 2 bên bờ sông Hồng đoạn qua địa bàn thành phố đang hoàn thiện, hình thành khu đô thị ven sông…

Thành phố đang tiếp tục thu hút đầu tư để xây dựng hạ tầng đô thị. Đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng 22 khu đô thị mới, khu nhà ở thương mại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, mẫu thiết kế thống nhất. Những dự án này tạo điểm nhấn hiện đại, đáp ứng yêu cầu về nhà ở, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, chuyển đổi việc làm… từng bước hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I trong giai đoạn 2020 - 2025. Thành phố đã có 3/5 tiêu chí với 49/59 tiêu chuẩn đô thị loại I đạt điểm tối thiểu trở lên. Thành phố cũng đã hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Lào Cai và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn năm 2050; Chương trình phát triển đô thị thành phố Lào Cai giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tương lai không xa, đô thị Lào Cai chắc chắn tiếp tục được xây dựng hiện đại, luôn xứng đáng là trung tâm tỉnh lỵ và là cầu nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347732-30-nam-hoi-sinh-do-thi-bien-cuong