3 vấn đề của đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt

Tháng 12 này, TP.Đà Lạt sẽ kỷ niệm 130 năm thành lập, tính từ ngày 21-6-1893 khi nhà thám hiểm - bác sĩ A.Yersin dẫn đầu đoàn thám hiểm đặt chân đến thác Prenn ngày nay - tìm ra vùng đất để sau này Toàn quyền Đông Dương quyết định xây dựng đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt.

Khu vực trung tâm TP.Đà Lạt

Trải qua ngần ấy thời gian, Đà Lạt vẫn là một trong những thành phố du lịch có tiếng của Việt Nam nhưng đô thị từng được mệnh danh là “bảo tàng kiến trúc biệt thự” này đang đối mặt với sự nhạt nhòa bản sắc kiến trúc.

Nhạt nhòa bản sắc kiến trúc

Theo giới kiến trúc, ở Việt Nam chỉ có 2 thành phố có chức năng từ lúc khai sinh, đó là Huế với chức năng đô thị cung đình của chế độ phong kiến nhà Nguyễn và Đà Lạt với chức năng đô thị nghỉ dưỡng cho các quan chức người Pháp và một ít người Việt dưới thời Pháp thuộc. Nhưng nếu Huế chỉ còn là một đô thị di sản của quá khứ với nhiệm vụ chính là bảo tồn các di tích thì Đà Lạt lại là đô thị đang phát triển tiếp nối cùng cuộc sống đương đại với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển là song song. Cũng chính vì thế, đô thị này luôn phải đối mặt với nguy cơ đánh mất bản sắc kiến trúc lớn hơn và thực tế đang diễn ra đúng như vậy.

Suốt trong một thời gian dài từ sau Ngày Giải phóng (3-4-1975), việc quản lý, sử dụng các công trình kiến trúc của Đà Lạt chưa đúng công năng, cùng những khó khăn của thời kinh tế bao cấp - bị bao vây cấm vận đã khiến nhiều biệt thự, công trình kiến trúc có giá trị bị xuống cấp trầm trọng. Việc sử dụng biệt thự làm nhà ở tập thể cho công nhân viên chức với tình trạng cơi nới, không được bảo quản khiến rất nhiều biệt thự trông rất nhếch nhác và vẫn còn tồn tại đến tận hôm nay. Nhiều biệt thự cổ trên đường Hoàng Diệu, Huyền Trân Công Chúa… giờ vẫn chưa được giải tỏa, nâng cấp để trả về đúng công năng.

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến việc bảo tồn kiến trúc, cảnh quan của đô thị Đà Lạt, thể hiện qua Quyết định số 620/TTg ngày 27-10-1994 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng do chính ông ký. Theo đó, “Cần chủ động thực hiện các biện pháp duy trì, tôn tạo và phát triển cảnh quan thiên nhiên, các cơ sở du lịch, môi sinh, môi trường để đảm bảo cho Đà Lạt xứng đáng với tính chất trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng có tầm vóc quốc gia và quốc tế”. Đồng thời “Cần chú ý áp dụng nghiêm ngặt các quy chuẩn về kiến trúc, xây dựng, bảo vệ cảnh quan môi trường, lập hồ sơ cắm mốc đường đỏ, bản đồ địa chính, rà soát lại quỹ đất, quỹ nhà, quỹ rừng để xây dựng và quản lý tốt hơn” (Điều 1). Đặc biệt, “cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố để tập trung đầu mối trong quản lý xây dựng tại TP.Đà Lạt” (Điều 2).

Trước đó, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã lập Đề án Bảo tồn và phát huy quỹ biệt thự Đà Lạt với kết quả tôn tạo được một số khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo, Lê Lai và lập danh sách các biệt thự cần được bảo tồn. Nhưng tiếc thay, khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo với quần thể 13 ngôi biệt thự lộng lẫy, được xây dựng trong thời gian từ năm 1915-1920, mang kiến trúc Pháp và châu Âu và thuộc cấp biệt thự loại A (có diện tích khuôn viên hơn 2.000m2 trở lên), nằm trên trục đường chính Hùng Vương - Trần Hưng Đạo - Trần Phú đã bị xà xẻo toàn bộ đất phía sau nên giờ không còn khuôn viên vốn rất rộng, làm mất đi giá trị cảnh quan vốn là một trong 2 thành tố làm nên giá trị kiến trúc của đô thị Đà Lạt: cảnh quan và kiến trúc.

Cùng với đó là cách làm đường giao thông, tôn cao cốt nền liên tục trong hàng chục năm qua đã khiến hàng loạt biệt thự có giá trị bị “lún” sâu hơn mặt đường gần 2m, làm mất đi giá trị của biệt thự và công trình kiến trúc.

Là đô thị nghỉ dưỡng có đặc trưng kiến trúc vườn trong phố, việc xây dựng luôn tôn trọng yếu tố địa hình, cảnh quan rừng thông và các tòa biệt thự với nhiều tầng, nhiều cấp theo sát đường đồng mức bám lấy địa hình, lấy thiên nhiên làm nền nhưng nhiều năm qua đang bị xây dựng dồn nén vào khu trung tâm khiến du khách cảm nhận Đà Lạt không còn nét đẹp thơ mộng như xưa vì đã bị bê tông hóa quá nhiều.

Đáng chú ý, gần đây UBND tỉnh Lâm Đồng cho xây dựng tòa nhà CLB Golf ngay trên sân đồi Cù Đà Lạt và đưa Dinh Tỉnh trưởng (cao 1.532m) ra khỏi danh sách bảo tồn kiến trúc loại I đã làm dư luận dậy sóng. Một thành viên Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng cho rằng: Việc xây dựng khối tòa nhà CLB Golf Đà Lạt đã che chắn mất tầm nhìn về phía núi thiêng Langbiang và phá vỡ nguyên tắc bất kiến tạo ở vùng trung tâm nội đô Đà Lạt, làm cho bản sắc kiến trúc ngày một nhạt nhòa trong khi giới chức có trách nhiệm thì bao biện cho các quan điểm kiến trúc sai trái, vốn được tuân thủ nghiêm ngặt qua nhiều đồ án chỉnh trang đô thị trong quá khứ.

Vấn nạn nhà kính và hệ quả

Ngoài việc đánh mất bản sắc kiến trúc “quý tộc” rất Tây vốn có thì Đà Lạt đang phải đau đầu với tình trạng nhà kính hóa. Sự xuất hiện của một công ty hoa vào đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước kéo theo phong trào trồng hoa, rau trong nhà kính bùng nổ suốt thời gian dài đã biến nhiều khu vực ngoại ô Đà Lạt như P.9, P.10, Thái Phiên, Trại Mát, Xuân Thọ giờ chỉ toàn nhà kính trắng xóa.

Theo thống kê cuối năm 2022, toàn thành phố có hơn 2.900ha nhà kính canh tác nông nghiệp tại 10/12 phường, chiếm hơn 60% diện tích đất trồng rau hoa (chưa tính xã). Trong đó, nhiều nhất là tại P.12 (làng Thái Phiên cũ) có đến 84% diện tích canh tác là nhà kính.

Gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nhà kính ở nội ô TP.Đà Lạt nhưng xem ra đã quá muộn và khó thực hiện vì hoàn toàn phụ thuộc vào nhà vườn. Nên chăng, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cần ban hành các quy chuẩn về hoa nhà kính tại các phường, giới hạn mật độ nhà kính trên từng lô đất nông nghiệp để người dân thực hiện, nhằm từng bước giảm mật độ nhà kính trong nội đô.

Không thể phủ nhận hiệu quả vượt trội của canh tác rau, hoa trong nhà kính so với phương thức truyền thống; nhưng trước đây, địa phương đồng nhất phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với nhà kính nên khuyến khích nhà vườn đầu tư nhà kính dẫn đến không kiểm soát được. Hệ quả nhãn tiền là mưa xuống chảy tràn trên mặt đất, làm đất không được bổ sung dưỡng chất nên sẽ nhanh bạc màu. Trong khi đó, nước mưa không còn chỗ để thẩm thấu vào lớp đất mặt của rừng thông như trước đã gây nên cảnh ngập lụt nghiêm trọng và thường xuyên hơn ở khu vực trung tâm thành phố.

Mai một bản sắc văn hóa

Khi Đà Lạt tròn 100 năm tuổi (1993) đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo bàn về bản sắc văn hóa người Đà Lạt và nhiều người đi đến thống nhất rằng: Bản sắc văn hóa của người Đà Lạt chính là hiền hòa, thanh lịch, mến khách và đặc tính ấy có ảnh hưởng rất lớn của kiến trúc cảnh quan (gồm công trình kiến trúc cảnh quan và thiên nhiên) với sự giao thoa, kết tinh của văn hóa Pháp và văn hóa các vùng miền của người Việt. Vốn là một đô thị nghỉ dưỡng được thành lập, xây dựng, quản lý bởi người Pháp với nhiều trường học danh tiếng nên người Đà Lạt rất vốn được giáo dục tốt. Cái thanh lịch được thể hiện ngay từ cách ăn mặc rất Tây, thời trang của người dân phố núi. Người viết bài này đã bắt gặp một cụ già ở ngoại ô Đà Lạt đi vào nội ô khám bệnh ở Bệnh viện Y học cổ truyền nhưng vẫn mặc áo vest, mũ phớt, tay mang dù rất lịch sự cứ như ở một nơi nào ở châu Âu.

Ngày trước các hành vi ăn nói, chửi bới sỗ sàng, “chém chặt” du khách cũng rất ít khi xuất hiện nhưng nay thì với tốc độ tăng dân số cơ học cùng tình trạng xây cất nhà cửa tăng lên khiến cho phong cách thanh lịch bị xâm hại. Và người ta đang lo ngại rằng, sự đánh mất bản sắc kiến trúc của Đà Lạt sẽ dẫn đến một hệ lụy lớn hơn là đánh mất bản sắc văn hóa vốn có?

Y Văn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/3-van-de-cua-do-thi-nghi-duong-da-lat-7d8086f/